Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa:

Tạo đột phá về chất lượng đào tạo, nghiên cứu lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn

Thứ sáu, 22/09/2023 07:44
Ngày 21-9, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức Lễ khai giảng năm học 2023 - 2024. Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn dự lễ.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại lễ khai giảng.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại lễ khai giảng.

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) là cơ sở giáo dục đại học đa ngành, hiện có gần 20.000 sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh đang theo học. Năm học mới này, trường chào đón 3.500 tân sinh viên.

Tại buổi lễ, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa biểu dương và đánh giá cao những thành tựu, đóng góp của nhà trường. Không ngừng mở rộng quy mô và tầm ảnh hưởng, đến nay, nhà trường trở thành một trong hai trung tâm đào tạo và nghiên cứu hàng đầu cả nước về lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn; địa chỉ tin cậy của đối tác quốc tế; đào tạo cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, trước những yêu cầu đặt ra trong quá trình phát triển đất nước, khoa học xã hội và nhân văn cũng cần tiếp tục đổi mới và phát triển. Vì thế, nhà trường cần tiếp tục nhận thức sâu sắc và tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp tạo đột phá về chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học để tiếp tục dẫn đầu trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn. Nhà trường đẩy mạnh tự chủ, coi tự chủ đại học là giải pháp đột phá để phát triển. Trong đó, trường cần có chính sách đủ mạnh để thu hút, trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước tham gia vào các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế; đổi mới quản trị nhà trường theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế. Trường đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, sớm thí điểm đại học số, tạo ra những giá trị mới, cách làm mới, đột phá mới về hiệu quả và chất lượng trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và hoạt động quản trị.

Nhà trường tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả đào tạo của các ngành học thế mạnh, góp phần giải quyết những vấn đề thực tiễn của đất nước, cập nhập và phù hợp với xu hướng phát triển chung về khoa học xã hội và nhân văn trên thế giới. Trong đào tạo, trường cần đặc biệt coi trọng giáo dục văn hóa, đạo đức, lối sống, giáo dục nhân cách và khát vọng cống hiến cho thế hệ trẻ; gắn kết mật thiết giữa đào tạo với xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị con người Việt Nam. Nhà trường tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động nghiên cứu khoa học, chủ động hợp tác quốc tế để tiên phong trong thực hiện các nhiệm vụ để giải quyết những vấn đề lớn, mang tầm quốc gia, khu vực và quốc tế, phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa gợi mở một số hướng nhà trường cần tập trung thực hiện. Đó là, nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn quá trình đổi mới đất nước và dự báo xu hướng phát triển; làm sáng tỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, phục vụ xây dựng đường lối, chính sách phát triển và bảo vệ đất nước trong giai đoạn mới; nghiên cứu về mô hình và chiến lược phát triển, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xu thế phát triển của xã hội, văn hóa, dân tộc, tôn giáo và con người Việt Nam…

Sau Lễ khai giảng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa có buổi làm việc với lãnh đạo Nhà trường về công tác đào tạo nhân lực lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn nói chung, nguồn nhân lực làm công tác báo chí, xuất bản, truyền thông nói riêng.

Ghi nhận những ý kiến kiến nghị của trường, ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, trong điều kiện hiện nay, công tác báo chí, xuất bản nói chung và hoạt động đào tạo chuyên ngành báo chí, xuất bản cần phải được quan tâm nhiều hơn nữa. Báo chí là lĩnh vực rất quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, chính trị tư tưởng và đạo đức; là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, là diễn đàn về chính trị, văn hóa, tinh thần của nhân dân. Vì thế, trong công tác đào tạo đội ngũ báo chí, truyền thông, xuất bản cần chú trọng tính tinh thông, chuyên nghiệp và hội nhập quốc tế. Trường cần thực hiện cơ chế phối hợp công tác đào tạo, giảng dạy để tăng cường tính thực tiễn cho sinh viên chuyên ngành báo chí, xuất bản…, từ đó có thể đào tạo được đội ngũ những người làm công tác thông tin, tuyên truyền đáp ứng yêu cầu.

Thu Hoài