Tăng thuế VAT, không ảnh hưởng đến người dân?
Lãnh đạo Vụ chính sách thuế (Bộ Tài chính) lên tiếng cho rằng tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10 lên 12% sẽ không ảnh hưởng đến người dân (?).
Tiếp đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cũng nói rằng tăng thuế VAT tác động đối với người dân, đặc biệt là người nghèo, là không nhiều. Điều này, tạo nên “làn sóng” phản đối trong giới chuyên môn, doanh nghiệp (DN) và người dân.
Là người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, TS Võ Duy Khương, Chủ tịch Hội đồng Điều phối Mạng lưới khởi nghiệp Đà Nẵng cho rằng, Bộ Tài chính nói không ảnh hưởng đến người dân là không hợp lý. Theo tôi, người dân là người tiêu dùng cuối cùng tất cả các sản phẩm hàng hóa, là đối tượng chính phải chịu thuế VAT vì đó là thuế gián thu. Do đó, thuế VAT tăng lên bao nhiêu thì họ chính là người gánh chịu hết. Bên cạnh đó, VAT tăng tất cả các yếu tố đầu vào của sản xuất (chủ yếu là doanh nghiệp) đều tăng lên sẽ làm cho giá thành sản phẩm tăng lên, kéo theo giá bán tăng, người tiêu dùng sẽ “thắt lưng buộc bụng” hạn chế chi tiêu, cầu sẽ giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến lượng tiêu thụ hàng hóa của doanh nghiệp (DN). Từ đó, DN thu hẹp công suất sản xuất, lợi nhuận giảm sút, ảnh hưởng đến thu nhập đời sống của người lao động. Rõ ràng, Bộ Tài chính “đòi” tăng thuế VAT lúc này là không hợp lý vì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến DN và người dân.
TS Võ Duy Khương gợi ý, vấn đề quan trọng muốn tăng thu phải có nhiều giải pháp chống thất thu. Hiện nay vấn nạn thất thu thuế trong một lĩnh vực như bất động sản, nhà hàng, khách sạn, xăng dầu,... là rất lớn mà chưa có biện pháp quyết liệt để hạn chế. Để đảm bảo thu đúng, thu đủ, tránh tình trạng gian lận, thất thoát, tạo môi trường bình đẳng, lành mạnh trong các ngành, các lĩnh vực, Bộ Tài chính cần tăng cường năng lực công tác thu thuế, hạn chế sử dụng tiền mặt trong thanh toán, lắp đặt hệ thống máy tính tiền tự động... Đó mới là cái lớn phải làm để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Trung Kiên, Giảng viên Đại học kinh tế Đà Nẵng nhìn nhận, tăng thuế VAT lúc này sẽ tác động đến mục tiêu an sinh xã hội vì người tiêu dùng cuối cùng là đối tượng trực tiếp chịu ảnh hưởng, DN là người thu hộ thuế VAT cho nhà nước nhưng gián tiếp sẽ bị ảnh hưởng mạnh khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Thực tế, thuế VAT tăng lên 2% là không lớn đối với những mặt hàng có giá trị nhỏ nhưng với những mặt hàng có giá trị lớn thì chỉ 2% thôi cũng tác động không nhỏ đến giá cả hàng hóa. Đơn cử, một cái áo có giá 100 ngàn đồng, khi nâng thuế VAT lên 2% thì giá chỉ tăng thêm 2 ngàn đồng, một bình gas có giá bán 300 ngàn đồng, nếu thuế VAT tăng từ 10% lên 12%, giá bán mỗi bình gas sẽ tăng thêm 6.000 đồng... nhưng một chiếc xe ô-tô có giá 1 tỷ đồng, nếu VAT tăng thêm 2% thì giá bán tăng thêm 2 triệu đồng. Do vậy, để giải quyết tình trạng thâm hụt ngân sách một cách tốt nhất, theo tôi, Chính phủ, Bộ Tài chính cần phải kiểm soát chi ngân sách sao cho phù hợp song song với đó, là quản lý nguồn thu thuế cho đúng và hiệu quả.
Rõ ràng trong thời điểm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề nghị phải kích cầu tiêu dùng hộ gia đình, giảm chi phí cho DN, thúc đẩy khởi nghiệp trong mọi tầng lớp nhân dân thì việc tăng thuế VAT thời điểm này là chưa thích hợp!
XUÂN ĐƯƠNG