Tăng cường phổ biến rộng rãi Luật Cảnh sát cơ động
Hội nghị được tiến hành bằng hình thức trực tuyến, kết nối từ điểm cầu hội trường Bộ Công an tới Công an 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tại điểm cầu Công an TP Đà Nẵng, Đại tá Trần Phòng - Phó Giám đốc Công an TP chủ trì.
Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe quán triệt những nội dung cơ bản của Luật CSCĐ và các văn bản quy định chi tiết thi hành. Luật CSCĐ gồm 5 chương, 33 điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của CSCĐ; chế độ, chính sách đối với CSCĐ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Tại Điều 3 Luật CSCĐ quy định rõ, CSCĐ là lực lượng vũ trang nhân dân thuộc CAND Việt Nam, là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Phạm vi, địa bàn hoạt động của CSCĐ trước hết phải theo quy định của Luật CAND và được xác định rõ trong Luật CSCĐ, đồng thời được phân định bởi các quy định của pháp luật có liên quan (như Luật Biên phòng Việt Nam, Luật Cảnh sát biển Việt Nam). Để bảo đảm cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ, tránh lạm quyền, nhất là các nội dung có liên quan đến quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp, khoản 2 Điều 4 của Luật đã quy định nguyên tắc hoạt động của CSCĐ là phải "Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam".
Việc luật hóa nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ, đặc biệt là các nhiệm vụ, quyền hạn có liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân sẽ góp phần tác động tới tình hình trật tự, an toàn xã hội theo chiều hướng tích cực. Theo đó, các quan hệ xã hội được CSCĐ quản lý, thực hiện nhiệm vụ sẽ được bảo đảm ổn định, an toàn, kịp thời xử lý có hiệu quả những vấn đề phát sinh do có đủ cơ sở pháp lý và phân định rõ phạm vi thẩm quyền của lực lượng này…
Sau khi nghe phổ biến những nội dung quan trọng của Luật CSCĐ và các văn bản quy định chi tiết thi hành, đại biểu đã thảo luận, có kiến nghị, đề xuất nhằm vận dụng luật đi vào thực tiễn gắn với từng địa bàn, lĩnh vực đạt hiệu quả tối ưu nhất. Đại diện lãnh đạo Bộ Tư lệnh CSCĐ cũng đã trực tiếp giải đáp các thắc mắc, kiến nghị của đại biểu, chỉ ra phương hướng và cách thức triển khai thực hiện Luật phù hợp, khoa học, hiệu quả.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thiếu tướng Lê Ngọc Châu - Tư lệnh Bộ tư lệnh CSCĐ cho biết, ngày 14-6-2022, tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 15, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật CSCĐ và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2023. Luật là cơ sở chính trị, pháp lý hết sức quan trọng để lực lượng CSCĐ thực hiện nhiệm vụ và xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao trong tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. So với Pháp lệnh CSCĐ năm 2013, Luật CSCĐ đã có nhiều quy định mới nhằm tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng lực lượng CSCĐ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; luật hóa các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ có liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân bảo đảm tuân thủ Hiến pháp năm 2013. Bên cạnh đó, quy định cụ thể hơn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và bảo đảm điều kiện hoạt động nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi nhiệm vụ của CSCĐ. Để nâng cao hiệu quả ứng dụng Luật CSCĐ vào thực tiễn công tác, Thiếu tướng Lê Ngọc Châu đề nghị tăng cường phổ biến rộng rãi nội dung luật cho các CBCS nắm vững và thực hiện.
Xuân Sơn