Tây Nguyên trong màu nắng tháng 3

Thứ bảy, 09/03/2024 15:00
Vượt qua đèo Vi Ô Lắc dài tầm 50km nằm trên quốc lộ 24,từ ngã tư Thạch Trụ ở xã Đức Lân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi đến thành phố Kon Tum, sương và mây núi như quyện với nhau trắng nhờ nhờ.
Nụ cười thiếu nữ Tây nguyên trong mùa thu hoạch cà phê (ảnh minh họa).
Nụ cười thiếu nữ Tây nguyên trong mùa thu hoạch cà phê (ảnh minh họa).

Ngửa tay ra bên ngoài giây lát hơi nước đã khẽ đọng trên tay mát rượi. Qua khỏi con đèo Tây Nguyên hiện ra vạm vỡ căng tràn như lồng ngực các chàng trai trong kho báu sử thi - anh hùng ca đồ sộ của Tây Nguyên. Xe cứ thế bon bon đi dọc dài theo những con đường chạy qua năm tỉnh thành thuộc vùng đất Tây Nguyên của nước ta là Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Qua khỏi các trung tâm đô thị, ở bất cứ nơi đâu tôi cũng đều bắt gặp các nương rẫy cà phê nở hoa trắng xóa.

Một cuộc gặp với bạn học thuở nào ở đất thần kinh giờ công tác ở thành phố Kon Tum đành lỗi hẹn vì thời gian gấp gáp cho một cuộc hội ngộ theo lịch trình ở Đắk Nông. Lần đầu tiên tôi về với Tây Nguyên, vùng đất đỏ bazan đầy nắng gió vào giữa tháng ba. Miên man dòng suy nghĩ, gần nửa thế kỷ trước, cũng vào những ngày này những đoàn quân áo xanh màu lá rầm rập xung trận làm nên chiến dịch Tây Nguyên, mở đầu cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 thắng lợi vang dội. Tàn tích cuộc chiến lùi xa, trong màu nắng tháng ba hôm nay tôi nghe Tây Nguyên ùa về trong lồng lộng, thanh tân.

Hai bên đường xe chúng tôi qua, là bạt ngàn sắc trắng tinh khôi của hoa cà phê phủ kín núi đồi trong tầm nhìn gần nó như những bông tuyết rơi trái mùa, trong tầm nhìn xa là những thảm băng trắng khổng lồ giữa đại ngàn Tây Nguyên. Dù đi trên xe nhưng tôi vẫn cảm nhận được mùi hương cứ thoảng lên nhè nhẹ rồi lan ra, bay đi… rồi lại thoảng lên từng đợt như chẳng thể rời xa bước chân người lữ khách. Bỗng đâu trong tôi vọng vang những câu ca trong bài hát rất nổi tiếng “Tháng ba Tây Nguyên” của nhạc sĩ Văn Thắng phổ thơ một nhà thơ quê gốc Hội An, Quảng Nam là Thân Như Thơ (viết từ năm 1963) “Tháng ba mùa con ong đi lấy mật/ mùa con voi xuống sông hút nước/ mùa em đi phát rẫy làm nương/ anh vào rừng đặt bẫy cài chông…”.

Đúng rồi, tháng ba Tây Nguyên là đây. Tháng mở đầu cho hành trình thiên di vạn dặm của những loài ong. Nhưng rồi chợt nghĩ về cách lý giải của một nhà thơ đàn anh tên tuổi gắn bó nhiều năm ở vùng đất Tây Nguyên lại tự mỉm cười một mình khi ông nhìn nhận: Những cái đang viết, nói, hiểu về Tây Nguyên giờ, có nhiều cái đúng nhưng cũng nhiều cái chưa chính xác. Có những cái sai do nhận thức, do suy diễn, do sự hiểu biết có hạn, nhưng cũng có những cái sai do mặc định, do thói quen. Ví dụ cứ nói tới “Tháng ba Tây Nguyên” là người ta lại nói mùa con ong đi lấy mật. Nếu ong đi lấy mật được rồi thì nó còn làm mật làm gì nữa?

Xe chúng tôi dừng lại chân đồi cà phê để lưu vài hình ảnh kỷ niệm chuyến đi. Làm sao không say lòng, trước cảnh thiên nhiên núi rừng hùng vĩ, những cánh bướm màu vàng nhạt, bay phủ kín những con đường rẽ vào những vườn cà phê tạo nên vẻ đẹp không thể lẫn vào đâu được của tháng ba Tây Nguyên.Lúc này tôi mới cảm nhận rõ nhất hương thơm lan tỏa ngào ngạt từ những đóa hoa cà phê xứ này.

Lại nhớ hôm trước cùng đứa em thân thương, đồng nghiệp ở Quảng Nam vào định cư Đắk Nông đưa đi uống cà phê trong một sớm tinh mơ. Với tôi, lần đầu lên chốn này, Tây Nguyên mùa này lạ lắm, trời thì cứ se se lạnh y hệt những buổi sáng mùa Thu Hà Nội hay Đà Lạt vậy. Thoang thoảng trong gió là mùi hương nhè nhẹ của những bông hoa cà phê trắng muốt trồng làm cảnh ngay trong quán và lối đường vào quán cà phê. Trong cái hương dịu nhẹ đó, nghe tiếng gió núi đồi mà tôi cứ mặc định gọi là tiếng gió Ban Mê như tan trong ly cà phê, như tan trong căng tràn lồng ngực, như tan trên xao động mặt hồ…Em bảo với tôi, mai em sẽ đưa tôi đi hồ Tà Đùng - một trong những điểm đến ấn tượng của Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông đã được UNESCO công nhận và được ví von như "Vịnh Hạ Long" của núi rừng Tây Nguyên.

Thêm điều bất ngờ nữa với tôi, khi em bảo Tây Nguyên còn có một hồ nước khác được so sánh với cửa sổ tâm hồn của người con gái, đó là hồ TNưng ở Gia Lai. Hồ TNưng, còn gọi Biển Hồ. Biển Hồ là miệng của ngọn núi lửa đã tắt hàng triệu năm, hiện là hồ tự nhiên rất đẹp. Tôi nhìn vào mắt em và tự hiểu vì sao, nhạc sĩ Nguyễn Cường đã viết đến là khó cắt nghĩa: “Không dám nhìn vào đôi mắt ấy, đôi mắt Pleiku biển Hồ đầy…”.

Ai đó bảo rằng, tháng ba, Tây Nguyên đã đổi sắc màu, không còn những con đường dã quỳ vàng rực, cũng không còn ẩm ướt quyến rũ bởi đôi mắt Pleiku biển hồ đầy mà giờ Tây Nguyên là bạt ngàn sắc xanh, bạt ngàn sắc trắng của hoa cà phê trắng. Ánh nắng tháng ba của Tây Nguyên cũng như trở nên ngọt ngào hơn, rực vàng hơn bởi miên man hoa cà phê trắng, trắng mênh mông, trắng cả đất trời. Tôi như say bồng bềnh khi đi giữa Tây Nguyên. Tôi đã hẹn với em một ngày trở lại.

V.V.T