Tập trung xử lý sớm những vấn đề bức thiết
Thúc tiến độ nhiều dự án
Các trạm trung chuyển rác thải rắn Hải Châu (171 tỷ đồng), Sơn Trà (139 tỷ đồng) được đầu tư ngân sách để giải quyết yêu cầu cấp bách về môi trường. Mặc dù việc đầu tư hạ tầng, máy móc đã hoàn thành từ lâu song việc vận hành thử nghiệm (trước khi khai thác chính thức) lại rất chậm trễ. Đơn cử, tại trạm Lê Thanh Nghị (Hải Châu), dù HĐND TP.Đà Nẵng có nghị quyết chỉ đạo khẩn trương hoàn thành các hạng mục liên quan đến cấp phép, xây dựng đơn giá, tổ chức vận hành thử nghiệm trong tháng 9 năm 2022, nhưng trễ tiến độ 136 ngày vẫn chưa vận hành thử nghiệm. Tương tự, trạm Sơn Trà cũng trễ tiến độ vận hành thử nghiệm 120 ngày.
Tại nhiều công trình, dự án đầu tư công khác, tiến độ giải ngân cũng chậm, thậm chí vướng mắc không thể triển khai. Tổng cộng 134 tỷ đồng không giải ngân được do các nguyên nhân bất khả kháng. Chẳng hạn dự án Công viên phần mềm số 2- giai đoạn 1 còn gần 30 tỷ đồng chưa giải ngân do chờ báo cáo Chính phủ theo ý kiến Kiểm toán Nhà nước; Nhà máy nước Hòa Liên, kế hoạch vốn còn lại không thể giải ngân hết trong năm hơn 16,5 tỷ đồng do còn thực hiện các thủ tục theo kết luận kiểm toán…Các công trình này đều cơ bản hoàn thành đầu tư, xây dựng nhưng hiện vẫn chưa thể đưa vào hoạt động, khai thác, phục vụ phát triển.
Với một số dự án phát triển thương mại tại Đà Nẵng, tiến độ triển khai theo chủ trương của TP hiện vẫn chậm. Đơn cử như chợ đầu mối Hòa Phước hiện vẫn đang lấy ý kiến về điều chỉnh quy hoạch chi tiết, chưa thể triển khai dự án hạ tầng kỹ thuật, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư. Hay như chợ Cồn, hiện Sở Công thương vẫn đang tham mưu TP ban hành phương án đầu tư, quản lý và khai thác chợ Cồn để làm cơ sở triển khai các thủ tục tiếp theo. Riêng dự án nâng cấp chợ Hàn, hiện đã hoàn thiện một số hạng mục, đang thi công hoàn thiện nhà lồng phụ khu ẩm thực, cổng, địa điểm check in, nhà lồng chính…Về nâng cấp các phố chuyên doanh, hiện đang tổ chức thi thiết kế biểu trưng nhận diện các tuyến phố chuyên doanh trên địa bàn TP; đang tổ chức góp ý phương án, chủ trương đầu tư, phát triển các phố đi bộ, phố đêm bao gồm Tuyến đường đi bộ Bạch Đằng-Trần Hưng Đạo, phố du lịch An Thượng, chợ đêm Sơn Trà.
Gỡ vướng thuế phi nông nghiệp
Một vấn đề nổi bật khác cũng được đề cập tại cuộc họp thường kỳ đó là khó khăn, vướng mắc trong thu thuế phi nông nghiệp đối với trường hợp thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP. Số liệu cho thấy, trong 10 năm qua TP đã thu hơn 647 tỷ đồng. Năm 2022, thực hiện chu kỳ thuế ổn định 2022-2026, Trung tâm Quản lý và Khai thác nhà (Trung tâm) đã lập tờ khai thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với 164 trường hợp thuê nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước, tổng số tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp phát sinh hàng năm hơn 171 tỷ đồng. Tuy nhiên, các cơ sở nhà đất cũ thuộc sở hữu nhà nước cho người dân thuê với mục đích an sinh xã hội, đảm bảo chính sách nhà ở cho các đối tượng chưa có nhà ở ổn định, thu nhập thấp; không nhằm mục đích kinh doanh. Giá cho thuê nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước chưa qua sửa chữa, cải tạo không bao gồm chi phí thuế đất và thấp hơn mức thuế sử dụng đất phi nông nghiệp phải nộp theo quy định. Qua thống kê, số tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp phải đóng của mỗi cơ sở nhà đất lớn hơn số tiền thu được từ cho thuê nhà ở. Chưa kể, hiện nay nhiều hộ dân đang thuê nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước sử dụng nhưng không trả tiền thuê nhà, do đó Trung tâm Quản lý và Khai thác nhà không có nguồn kinh phí để thực hiện nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với các cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu nhà đất cho thuê. Đây là vấn đề vướng mắc, bất cập, Đà Nẵng đang đề xuất Tổng cục thuế xem xét có chính sách để miễn thuế trường hợp này.
Liên quan tới tình hình khắc phục những vướng mắc trong việc mua sắm trang thiết bị dạy học theo chương trình đổi mới giáo dục hiện hành cho năm học 2023-2024, UBND TP.Đà Nẵng cho biết đang tập trung rà soát danh mục thiết bị tối thiểu cần mua sắm, đồng thời đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư và lựa chọn nhà thầu. Tuy vậy, trước mắt TP cơ bản đáp ứng được từ 70-75% trang thiết bị cho chương trình đổi mới giáo dục phổ thông hiện hành. Trong đó, 55% thiết bị các trường đã sẵn có; nguồn thiết bị đồ dùng dạy học tự làm khoảng 10% và nguồn thiết bị số do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tuyển chọn, thi khoảng 10%.
Tại cuộc họp thường kỳ chiều 28-2, các đại biểu cũng thảo luận, cho ý kiến nhiều nội dung qua giám sát của HĐND TP; kết quả xử lý đơn thư, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân. Theo Phó chủ tịch UBND TP Hồ Kỳ Minh, trong 45 trường hợp đơn thư do Thường trực HĐND TP chuyển thì có 1 trường hợp tại dự án New Danang City của công ty Phú Gia Thịnh gồm 152 đơn có cùng nội dung. Hiện UBND TP đã hoàn thành giải quyết 11 trường hợp đơn thư, 34 trường hợp đang giải quyết. Hầu hết các đơn thư đang giải quyết chưa có kết quả cuối cùng do các vụ việc có tính chất phức tạp, cần phối hợp giải quyết của nhiều cơ quan, đơn vị hoặc phải chờ ý kiến của các cơ quan Trung ương.
HẢI HẬU