Tết của người ở lại
Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 cận kề, nhiều công nhân ở Đà Nẵng xác định ăn Tết xa quê nhà khi dịch bệnh còn phức tạp.
Năm nay là năm thứ 2 chị Mai ăn Tết xa quê. |
Sau khi cho con gái hơn một tuổi ăn sáng, chị Dương Thị Mai (39 tuổi, quê Hà Tĩnh) lại tất bật dọn dẹp nhà cửa để 14 giờ chiều vào ca làm. Hơn 14 năm làm việc tại Đà Nẵng, hầu như năm nào vợ chồng chị Mai cũng về quê ăn Tết cùng với gia đình. Thế nhưng năm nay, dịch bệnh cùng điều kiện kinh tế đi xuống không cho phép gia đình chị về quê ăn Tết. "Đây là năm thứ hai gia đình tôi ăn Tết xa quê. Năm ngoái, tôi sinh con nên không về được. Năm nay thì dịch bệnh phức tạp quá, tiền bạc cũng không dư dả nên chúng tôi quyết định ở lại. Con gái hơn một tuổi mà ông bà ở quê vẫn chưa được gặp cháu", chị Mai ngậm ngùi.
Chị Mai hiện đang làm công nhân tại Công ty Việt Hoa (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng). Chồng chị làm công nhân tại một công ty xi măng trên địa bàn thành phố. Làm lụng vất vả quanh năm, nhưng thu nhập của hai vợ chồng chỉ đủ chi trả các khoản tiền trọ, lo cho 5 miệng ăn trong gia đình. "Khi tôi đi làm, 2 cháu lớn ở nhà có trách nhiệm trông em. Gửi con đến trường thì việc ăn ngủ sẽ tốt hơn nhưng dịch bệnh, trường học đóng cửa. Ông bà ngoài quê tuổi đã cao, cũng không vào giữ cháu được", chị Mai chia sẻ.
Cũng có hơn 15 năm làm việc tại Đà Nẵng, Tết năm nay, vợ chồng chị Nguyễn Thị Thu Lan (quê Hà Tĩnh) quyết định không về quê. "Khi nghe tin chúng tôi không về quê ăn Tết, ông bà nội ngoại rất buồn. Bản thân tôi cũng rất nhớ nhà. Đi làm cả năm trời, chỉ muốn về quê những ngày Tết", chị Lan bộc bạch. Có người lạ vào nhà, cháu bé hơn 15 tháng òa khóc đòi mẹ. Chị Lan đang mang bầu 7 tháng. Hơn 8 tháng nay, chị chỉ ở nhà trông con, kinh tế gia đình một tay chồng chị lo hết. "Mỗi tháng, gia đình chi phí hết 3 triệu tiền trọ, chưa kể tiền ăn uống cho 4 người. Mọi gánh nặng đều đặt hết lên vai chồng. Tôi ở nhà cũng cố gắng tằn tiện, vá víu mới đủ lo sinh hoạt", chị Lan thở dài.
Không về quê ăn Tết, nhiều công nhân, người lao động cố gắng chắt chiu từng đồng để cuối năm gửi tiền về quê biếu bố mẹ dịp cuối năm. Thiếu trước, hụt sau nhưng năm nay, chị Lan vẫn dự định dành một khoản để làm mâm cơm tất niên vào đêm giao thừa, để cả nhà dù xa quê nhưng vẫn có không khí Tết. "Chắc tôi cũng không sắm sửa gì vì không có tiền. Hôm trước, Tổ Trưởng tổ dân phố có ghi danh sách những ai không về quê để hỗ trợ quà Tết, chúng tôi cũng thấy ấm lòng, cảm kích lắm sự quan tâm của chính quyền địa phương", chị Lan nói thêm.
Cũng như chị Lan, năm nay, chị Mai dự định đón một cái Tết đơn giản, chỉ sắm sửa vài thứ đặc trưng để con nhỏ cảm nhận chút không khí Tết. Còn lại bao nhiêu, hai vợ chồng bàn nhau gửi biếu ông bà nội ngoại sắm sửa Tết. "Ông bà ở quê cũng khó khăn. Vợ chồng tôi ở đây dù vất vả nhưng ít nhất cũng kiếm được đồng tiền. Tết nhất cũng cố gắng gửi biếu các cụ chút quà. Đến thời điểm này, công ty vẫn chưa thưởng Tết, nhưng tôi vẫn mong chờ có khoản thưởng khá khá để thoải mái hơn trong việc chi tiêu", chị Mai nói.
Theo chị Mai, 2021 là một năm khó khăn chung của cả nước, chứ không phải chỉ riêng gia đình chị. Trong xóm trọ cũng có nhiều gia đình không về quê ăn Tết. "Ông bà ở quê trông ngóng con cháu về lắm. Trước đó, hai vợ chồng cứ hẹn lần này lần kia, nhưng lại không thực hiện được. Dù anh chị em trong xóm trọ ở lại đông đúc nhưng Tết mà không về vẫn buồn lắm chứ, nhất là những ngày cận Tết. Đêm 30 trước nay gia đình chúng tôi vẫn luôn quây quần, sum họp", chị Mai rưng rưng.
Xoa đầu đứa con nhỏ, chị Mai nhẩm tính bao giờ tình hình dịch ổn định, hai vợ chồng sẽ đưa cháu về thăm ông bà. "Trước đây, mỗi năm chúng tôi đều về quê 2 lần, hè thì cho cháu về quê chơi, giỗ, chạp cũng tranh thủ về. Hai năm nay, những chuyến về quê đều không thể thực hiện vì dịch dã", chị Mai kể.
T.D