Tăng cường kỹ năng thoát hiểm cho học sinh

Thứ sáu, 20/07/2018 11:47

Trong tháng 6 và giữa tháng 7, trên địa bàn Đà Nẵng đã xảy ra hơn 5 vụ cháy, đa số nguyên nhân các vụ hỏa hoạn là do chập điện. Tuy những vụ cháy không có thiệt hại về người nhưng việc trang bị cho mình những kỹ năng thoát hiểm khi cháy, nổ xảy ra là điều hết sức cần thiết. Đặc biệt là đối với những gia đình có con nhỏ…

CBCS Cảnh sát PCCC hướng dẫn học sinh sử dụng bình chữa cháy xách tay dập tắt đám cháy.

Nắm bắt được những nguy cơ do cháy, nổ gây ra, hiện nay, tại các trường học, cơ sở mầm non trên địa bàn Đà Nẵng đã bắt đầu quan tâm đến việc trang bị cho học sinh những kiến thức cơ bản về kỹ năng sống, đặc biệt là kỹ năng thoát hiểm, xử lý tình huống khi có cháy nổ xảy ra. Cụ thể là phối hợp với các phòng chức năng của Cảnh sát PCCC TP Đà Nẵng tổ chức các buổi tuyên truyền trong các buổi chào cờ, sinh hoạt ngoại khóa, đưa các em đến thăm trụ sở làm việc của những người lính cứu hỏa… học sinh biết được công việc của các chiến sĩ diễn ra như thế nào, học cách thoát nạn, sử dụng bình chữa cháy xách tay dập tắt đám cháy… Cách thức truyền dạy mới, gần gũi, đi vào thực tiễn đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo học sinh. Đơn cử, ngày 6-7, Trung tâm Anh ngữ Ames phối hợp với Cảnh sát PCCC TP tổ chức cho hơn 80 em học sinh học tập các kiến thức về PCCC và tìm hiểu công việc thường ngày của các chiến sĩ cứu hỏa. Tại buổi tham quan, các em đã được các chiến sĩ giới thiệu về các kiến thức về cháy, nổ; cách tiếp nhận thông tin báo cháy, xe chữa cháy, phương tiện chữa cháy, phương pháp xử lý khi phát hiện có sự cố cháy nổ xảy ra. Điểm mới của chương trình là tập trung hướng dẫn các em kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn, cách buộc dây thoát nạn, phương pháp cứu người bị nạn… Đồng thời đặt ra những câu hỏi tình huống để các em trả lời. Các em học sinh đều cảm thấy hào hứng khi trải nghiệm điều mới mẻ, biết thêm nhiều kiến thức PCCC, bảo vệ an toàn bản thân khi có cháy nổ xảy ra.

Học sinh Lê Thanh Tân cho biết: "Tham gia chương trình em học hỏi được rất nhiều điều, có được những hiểu biết và những kỹ năng cần thiết về phòng cháy chữa cháy, biết cách bình tĩnh, tự tin khi gặp sự cố để đưa ra cách xử lý hợp lý nhất khi xảy ra cháy. Chúng em được xem các chú cảnh sát triển khai đội hình xử lý tình huống cháy. Đến phần thực hành kỹ năng chữa cháy, chúng em được tận tay dùng bình chữa cháy đám cháy giả định. Qua đó, biết được cách thao tác rút chốt, phun dập tắt đám cháy như thế nào, biết cách dùng áo, quần nhúng nước để che mặt, mũi và bò thấp dưới nền nhà ra ngoài theo ngược hướng gió ra sao để bảo vệ an toàn cho bản thân, gia đình. Đối với mọi người xung quanh thì em có thể giúp trao đổi kiến thức để có thể chữa cháy trong trường hợp gặp sự cố".  Lần đầu tham dự buổi tập huấn, em Phạm Lê Mỹ Ngân vui vẻ nói: "Buổi tập huấn thật sự rất bổ ích, giờ chúng em đã biết khi cháy, ở dưới sàn mới có ô-xy để thở, khí các-bon sẽ bay lên trên. Khi phát hiện có cháy, em sẽ nhanh chóng tìm đường chạy ra ngoài thật nhanh. Nếu không còn đường thoát thì cố gắng tìm những vật có thể bảo vệ đường hô hấp để làm mặt nạ, hoặc tìm những vật khó cháy kéo về phía đầu gió ẩn nấp, đồng thời kêu to để mọi người xác định vị trí ứng cứu".

 Hướng dẫn học sinh thoát nạn khỏi đám cháy bằng cách đu dây.

Hẳn chúng ta vẫn còn nhớ vào trung tuần tháng 10-2016, một vụ hỏa hoạn đã bất ngờ xảy ra tại công trình sửa chữa trường Tiểu học Bế Văn Đàn (Q. Thanh Khê) khiến giáo viên, học sinh đang nghỉ trưa một phen hoảng sợ. Rất may vụ cháy đã được lực lượng Cảnh sát PCCC dập tắt kịp thời. Để giúp học sinh trang bị những kiến thức thoát nạn, Phòng Giáo dục đào tạo Q. Thanh Khê đã phối hợp Phòng Cảnh sát PCCC số 2 tổ chức tuyên truyền thực tập phương án PCCC&CNCH tại Trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh. Tình huống giả định cháy khu vực bếp. Sau khi phát hiện đám cháy, lực lượng bảo vệ đã cấp báo toàn trường, tiến hành cắt điện, sử dụng bình xách tay chữa cháy ban đầu và báo cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp. Cùng với đó, giáo viên trong nhà trường nhanh chóng hướng dẫn các em học sinh bình tĩnh, không chen lấn, xô đẩy nhau, sử dụng khăn che mũi và bịt miệng tránh hít phải khí độc, cúi thấp người men theo đường hành lang thoát khỏi đám cháy. Thầy giáo Ngô Trọng Hiểu- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh nhận xét, khi tạo tình huống với nhiều khói như cháy thật cùng với sự gấp rút, khẩn trương của lực lượng chữa cháy, cứu nạn cứu hộ chuyên nghiệp đã giúp cán bộ, giáo viên và học sinh lường trước các tình huống xảy ra. Rèn luyện kỹ năng thoát nạn và có thêm trải nghiệm thực tế, việc diễn tập hiện đang là cách tối ưu nhất trong việc tuyên truyền, nâng cao năng lực xử lý tình huống ban đầu một cách chủ động. Học sinh đang rất cần những tiết học như vậy trong chương trình học của mình, vừa là hình thức ngoại khóa hấp dẫn mang lại kiến thức bổ ích, vừa để các em có thể vận dụng tuyên truyền tác động sâu rộng đến nhận thức của các em học sinh, phụ huynh giúp các em hiểu rõ hơn về công tác PCCC, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với hoạt động PCCC đảm bảo an toàn tính mạng cho bản thân, gia đình.

Theo Thượng úy Nguyễn Huy Linh- Đội trưởng đội cứu nạn cứu hộ- Cảnh sát PCCC TP Đà Nẵng, tâm lý hoảng sợ khi đối mặt với đám cháy chính là nguyên nhân hàng đầu khiến các em trở thành những nạn nhân dễ bị kẹt lại trong các đám cháy nhất và nguy hiểm đến tính mạng. Chính vì vậy, việc trang bị kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và thoát nạn, thoát hiểm cho các em nhỏ hiện nay là vô cùng cần thiết và cấp thiết, giúp các em xây dựng thành những phản xạ bản thân, bình tĩnh xử lý tình huống; các gia đình có thể tự trang bị kiến thức cho con em mình bằng cách chọn lựa cho các em tham gia vào những lớp học kỹ năng sống, kỹ năng phòng vệ tại những trung tâm uy tín về lĩnh vực đào tạo phòng cháy, chữa cháy. Việc trang bị đầy đủ những kiến thức về cháy, nổ hay những kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy chính là hành trang cho các em trong cuộc sống sau này.

Thanh Hoa