Tăng cường hỗ trợ sau cai nghiện và đẩy mạnh công tác phòng chống ma túy

Thứ tư, 23/10/2024 07:00

TP Đà Nẵng đã và đang đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong công tác cai nghiện ma túy và phòng chống tệ nạn ma túy. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, công tác hỗ trợ sinh kế và tái hòa nhập cộng đồng cho những đối tượng sau cai nghiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần tăng cường triển khai các chính sách hỗ trợ thiết thực hơn...

Công an TP Đà Nẵng tuyên truyền về phòng, chống của ma túy đối với học sinh, sinh viên.
Lãnh đạo UBND P. Nam Dương (quận Hải Châu) đối thoại, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người trong diện tái hòa nhập cộng đồng và quản lý sau cai.

Cần phát huy ưu điểm của Nghị quyết số 104

Theo kết quả khảo sát của Sở LĐ- TB và XH TP Đà Nẵng, công tác hỗ trợ sinh kế và tự học nghề cho những người sau cai nghiện tại Đà Nẵng vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong đợi. Trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 8 năm 2023, Sở phối hợp cùng các quận, huyện trên địa bàn TP đã làm việc với 18 phường, xã về việc cai nghiện ma túy và quản lý sau cai.

Kết quả khảo sát cho thấy, trong năm 2023, có 23 người được hỗ trợ, bao gồm 22 người được hỗ trợ sinh kế và 1 người được hỗ trợ học nghề. Tuy nhiên, chỉ có 19 người (82,6%) cho thấy tiến bộ trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng, 3 người tái nghiện (13%) và 1 người đã bỏ đi nơi khác. Một ví dụ cụ thể là tại phường An Khê (quận Thanh Khê), có 6 người sau cai nghiện được quản lý nhưng khi được khảo sát nhu cầu hỗ trợ sinh kế, 3 người từ chối hỗ trợ, 1 người chưa tiến bộ và 2 người được đánh giá có nguy cơ cao tái nghiện. Tại phường Thanh Khê Tây, UBND phường đã kết nối cho một đối tượng được hỗ trợ học nghề miễn phí tại một gara ô-tô, nhưng đối tượng này sau đó đã chuyển sang học nghề tại gia đình. Đây là một ví dụ điển hình về việc không phải lúc nào các chính sách hỗ trợ cũng mang lại hiệu quả như mong đợi, do nhu cầu và hoàn cảnh của mỗi đối tượng khác nhau.

Việc triển khai hỗ trợ cho những người đã cai nghiện thành công tại các cơ sở tập trung trong 5 năm qua cũng gặp khó khăn. Năm 2023, chỉ có 5 trường hợp được hỗ trợ với mức hỗ trợ 10 triệu đồng/người theo Nghị quyết số 104/2023/NQ-HĐND ngày 14-12-2023 "Quy định nội dung, mức chi và chế độ hỗ trợ công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn thành phố Đà Nẵng". Tuy nhiên, đến giữa năm 2024, chưa có thêm trường hợp nào được hỗ trợ. Nguyên nhân chính là do nhiều đối tượng vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ tái nghiện và không đủ tin cậy để được cấp sinh kế hoặc học nghề.

Nhằm khắc phục những khó khăn này, Sở LĐ- TB và XH đã đề xuất UBND các quận, huyện chỉ đạo các phòng LĐ-TB và XH tại địa phương tích cực rà soát, hỗ trợ sinh kế, và học nghề cho những đối tượng đã cai nghiện thành công theo đúng quy định của Nghị quyết số 104/2023/NQ-HĐND.

Ông Nguyễn Thành Nam- Phó Giám đốc Sở LĐ- TB và XH đề xuất các địa phương cần rà soát, xem xét, hỗ trợ sinh kế, tự học nghề và hỗ trợ các đối tượng theo quy định tại Nghị quyết số 104/2023/NQ-HĐND. Ngoài ra, việc lập kế hoạch và tổ chức các đợt tập huấn về công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện cho đội ngũ cán bộ tại các phường, xã cũng rất quan trọng. Sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành để xác định và hỗ trợ đúng đối tượng cần được chú trọng, nhằm đảm bảo việc quản lý sau cai hiệu quả và giảm thiểu tỷ lệ tái nghiện.

Học sinh quận Cẩm Lệ tham gia cuộc thi vẽ tranh cổ động về phòng, chống ma túy.

Lấy tuyên truyền làm cốt lõi

Song song với việc tăng cường hỗ trợ sau cai nghiện, Đà Nẵng cũng chú trọng công tác tuyên truyền về phòng chống ma túy, đặc biệt là trong cộng đồng và trường học. Theo Sở LĐ- TB và XH, TP Đà Nẵng, UBND các phường, xã trên địa bàn TP đã chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền dưới nhiều hình thức khác nhau. Các phương tiện trực quan như panô, băng rôn, áp phích đã được lắp đặt khắp nơi, cùng với các chương trình phát thanh, tuyên truyền lưu động tại các khu dân cư, trường học và công ty. Đặc biệt, công tác tuyên truyền còn được lồng ghép vào các cuộc họp Tổ dân phố, các buổi sinh hoạt cộng đồng. Chỉ trong thời gian qua, UBND các xã, phường đã tổ chức 117 đợt tuyên truyền, thu hút hơn 14.000 lượt người tham dự và lắp đặt 223 panô, băng rôn, áp phích tuyên truyền về phòng chống ma túy.

Nổi bật là các địa phương đã sáng tạo và triển khai nhiều mô hình mới trong phòng chống ma túy. Tại xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang), Hội Nông dân và Công an xã xây dựng mô hình "Tộc, họ không có con em vi phạm về tệ nạn ma túy". Tại phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ) là mô hình "Quản lý 4+1", quản lý các đối tượng sau cai nghiện và giúp họ hòa nhập lại cộng đồng. Xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang) xây dựng mô hình "An ninh trật tự" ; một số UBND phường thuộc quận Hải Châu được quan tâm, hỗ trợ kinh phí của UBND quận tiếp tục duy trì sinh hoạt câu lạc bộ sau cai…

Công an TP Đà Nẵng tuyên truyền về phòng, chống của ma túy đối với học sinh, sinh viên.

Một trong những điểm sáng của công tác tuyên truyền là việc phối hợp giữa các trường học và lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (CSMT). Trong tháng 10-2024, hưởng ứng Tháng hành động phòng chống ma túy trong trường học, Phòng CSMT Công an TP Đà Nẵng đã tổ chức các buổi tuyên truyền tại nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, và cao đẳng, thu hút sự tham gia của gần 2.000 học sinh, sinh viên. Đại úy Nguyễn Hồng Tâm, cán bộ Phòng CSMT thông tin, các buổi tuyên truyền tại trường học không chỉ cung cấp kiến thức về phòng chống ma túy mà còn trang bị kỹ năng nhận diện và đối phó với những chiêu trò nguy hiểm của tội phạm ma túy; cách nhận diện và phòng tránh hợp chất ma túy được tẩm trong thuốc lá điện tử và thực phẩm; tổ chức các cuộc thi vẽ tranh cổ động về phòng chống ma túy…

Có thể thấy, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự phối hợp đồng bộ giữa các ban ngành, Đà Nẵng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Việc tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và cung cấp hỗ trợ sinh kế cho những đối tượng sau cai nghiện là điều cần thiết để xây dựng một xã hội trong sạch, lành mạnh, và bảo vệ tương lai của thế hệ trẻ khỏi hiểm họa ma túy.

MAI VINH