Tên thánh "Allah" là bất khả xâm phạm đối với người Hồi giáo?

Thứ hai, 11/01/2010 00:00

(Cadn.com.vn) - Đầu tháng 1 vừa qua, Tòa án Tối cao Malaysia đã ra một phán quyết gây tranh cãi và có nguy cơ làm bùng phát các vụ bạo động tôn giáo ở quốc gia có đông tín đồ Hồi giáo và có không ít người Thiên Chúa giáo... cùng sinh sống này.

Theo phán quyết, Tòa án Tối cao Kuala Lumpur cho phép tạp chí Thiên Chúa giáo “Người đưa tin” được sử dụng từ “Allah” để gọi Chúa trong ấn phẩm của họ. Ngay lập tức, ngày 3-1, Bộ trưởng thuộc Phủ Thủ tướng của Malaysia Jamil Khir Baharom cho biết, bộ này sẽ cùng phối hợp với Bộ Nội vụ kháng cáo quyết định của Tòa án Tối cao Kuala Lumpur.

Đồng thời ông Jamil đã khuyên các tổ chức phi chính phủ (NGO) hãy giữ bình tĩnh và tôn trọng quyết định này của tòa án, đồng thời kiên nhẫn chờ đợi để vấn đề này được giải quyết thông qua tiến trình pháp lý. Trong một tuyên bố, ông Jamil nói: “Bộ sẽ sớm gặp gỡ các NGO để nghe ý kiến của họ và thảo luận thêm về vấn đề này”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Gia đình, Vì sự phát triển của phụ nữ và Cộng đồng, Shahrizat Abdul Jalil cho biết: vấn đề cho phép các tín đồ ngoại đạo Hồi được sử dụng từ “Allah” để gọi Chúa cần phải được các bên hữu quan xử lý một cách cẩn trọng và khôn khéo. Nhiều người lo ngại rằng, vấn đề này có thể sẽ “bùng nổ” nếu không được xử lý một cách khôn khéo và thận trọng bởi ở Malaysia, ngoài luật pháp thì văn hóa, truyền thống, phong tục và sắc tộc cũng đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo sự hài hòa giữa các sắc tộc. Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã kêu gọi dân chúng bình tĩnh trước phán quyết của Tòa án Tối cao. Ông Najib nhấn mạnh: đây là một vấn đề nhạy cảm và yêu cầu dân chúng không biểu tình hay đưa đơn kiến nghị vì vụ việc cần phải được xử lý một cách khôn khéo.

Theo ông Najib, “Chính phủ hiểu rõ tình cảm của các tín đồ Hồi giáo trong cả nước và cố gắng giải quyết vấn đề này càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, mọi người cần phải bình tĩnh và để vấn đề này được giải quyết bằng pháp lý”. Ông Najib cho biết thêm, Bộ Nội vụ sẽ kháng nghị lên Tòa Phúc thẩm và ông cũng sẽ thông báo với Quốc vương Malaysia về tiến trình kháng nghị. Trong trường hợp Quốc vương nhất trí, vấn đề này sẽ được thảo luận tại Hội nghị các nhà lãnh đạo sắp tới. Trước đó, ông Najib đã nhận được giác thư của 30 đại diện các tổ chức phi chính phủ, trong đó nói rằng, không được cho phép các tôn giáo khác sử dụng từ “Allah” để gọi Chúa vì rất có thể nó sẽ gây hỗn loạn giữa những người Hồi giáo.

Trước những diễn biến phức tạp đó, ngày 6-1, Tòa án Tối cao  Malaysia đã quyết định ngừng thi hành phán quyết cho phép tờ báo Thiên Chúa giáo “Người đưa tin” được sử dụng từ “Allah” để biểu trưng cho Chúa trong các ấn phẩm của họ sau khi chính phủ nước này viện lý rằng quyết định đó có thể gây xung đột chủng tộc. Chánh án Abdul Gani Patail đã hoan nghênh quyết định nói trên của tòa án bởi theo ông nếu tòa án cho phép Thiên Chúa giáo dùng từ “Allah” để gọi Chúa thì nguy cơ xảy ra hàng loạt vụ phản đối từ các nhóm Hồi giáo là điều khó tránh khỏi. Cùng ngày, Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã yết kiến Nhà vua để giải thích về vấn đề này. Nhà vua cũng đã nhất trí với những hành động của chính phủ.

Trong khi đó, giới chức Malaysia ngày 9-1 cho biết, tình hình căng thẳng vẫn tiếp tục gia tăng giữa các nhóm tôn giáo ở nước này khi nhiều tín đồ Hồi giáo đã đổ xuống đường phản đối người Thiên Chúa giáo và 4 nhà thờ ở Desa Melawati, làng Subang, đường Templer và khu 17/21E thuộc Petaling Jaya bị tấn công trong ngày 8-1 để phản đối việc Tòa án Tối cao cho phép Thiên Chúa giáo được dùng từ “Allah” để gọi Chúa. Đặc biệt hôm 7-1, những kẻ tấn công chưa xác định danh tính đã đốt cháy Nhà thờ Tin Lành Metro Tabernacle liên quan tới việc những người không theo đạo Hồi sử dụng từ “Allah” để gọi Chúa. Theo các quan chức, một phần Nhà thờ Metro Tabernacle đã bốc cháy ngay sau giữa đêm 7-1. Nhà thờ này nằm trong một tòa nhà 3 tầng tọa lạc trên con phố mua sắm ở Taman Melawati, ngoại ô thủ đô Kuala Lumpur. Nhà chức trách  Malaysia đang điều tra vụ việc. 

Thủ tướng Najib Razak (thứ 3 từ phải sang) cùng các Bộ trưởng đến thăm nhà thờ Metro Tabernacle bị những người phản đối đốt cháy. Ảnh: Reuters 

Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã ngay lập tức lên án các vụ tấn công nhà thờ này và ra lệnh cho cảnh sát phải tăng cường kiểm tra tất cả những nơi cầu nguyện. Ông Najib nói bất cứ vấn đề rắc rối nào cũng phải được giải quyết thông qua luật pháp. Các quan chức hàng đầu chính phủ sẽ gặp các lãnh đạo tôn giáo để cùng giải quyết vấn đề nghiêm trọng này. Nhà cầm quyền sẽ không do dự trong việc sử dụng Luật AN ninh nội địa để chống lại bất cứ kẻ nào đe dọa tới an ninh quốc gia.

Mặc dù lúc đầu ông Najib Razak ủng hộ các cuộc phản đối quyết định của Tòa án Tối cao song giờ đây, đứng trước tình hình này ông lại kêu gọi dân chúng bình tĩnh và yêu cầu mọi người không nên đổ lỗi cho chính phủ vì đã để xảy ra các cuộc tấn công nhà thờ nói trên. Cảnh sát trưởng Musa Hassan cho biết, các nhân viên an ninh đã được triển khai để bảo vệ các nhà thờ trên cả nước và giám sát các cuộc biểu tình tại các thánh đường sau khi có những lời đe dọa tấn công các nhà thờ khác. Về những tuyên bố trái chiều nhau từ phía chính phủ và cảnh sát xung quanh việc liệu các cuộc biểu tình có được phép tiếp tục hay không, ông Musa nói cảnh sát sẽ hành động nếu dân chúng có bất cứ hành động nào gây ảnh hưởng tới an ninh của đất nước.

Xét trên nhiều khía cạnh, ở Malaysia, một quốc gia ngoài luật pháp thì văn hóa, truyền thống, phong tục và sắc tộc cũng đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo sự hài hòa giữa các sắc tộc thì rõ ràng phán quyết của Tòa án Tối cao Kuala Lumpur đã động chạm vào một vấn đề khá "nhạy cảm" dễ bị lợi dụng tạo nên xung đột tôn giáo sâu sắc. Nếu không dựa trên những nhân tố đó thì hậu quả của nó rất nghiêm trọng, mà hàng loạt các sự kiện vừa xảy ra là một ví dụ điển hình.

Lê Minh Châu