Tăng cường công tác phòng ngừa phạm tội của trẻ vị thành niên
Thanh thiếu niên là nguồn nhân lực tương lai của đất nước, có vai trò quan trọng, xung kích trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên trong những năm gần đây, tình trạng thanh thiếu niên phạm tội có chiều hướng phức tạp, trong đó có nhiều đối tượng phạm tội khi đang ngồi trên ghế nhà trường, cùng với việc tăng về số vụ vi phạm.
Công an TP Đà Nẵng thời gian qua liên tục phát hiện, bắt giữ nhiều trường hợp thanh thiếu niên tự chế, mang theo hung khí đi đánh nhau.
Sau khi phạm tội, mặc dù chính quyền, các hội đoàn thể địa phương đưa vào diện quản lý, giáo dục tại cơ sở, song một bộ phận nhỏ thanh thiếu niên hư vẫn tiếp tục vi phạm pháp luật, buộc cơ quan chức năng phải lập hồ sơ đưa vào Trường Giáo dưỡng nhằm giáo dục văn hóa, lao động, sinh hoạt để các em trở thành công dân tốt khi trưởng thành.
Tại Đà Nẵng thời gian gần đây liên tiếp xuất hiện nhiều nhóm thanh thiếu niên tự chế hung khí, sau đó mang đi đánh nhau với đối thủ. Nhiều vụ việc đã được Công an TP Đà Nẵng kịp thời phát hiện, chưa gây ra hậu quả đáng tiếc. Mới đây, lợi dụng tình hình ngày đầu tiên Đà Nẵng nới lỏng giãn cách, 2 nhóm thanh thiếu niên vì có mâu thuẫn trước đó nên hung hãn, chuẩn bị nhiều vũ khí tự chế, hẹn nhau và sẵn sàng cho vụ hỗn chiến được ấn định vào tối 30-9. Tuy nhiên, các trinh sát Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an TP Đà Nẵng chủ động nắm bắt được thông tin, phối hợp với các đơn vị liên quan kịp thời ngăn chặn vụ hỗn chiến diễn ra.
Theo đó, 2 nhóm thanh niên trên gồm 1 nhóm trú tại địa bàn quận Sơn Trà gồm 6 người, nhóm còn lại có tên là Mai Am (nhóm trú Q. Hải Châu) gồm 4 người. Công an đã thu giữ 5 cây đao phóng lợn, 2 cây mã tấu thu của nhóm Mai Am tại khu vực Đầm Rong 2 (P. Thanh Bình, Q. Hải Châu). Qua khai nhận, mâu thuẫn chính trước vụ hỗn chiến xảy ra giữa các đối tượng Nguyễn Ngọc Gia Bảo, Nguyễn Xuân Lộc và Nguyễn Hồng Quân (nhóm trú Q. Sơn Trà) với các đối tượng Nguyễn Duy Minh Kiệt và Nguyễn Văn Trí (nhóm Mai Am). Trong đó, đối tượng Nguyễn Ngọc Hậu (2004, trú P. Hòa An, Q. Cẩm Lệ) là người cung cấp vũ khí tự chế cho các đối tượng thuộc nhóm Mai Am.
Trước đó, một nhóm thiếu niên từ 14 đến 18 tuổi hư hỏng, nằm trong diện quản lý trên địa bàn Q. Cẩm Lệ thành lập một hội kín có tên "Tân Lệ Thiên" để "rèn quân", tạo hung khí để chuẩn bị giải quyết mâu thuẫn với nhóm đối thủ 1 nhóm có tên "Thiên Đường" vào tối 8-6. Tuy nhiên, nhờ quản lý tốt địa bàn, CAP Hòa Xuân phối hợp với Đội CSHS CAQ Cẩm Lệ đã phát hiện vụ việc, kịp thời xử lý, không để xảy ra những sự việc đáng tiếc. Trong quá trình điều tra, lực lượng Công an tiếp tục thu giữ 7 cây chỉa, 2 dao phóng lợn của nhóm Tân Lệ Thiên. Mở rộng điều tra, CAQ Cẩm Lệ tiếp tục làm rõ thêm 1 nhóm kín khác với 10 thành viên gồm các thanh niên hư hỏng trú trên địa bàn. Sau khi kiểm tra nhà của nhóm thanh niên này, CAQ Cẩm Lệ tiếp tục thu giữ 8 cây đao, kiếm, 2 gậy bóng chày.
Đối với trường hợp người phạm tội là người chưa thành niên, Nhà nước có chính sách xử lý riêng căn cứ vào đặc điểm đặc thù của sự phát triển tâm sinh lý con người ở độ tuổi này cũng như đường lối, chính sách, pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Trong đó, giải pháp đầu tiên là chính quyền, hội đoàn thể đưa trẻ vị thành niên vào diện giáo dục, cảm hóa tại cơ sở. Tuy nhiên, nếu thanh thiếu niên hư vẫn tiếp tục vi phạm pháp luật, buộc cơ quan chức năng phải lập hồ sơ đưa vào Trường Giáo dưỡng nhằm giáo dục văn hóa, lao động, sinh hoạt cho các em để trở thành công dân tốt khi trưởng thành.
Mới đây tại Đà Nẵng, CAQ Cẩm Lệ đã lập hồ sơ, đưa và Trường Giáo dưỡng số 3 L.N.N.T (2006, trú Q. Cẩm Lệ) khi em này liên tiếp 3 lần vi phạm pháp luật trong thời gian vài tháng qua. Đây là trường hợp đầu tiên trong năm nay tại Đà Nẵng được đưa vào Trường Giáo dưỡng nhằm mục đích giáo dục, cảm hóa. Theo đó, ngày 21-7-2021, L.N.N.T bị UBND P. Hòa Thọ Tây áp dụng biện pháp giáo dục tại xã phường do có hành vi gây mất ANTT, trộm cắp và hủy hoại tài sản tại địa phương. Chưa đầy 1 tháng sau, T. bị CAP Hòa Thọ Tây xử phạt hành chính cảnh cáo vì hành vi gây mất trật tự. Ngày 29-9, T. tiếp tục gây mất ANTT tại khu dân cư qua đó, CAQ Cẩm Lệ đã lập hồ sơ đưa em vào Trường Giáo dưỡng để giáo dục cảm hóa trong thời gian 6 tháng.
Trung tá Lê Bá Sơn- Phó Đội trưởng Đội CSHS CAQ Cẩm Lệ cho biết, Trường hợp đưa L.N.N.T vào Trường Giáo số 3 đã nhận được quyết định thống nhất của Tòa án nhân dân Q. Cẩm Lệ và phía gia đình của em T. Đây là giải pháp giải pháp có tính giáo dục cao, người vi phạm tạm thời cách ly khỏi xã hội trong thời gian nhất định nhằm học tập, lao động, hướng nghiệp giúp đỡ các em trở thành công dân tốt cho xã hội khi trưởng thành.
"Hiện nay, nguyên nhân gia tăng các vụ phạm tội trong lứa tuổi thanh thiếu niên là hoàn cảnh gia đình các em khó khăn về kinh tế, cha mẹ ly hôn, ly thân, trong gia đình thường xảy ra bạo lực, thiếu quan tâm đến trẻ, hoặc nuông chiều quá mức, để trẻ tiếp xúc với những thành phần đối tượng có tiền án, tiền sự, bị lôi kéo vào con đường phạm pháp. Mặt khác do việc nhận thức của các em còn hạn chế, thiếu hiểu biết về pháp luật, chưa biết cách ứng xử giải quyết tình huống khi xung đột, thiếu sự quản lý giáo dục quan tâm, không định hướng được tương lai dẫn đến hành vi lệch chuẩn về đạo đức, quan hệ xã hội mà vi phạm pháp luật…
Chính vì vậy, gia đình cần phải chủ động gần gũi, quan tâm đến con trẻ để nắm được những biến đổi về tâm sinh lý để uốn nắn, giáo dục kịp thời. Ngoài ra, chính quyền địa phương, nhà trường cần phối hợp chặt với gia đình tăng cường quản lý thời gian học hành, sinh hoạt của các con rất cần thiết, cũng như việc chia sẻ với con tất cả mọi việc trong cuộc sống và học tập, tăng cường giáo dục kiến thức pháp luật cho con em hiểu được đâu là hành vi vi phạm pháp luật. Có như vậy mới giúp các em tránh xa cám dỗ, vi phạm pháp luật", Trung tá Lê Bá Sơn chia sẻ.
Ngọc Quốc