Tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Thứ bảy, 26/10/2024 07:00

Theo Công an tỉnh Quảng Nam, thời gian qua, mặc dù công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được các lực lượng chức năng, trong đó nòng cốt là lực lượng Công an thực hiện đồng bộ, thường xuyên nhưng nhận thức của một bộ phận quần chúng nhân dân rất hạn chế, nhẹ dạ, cả tin, chủ quan, mất cảnh giác, hám lợi, mong muốn làm giàu nhanh nên tội phạm triệt để lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản (LĐCĐTS).

Các đối tượng áp dụng công nghệ mới, tinh vi, hiện đại để lừa đảo.
Nhóm đối tượng lừa đảo bằng hình thức đầu tư chứng khoán ảo vừa bị Công an tỉnh Quảng Nam bắt giữ.

Bên cạnh đó, phương thức thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi; áp dụng công nghệ mới; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật hiệu quả chưa cao; người dân chưa được tiếp cận kịp thời, đầy đủ, chính xác. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành, các cấp chưa đồng bộ, thống nhất, chặt chẽ, hiệu quả; đặc biệt là lừa đảo qua không gian mạng. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam xảy ra 174 vụ LĐCĐTS (so với cùng kỳ năm 2023 tăng 83 vụ , tỷ lệ 91,2%; trong đó có 113 vụ LĐCĐTS trên không gian mạng, tăng 64 vụ, tỷ lệ 130,6%) gây thiệt hại hơn 91 tỷ đồng.

Theo đánh giá, công tác đấu tranh với tội phạm lừa đảo tuy đã đạt những kết quả nhất định, nhưng tỷ lệ điều tra khám phá án đạt thấp, phần lớn tội phạm lừa đảo qua không gian mạng chưa có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả; việc làm sạch dữ liệu thông tin tài khoản ngân hàng, thuê bao di động còn chậm dẫn đến vẫn còn tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân, mua bán tài khoản ngân hàng, thuê bao di động không chính chủ, đây là một trong những điều kiện thuận lợi để đối tượng thực hiện các hành vi LĐCĐTS.

Dự báo trong thời gian tới, cùng với sự phát triển cuộc cách mạng công nghệ 4.0, giao dịch trực tuyến qua không gian mạng ngày càng chiếm ưu thế… tội phạm LĐCĐTS sẽ lợi dụng gia tăng hoạt động, nhất là trên lĩnh vực đầu tư, ngân hàng, mua bán hàng hóa trực tuyến... Do đó, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý tội phạm LĐCĐTS trên địa bàn tỉnh, ngày 21-10, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng ban hành Công văn số 8051/UBND-NCKS gửi các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm LĐCĐTS.

Các đối tượng áp dụng công nghệ mới, tinh vi, hiện đại để lừa đảo.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường chỉ đạo tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể trong công tác phòng ngừa, xử lý hoạt động LĐCĐTS; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến LĐCĐTS. Đồng thời, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện. Đồng thời tăng cường thông tin về các phương thức, thủ đoạn mới, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức phòng, chống tội phạm LĐCĐTS cho người dân; cần phân loại, đưa ra các cảnh báo về lừa đảo đối với từng nhóm người cho phù hợp, nhất là đối với nhóm người có nguy cơ cao bị lừa đảo. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao hiệu quả phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; xây dựng mô hình, điển hình tiên tiến về phòng chống tội phạm nói chung và phòng, chống tội phạm LĐCĐTS tại cộng đồng.

Đặc biệt, khuyến cáo cán bộ và người dân không đăng tải hình ảnh, thông tin cá nhân của mình lên mạng xã hội, chủ động kiểm chứng thông tin cá nhân của người lạ khi có lời mời kết bạn hoặc liên hệ qua mạng xã hội, cảnh giác với các lời mời gọi video, gửi hình ảnh nhạy cảm của người lạ. Nếu bị cưỡng đoạt tài sản bằng các thủ đoạn trên, người dân cần báo ngay đến cơ quan Công an để kịp thời ngăn chặn, xử lý…

TRẦN TÂN