Tăng cường phối hợp phòng chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia

Thứ bảy, 17/03/2012 00:00

(Cadn.com.vn) - Trong hai ngày 16 và 17-3 tại Hội An (Quảng Nam), Bộ Công an và Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với cơ quan đồng cấp của Canada đồng chủ trì Cuộc họp nhóm Diễn đàn khu vực ASEAN về phòng chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia (ARF) lần thứ 10. Với sự tham gia của hơn 70 đại biểu gồm các quan chức ngoại giao, an ninh – cảnh sát, quân đội và các học giả... đến từ 27 quốc gia thành viên. Đây là lần thứ 2 và chỉ sau 2 năm Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị quan trọng này. Tại Hội nghị, Trung tướng Trần Việt Tân – Thứ trưởng Bộ Công an đã có bài phát biểu quan trọng...

Trong 2 ngày diễn ra Hội nghị, các đại biểu là thành viên Diễn đàn ARF sẽ cùng nhau thảo luận, trao đổi nhiều vấn đề liên quan đến tình hình khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, đặc biệt là trên khu vực biển Đông; đồng thời kiểm điểm kết quả triển khai kế hoạch công tác của ARF về khủng bố, buôn bán ma túy; tội phạm sử dụng công nghệ cao; hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân trên biển; An ninh khủng bố mạng; Phòng chống cấp tiến hóa...

 Diễn tập phương án phòng chống khủng bố hàng không tại sân bay Phú Bài,
Huế vào ngày 30-9-2011.

Theo báo cáo của Đoàn Việt Nam, trong năm 2011, thông qua kênh hợp tác Interpol, Aseanapol, Cảnh sát Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ trong nước và Cảnh sát nước ngoài tiếp nhận, xử lý 5.545 lượt thông tin liên quan đến 1.428 vụ việc, 1.974 đối tượng; phối hợp xác minh 167 vụ việc, truy bắt 210 đối tượng phạm tội tại Việt Nam bỏ trốn ra nước ngoài và ngược lại, trong đó có nhiều đối tượng phạm tội trong khu vực ASEAN. Chỉ đạo tiếp nhận hơn 3.000 hồ sơ dữ liệu Aseanapol, sử dụng cơ sở dữ liệu của tổ chức Interpol phục vụ công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho các hội nghị lớn do Việt Nam tổ chức như kỳ họp Đại hội đồng Interpol lần thứ 80...

Thực hiện chủ trương của Nhà nước về tăng cường hội nhập, hợp tác sâu rộng về mọi mặt với các nước, trong năm qua, Bộ Công an Việt Nam tiếp tục mở rộng, tăng cường hợp tác quốc tế qua nhiều kênh khác nhau như kênh hợp tác Interpol, Aseanapol, kênh hợp tác An ninh, Tình báo. Tham gia các hội nghị, hội thảo, khóa đào tạo, tập huấn trong và ngoài nước về đấu tranh chống các loại tội phạm, như: Hội nghị sỹ quan liên lạc Aseanpol, Hội nghị những người đứng đầu đơn vị phòng chống tội phạm mua bán người (HSU), Tập huấn dành cho sỹ quan cảnh sát cấp cao các nước ASEAN (JASPOC), Hội thảo xác định nạn nhân trong các vụ thảm họa, thiên tai; Hội thảo phòng chống tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố; Hội nghị công tác đào tạo Cảnh sát các nước ASEAN, Chương trình tập huấn lãnh đạo chỉ huy tại Trung tâm phối hợp thực thi pháp luật Jakarta (JCLEC) – Indonesia...

Trung tướng Trần Việt Tân – Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng: An ninh biển tiếp tục là mối quan tâm lớn của các quốc gia gắn liền với biển. Phần lớn các quốc gia tham gia ARF đều có biển hoặc gắn nhiều lợi ích với biển và biển sẽ là không gian phát triển của nhiều nước trong tương lai gần. Vì vậy, hợp tác quốc tế phòng, chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia không chỉ giới hạn trong phạm vi nỗ lực của một quốc gia hay khu vực ASEAN, mà cần phải tăng cường và mở rộng hơn nữa mối quan hệ hợp tác với các nước đối tác, đối thoại bên ngoài để cùng chia sẻ trách nhiệm và nỗ lực trong giữ gìn ổn định ANTT. Trong những năm qua, với nỗ lực của các nước thành viên trong khuôn khổ hợp tác này, nhiều cơ chế, sáng kiến, chương trình, kế hoạch hợp tác đã được thông qua và triển khai một cách đồng bộ, có hiệu quả trong và ngoài khu vực nhằm ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống như thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh, an toàn hàng hải, chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và giải trừ quân bị... Do đó, cần tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của diễn đàn ARF để tăng cường hợp tác và phối hợp hành động nhằm mang lại hiệu quả trong phòng, chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động như hiện nay.

Các đại biểu tham dự Cuộc họp nhóm giữa kỳ Diễn đàn ARF chụp ảnh lưu niệm.  

“Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang diễn ra sâu rộng, trên nhiều lĩnh vực, cùng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ đã tạo điều kiện cho nhiều loại tội phạm mới xuất hiện, phát triển, với thủ đoạn hoạt động tinh vi và đa dạng, lan rộng đến nhiều vùng lãnh thổ trên thế giới, gây hậu quả khó lường. Đặc biệt vấn đề phòng chống khủng bố, tội phạm trên biển, đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở biển Đông đang là mối quan tâm, lợi ích chung của diễn đàn ARF. Chính vì vậy, tại cuộc họp lần này chúng tôi đề nghị các nước tiếp tục ủng hộ các nỗ lực tăng cường lòng tin và hợp tác, phát huy hơn nữa các công cụ và cơ chế khu vực hiện có như: Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (CAC), Tuyên bố về cách ứng xử ở biển Đông DOC, thúc đẩy các kế hoạch hành động ASEAN – Trung Quốc về tôn trọng, thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC... Tích cực phấn đấu nhằm sớm hoàn tất quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC và xúc tiến tham vấn về việc xây dựng bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông COC trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Quốc tế và Luật biển 1982 (UNCLOS 1982) đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực”..., Thứ trưởng Trần Việt Tân nhấn mạnh tại Hội nghị.

Với sự có mặt đông đủ của đại diện các nước tham gia Diễn đàn ARF, Cuộc họp lần này cho thấy sự quyết tâm trong nỗ lực tăng cường hợp tác đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả đối với khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững trong khu vực và trên thế giới. Hy vọng rằng, Cuộc họp lần này sẽ đưa ra nhiều sáng kiến và biện pháp hữu hiệu nhằm từng bước hoàn thiện và nâng cao hiệu quả cơ chế hợp tác giữa lực lượng thực thi pháp luật các quốc gia thành viên Diễn đàn khu vực ASEAN, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phòng chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia của mỗi nước và khu vực.

Doãn Hùng