Tết này "mang tiền về cho mẹ"

Thứ hai, 03/01/2022 10:54

Có ai nghe nhạc Rap mà xúc động trào nước mắt như Cải lương không nhỉ? Có đấy. Tôi trực tiếp chứng kiến chú tôi. Phải chăng đó là niềm đồng cảm, sự chạm đáy của những cảm xúc và cả nỗi đau khi người con đầu của chú tôi vừa ra trường lập nghiệp tại TPHCM không lâu thì đột ngột ra đi vì đại dịch COVID-19. Và chắc chắn không phải chú tôi, cả tôi mà nhiều người sẽ đồng cảm, xúc động khi nghe MV mới nhất của Đen Vâu dành tặng người hâm mộ lấy chủ đề tình mẫu tử: ca khúc Rap "Mang tiền về cho mẹ".

Cảnh quay làng rau Trà Quế (Cẩm Hà, Hội An, Quảng Nam) trong MV "Mang tiền về cho mẹ".

MV "Mang tiền về cho mẹ" ra đời ở thời điểm rất đặc biệt khi cả nước chuẩn bị đón một cái Tết mà năm qua cả nước đã trải qua quá nhiều biến động, đau thương, mất mát bởi dịch đại dịch COVID- -19, những cuộc thiên lý hồi hương chưa từng có lịch sử của dải đất hình S. Bởi vậy cụm từ về quê, về nhà, về với mẹ… đau đáu trong trong mỗi người nỗi niềm khó tả khi cuộc mưu sinh phải đối mặt với cả giới hạn cuộc đời là sinh tử.

Qua sáng tác, tác giả gửi gắm đến những người trẻ một thông điệp: Những đứa con khi ra đời, hãy cố gắng kiếm tiền một cách lương thiện, sống tốt cho mẹ yên lòng. Một thông điệp rất đời, rất gần gũi nhưng không phải ai cũng làm được, khi dòng đời vẫn tiếp diễn, cuộc mưu sinh vẫn phải thường nhật như vốn có. Trên cả việc mang tiền về cho mẹ, một cách đặt vấn đề rất hiện đại, tác giả còn gửi gắm đến các bạn trẻ chớ vì mải mê kiếm tiền ngoài đời mà lơ là với gia đình, hãy dành thời gian cho gia đình, quê xứ, làng mạc, nơi mình sinh ra, lớn lên để rồi ra đi...

Nếu các bạn trẻ đang chơi vơi, không biết mục đích sống và làm việc của mình là gì thì hãy coi "Mang tiền về cho mẹ" là một mục đích để sống có ý nghĩa, để biết tự lập, để biết làm ra những đồng tiền lương thiện, trả nghĩa mẹ hiền. "Mang tiền về cho mẹ/Đừng mang ưu phiền về cho mẹ…" hay : "Ôi những ngày xám ngoét/ Gió liêu xiêu dáng mẹ gầy so/Có khi mẹ ngất giữa đường/Vì cả ngày chẳng có gì no/Mẹ không dám ăn/Không dám mặc/Không dám tiêu cũng chỉ vì lo (lo cho con)…".

Không ai được chọn cha mẹ hay hoàn cảnh lúc sinh ra nhưng có quyền chọn cuộc sống và con người mình trở thành.  "Mang tiền về cho mẹ" là chuyện của một người con trai đi làm xa, trải qua nhiều hành trình, làm nhiều công việc khác nhau nhưng cam kết với mẹ chỉ kiếm tiền lương thiện, tiền mang về cho mẹ dù bụi bẩn mồ hôi nhưng thơm tho, chính đáng. Ca từ của bài hát không có từ nào nhắc đến Tết nhưng ai cũng sẽ liên tưởng đến hình ảnh một đứa con xa quê ra thị thành hoa lệ sau một năm "cày sâu cuốc bẫm" cuối năm là dịp trở về cho mẹ, cho gia đình ở quê sắm sửa ăn Tết.

Điều đặc biệt ca từ mà tác giả viết đã khắc họa hình ảnh một người mẹ rất đỗi Việt Nam, gần gũi, thân thiết trong mỗi làng quê thôn dã, lam lũ một nắng hai sương của dáng cò tần tảo một đời chịu thương chịu khó, nhịn ăn nhịn mặc chắt chiu từng đồng để lo lắng cho các con được đủ đầy. Khi ca từ cùng giai điệu âm nhạc vang lên hẳn là trong chúng ta, đặc biệt những người con xa quê làm sao không nhớ thương, xúc động, da diết nhớ tới mẹ, nhớ tới quê nhà và nhớ: "Bài hát hay nhất trần đời là lời mẹ ru giữa trưa nắng hè (trưa nắng hè) Những ngày dài nhất trần đời là mẹ đi chợ xa chưa thấy về (chưa thấy về)

Thức ăn ngon nhất trần đời là cơm bếp củi mẹ nấu xoong gang

Bước ra đời là ông này bà nọ, trở về nhà là một đứa con ngoan (yeah)

Không phải ai cũng thấu, một gia cảnh bình thường, thậm chí nghèo khó sẽ giúp ta có nhiều trải nghiệm sống, hiểu hơn cuộc đời, biết được giá trị của đồng tiền, trân trọng mồ hôi nước mắt của cha mẹ. Và có lẽ nếu một lần được chọn lại thì ai trong chúng ta cũng sẽ chọn cha mẹ của hôm nay làm cha mẹ của mình mãi mãi dù có khó nghèo đến mấy.

Trước giờ nhạc Rap toàn người trẻ nghe, thậm chí ba mẹ, người lớn còn cấm đoán, nhưng tôi tin chắc ca khúc "Mang tiền về cho mẹ" sẽ khiến người lớn có cái nhìn khác về nhạc Rap và những người hát nhạc Rap. Lời ca thật sự là những trải nghiệm sống đầy ý nghĩa, những ký ức đẹp đẽ, những quy luật của cuộc đời, nhẹ nhàng nhưng nghiêm khắc. "Những đứa trẻ rồi sẽ đi xa nhà/Sẽ có rất nhiều hành trình qua trong đời/Mặc dù đời có lúc chẳng được như mong đợi/Rời xa mái nhà đừng hòng còn ai nuông chiều…".

 Và đây là những lời nhắc nhở cũng như tấm lòng của người mẹ ấy: "Những đứa trẻ sẽ phải đi xa nhà/ Sẽ phải nếm rất nhiều mặn, ngọt, cay, chua, đắng/Mẹ chỉ muốn chúng mày phải tự lo cho mình/Về đây mà gầy là mẹ cho ăn đòn…". Đáp lại tấm lòng người mẹ ấy: "Con đã kiếm được tiền từ hình ảnh, kiếm được tiền từ âm thanh, tất cả đều do cha sinh mẹ đẻ, dù không phải thế phiệt hay trâm anh. "Cũng may là ba mẹ nghèo để cho con biết tiền làm ra khó"...

Những tiếng à ơi kết lại mỗi đoạn (phần cuối) trong ca khúc giống như những lời hát ru, lan tỏa thông điệp tích cực, những góc nhìn mới mẻ của câu chuyện tình mẫu tử vừa truyền thống vừa hiện đại vừa mang những giá trị nhân văn và cả nét hài tươi tắn rất có duyên về các mối quan hệ rường cột trong gia đình người Việt. "Mang tiền về cho mẹ (về cho mẹ)/Mang tiền về cho mẹ (về cho mẹ)/Mang tiền về cho mẹ/Ba cần thì xin mẹ (ha ha)".

 Xin hãy là chính mình, biết quý trọng lao động chân chính và không quên nhớ đến người thân giữa hành trình ngược xuôi mưu sinh vất vả. Nơi quê nhà mẹ đang ngóng chờ ta, ngóng chờ những đứa con xa đã khôn lớn trưởng thành có đủ đầy lông cánh để bay về bên mẹ. Tết này mang tình thương về bên mẹ, mang tiền về cho mẹ. Bởi rồi đây mẹ có bao giờ sống mãi cùng ta.

Võ Văn Trường  

Tam Kỳ ngày cuối năm 2021