Thái Lan hủy đàm phán với Campuchia
(Cadn.com.vn) - Xung đột biên giới Thái Lan-Campuchia hiện vẫn chưa có lối thoát và có dấu hiệu ngày càng căng thẳng khi cả hai bên chưa ngồi vào bàn đàm phán để tìm ra giải pháp cụ thể chấm dứt giao tranh.
Bộ Quốc phòng Campuchia cho biết, binh sĩ Thái Lan và Campuchia sáng 27-4 đã giao tranh bằng trọng pháo trong ngày thứ 6 liên tiếp tại khu vực biên giới gần hai ngôi đền cổ tranh chấp Ta Moan và Ta Krabey (Thái Lan gọi là Ta Muen và Ta Kwai). Cuộc đụng độ mới nhất này xảy ra tiếp sau vụ đấu pháo trong đêm 26-4 cũng tại khu vực này khiến một dân thường Thái Lan thiệt mạng. Nguồn tin trang “Express News” của Campuchia cho biết, quân đội nước này đã bắt đầu sử dụng các dàn hỏa tiễn hạng nặng BM-21 và hỏa tiễn gắn trên xe bánh xích để bắn trả đối phương tại các đền Ta Krabey và Ta Moan sau khi bị Thái Lan dùng pháo hóa học tấn công. Sau 5 ngày đụng độ ác liệt ở khu vực các đền Ta Krabey và Ta Moan, giao tranh biên giới Campuchia - Thái Lan tiếp tục lan sang đền Preah Vihear trong ngày 26-4. Báo chí Campuchia dẫn lời một viên tư lệnh quân đội Campuchia tại đền Preah Vihear cho biết đã có 5 lính Thái Lan thiệt mạng trong cuộc giao tranh kéo dài nửa giờ ở cao điểm Phnom Trop chiều cùng ngày.
![]() |
Xe tăng quân đội Thái Lan đi dọc tuyến đường gần biên giới với Campuchia. |
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan, Tướng Pravit Wongsuwan đã hủy kế hoạch đến Campuchia vào ngày 27-4 để thảo luận về một lệnh ngừng bắn trên biên giới, một bước lùi đối với các nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc xung đột gây chết người giữa hai nước hiện nay. Phát ngôn viên quân đội Thái Lan, Đại tá Sunsern Kaewkumnerd nói: “Đêm qua, chúng tôi đã quyết định hủy chuyến thăm của Tướng Prawit tới Phnom Penh hôm nay sau khi các phương tiện truyền thông của Campuchia đưa tin Thái Lan đã đồng ý tham gia các cuộc đàm phán ngừng bắn sau khi thừa nhận đã bị thiệt hại và thua trận. Chúng tôi hoan nghênh các cuộc đàm phán với điều kiện Campuchia ngừng bắn trước trong vài ngày. Chúng tôi đã thông báo rõ cho Campuchia về điều kiện này”.
Ngoài ra, nguồn tin từ tỉnh Oddar Meanchey cho biết, nguồn điện cung cấp cho tỉnh này từ Thái Lan đã bị cắt. Một số người dân cho rằng, dường như phía Thái Lan đã bắt đầu “trả đũa” Campuchia sau 5 ngày nổ ra giao tranh. Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva đã ra sắc lệnh cho tất cả các bộ, ngành nước này xem xét lại các thỏa thuận hợp tác với Campuchia trong một loạt các lĩnh vực. Quyền phát ngôn viên chính phủ Thái Lan Panitan Wattanayagorn thông báo, nội các Thái Lan đã thông qua nghị quyết 3 điểm gồm: Trả đũa quân sự nhằm đánh bật quân đội Campuchia khỏi các khu vực tranh chấp; sử dụng biện pháp ngoại giao để đưa Campuchia vào bàn đàm phán song phương; Tất cả các bộ, ban, ngành phải xem xét lại kế hoạch và cơ chế hợp tác với Campuchia.
Thủ tướng Campuchia kêu gọi Thái Lan ngừng bắn T.M |
Được biết, cuộc bầu cử tại Thái Lan sẽ được tiến hành vào tháng 6 tới, sau khi kế hoạch tổ chức vào ngày 14-11-2010 bị hoãn lại do bất ổn chính trị nội bộ. Theo ông Kanharith, phái quân sự Thái Lan muốn chiếm được một vị trí nào đó trên biên giới Campuchia để uy hiếp Campuchia, mặt khác có thể ngăn chặn cuộc bầu cử hoặc để nhóm dân tộc chủ nghĩa có tiếng nói trong cuộc bầu cử sắp tới. Ông nhận định việc gây hấn với Campuchia có thể làm tăng phiếu bầu cho nhóm dân tộc chủ nghĩa, còn gọi là phe “Áo vàng” tại Thái Lan. Ông Kanharith hoan nghênh lời kêu gọi hai bên kiềm chế của Ngoại trưởng Mỹ Hilarry Clinton, đồng thời nhấn mạnh Campuchia không phải là kẻ xâm lược, ngược lại có thiện chí trong việc giải quyết xung đột thông qua biện pháp hòa bình theo Nghị quyết của HĐBA LHQ và ASEAN về xung đột trên biên giới Campuchia - Thái Lan, đặc biệt là việc cử quan sát viên Indonesia đến biên giới hai nước.
Các nhà quan sát lo ngại sự gia tăng xung đột biên giới Thái Lan-Campuchia không chỉ làm ảnh hưởng tới kinh tế-xã hội của hai nước mà còn tác động xấu tới cả khu vực Đông Nam Á, nhất là trong bối cảnh kinh tế đang phục hồi một cách khó khăn sau cuộc khủng hoảng trầm trọng.
Tuyết Minh