Tăng mua bán hàng online, giảm lây lan dịch bệnh
Theo ông Nguyễn Hữu Hạnh, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Đà Nẵng, những chốn đông người, đặc biệt là tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, cửa hàng... là những nơi dễ lây lan dịch bệnh COVID-19 nhất. Chính vì vậy, bên cạnh việc chỉ đạo các ban quản lý các chợ, các đơn vị và cá nhân chủ quản các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng trên địa bàn TP thực hiện nghiêm túc thông điệp “5k” của Bộ Y tế, Sở Công Thương TP đề nghị các đơn vị này tăng cường giải pháp bán hàng trực tuyến (bán hàng online), bán hàng qua điện thoại đặt hàng nhằm hạn chế di chuyển, tiếp xúc, giao tiếp.
Nhân viên Siêu thị Coopmart Đà Nẵng nhận điện thoại đặt mua hàng của khách hàng. |
Hưởng ứng quyết tâm “chống dịch như chống giặc” của lãnh đạo TP, Sở Công Thương TP, nhiều trung tâm thương mại, siêu thị, chợ và người dân trên địa bàn TP đã chuyển sang mua bán hàng online hay mua bán hàng qua điện thoại đặt hàng và giao hàng tận nhà thay vì đến tận nơi giao dịch và mua bán trực tiếp, góp phần hạn chế lây lan dịch bệnh... Chị Phạm Thị Thanh Châu, ngụ ở P. Xuân Hà (Q.Thanh Khê), chia sẻ: Từ khi đợt dịch Covid-19 thứ nhất xảy ra trên địa bàn TP Đà Nẵng đến nay, trong việc mua sắm hàng hóa, kể cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ nhu cầu sử dụng, tiêu dùng hàng ngày, gia đình chị ưu tiên mua hàng online hoặc gọi qua điện thoại để đặt hàng và nhận hàng tại nhà. “Trong thời điểm bùng phát dịch COVID-19, gia đình tôi tuyệt đối không đến các siêu thị hay chợ hoặc cửa hàng để mua sắm vì sẽ dễ bị lây nhiễm dịch bệnh”, chị Châu chia sẻ thêm, đồng thời cho biết gia đình chị Châu đã tải phần mềm mua hàng online của siêu thị Big C qua ứng dụng “Go! & BigC” hoặc gọi vào số điện thoại đặt mua hàng 1900.1880 của siêu thị này để đặt mua hàng và nhận hàng tận nhà.
Chị Phan Linh Giang, nhà ở P. Hải Châu 2 (Q.Hải Châu) cho biết: “Gia đình tôi trước đây thường hay mua thực phẩm tại các chợ truyền thống. Nhưng tại đợt dịch COVID-19 này ở Đà Nẵng có nhiều chợ phải tạm ngừng hoạt động nên tôi đã chọn phương thức mua hàng online hoặc đặt hàng qua điện thoại, nhận hàng tại nhà để đảm bảo sức khỏe an toàn cho bản thân và gia đình nói riêng, cộng đồng nói chung”. Chị Giang cho biết thêm qua nhiều lần mua hàng online qua ứng dụng VinID với tính năng “Đi chợ Online” của Hệ thống siêu thị VinMart, chị thấy giá cả hợp lý, hàng đảm bảo nguồn gốc xuất xứ và chất lượng, nhất là thời gian đặt hàng chỉ cần vài phút và sau đó chờ thêm chừng hơn 30 phút là nhận được hàng rồi. “Với những tiện ích như vậy, lại không phải tiếp xúc với quá nhiều người như khi đi mua hàng ở chợ hay siêu thị, từ nay trở đi, tôi sẽ thường xuyên mua hàng online”, chị Giang bộc bạch.
Kể từ đợt dịch Covid-19 đầu tiên xảy ra trên địa bàn Đà Nẵng (tháng 2-2020), các siêu thị và nhiều tiểu thương kinh doanh ẩm thực tại các chợ ở TP đã đồng loạt kích hoạt và đẩy mạnh phương thức bán hàng online qua zalo, facebook, google play, app store... và qua điện thoại đặt hàng, giao hàng tận nơi. Ông Nguyễn Đắc Hùng, Trưởng Ban Quản lý chợ Cồn, cho biết: Ở đợt dịch COVID-19 đầu tiên, số lượng khách hàng đến khu ẩm thực chợ Cồn để ăn uống giảm mạnh so với thời điểm trước đó. Để giữ khách hàng, hạn chế ảnh hưởng của dịch bệnh đến việc kinh doanh, đồng thời thực hiện nghiêm túc chủ trương của Nhà nước về phòng, chống dịch bệnh, nhiều tiểu thương tại khu ẩm thực chợ Cồn đã thay đổi phương thức kinh doanh từ việc bán hàng trực tiếp sang bán hàng online, bán hàng qua điện thoại đặt hàng rồi giao hàng tận nhà cho khách hàng và tiếp tục duy trì hình thức kinh doanh này cho đến nay.
Với Siêu thị Coopmart Đà Nẵng, nơi có một ca dương tính Covid-19 đã từng đến đây mua hàng vào ngày 3-5, khiến cho một số nhân viên siêu thị này phải đi cách ly, ông Phan Thống, Giám đốc Co.opmart Đà Nẵng, cho biết: Siêu thị càng tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, trong đó, có việc đẩy mạnh bán hàng online và bán hàng qua điện thoại đặt hàng, giao hàng tận nhà cho khách hàng vừa đảm bảo doanh thu vừa hạn chế người dân đến siêu thị mua sắm trực tiếp, qua đó, góp phần hạn chế lây lan dịch bệnh. “Đặc biệt, chúng tôi quán triệt nhân viên của siêu thị khi giao hàng tận nhà cho khách hàng, nhân viên giao hàng phải rửa tay sát khuẩn và đeo bao tay trước khi giao hàng, đeo khẩu trang y tế, giữ khoảng cách tối thiểu 2m với khách hàng”, ông Phan Thống cho biết thêm. Qua 2 đợt dịch Covid-19 trước, doanh số tiêu thụ qua bán hàng online, bán hàng qua điện thoại đặt hàng của Siêu thị Co.opmart Đà Nẵng tăng mạnh so với thời điểm bình thường và có tỷ trọng tăng dần trong tổng doanh số bán hàng. Ở đợt dịch thứ ba này, doanh số tiêu thụ tăng 300% so với ngày thường.
PHÚ NAM
Nghiên cứu ứng dụng QR-Code kiểm soát người ra vào chợ, siêu thị Bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương TP cho biết, Sở đang nghiên cứu triển khai thẻ vé QR-Code (ứng dụng eTicket-Đà Nẵng) phục vụ công tác cho kiểm soát ra vào trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi (kiểm tra qua sử dụng điện thoại di động thông minh/máy tính bảng để quét mã QR-Code) để thay thế vé giấy vào chợ nhằm vừa tạo thuận lợi cho người dân khi đi mua sắm vừa giúp cho công tác quản lý, biết được người cụ thể vào ra, thời điểm vào ra, phục vụ truy vết, điều tra dịch tễ khi cần thiết. |