Thái Lan lo ngại khủng hoảng biểu tình

Thứ tư, 26/08/2020 15:20

Các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ do thanh niên lãnh đạo đã tràn ngập Thái Lan. Dù lớn hay nhỏ, chúng xảy ra hầu như hàng ngày ở đâu đó trong vương quốc, kêu gọi cải cách. Ít nhất 55 trong số 76 tỉnh đã có các cuộc biểu tình kể từ giữa tháng 7.

Hôm 16-8, khoảng 20.000 người tập trung tại Đài tưởng niệm Dân chủ gần trung tâm hành chính Bangkok, biến đây trở thành cuộc biểu tình lớn nhất kể từ cuộc đảo chính năm 2014. Một số người biểu tình không ngại đưa ra những tranh luận về vai trò của chế độ quân chủ trong nền chính trị và xã hội - điều vốn bị cấm tại Thái Lan.

Biểu tình tại Tượng đài Dân chủ ở Bangkok hôm 16-8. Ảnh: AFP

Người biểu tình yêu cầu gì?

Tại cuộc biểu tình hôm 16-8, nhóm Nhân dân Tự do (Free People) đã đưa ra 3 yêu cầu: giải tán cả hai viện của Quốc hội, viết lại những phần gây tranh cãi của hiến pháp và chấm dứt tình trạng quấy rối ngăn cản người dân thực hiện các quyền cơ bản của họ. Nhóm này cho rằng không nên tổ chức đảo chính và không nên thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc trong tương lai.

Giọng điệu của những yêu cầu này ít triệt để hơn so với 10 đề xuất cải cách đối với chế độ quân chủ được phát ngôn viên của một nhóm phản đối khác, Liên minh sinh viên Thái Lan, đưa ra hôm ngày 10-8 tại Đại học Thammasat. Nhưng thông điệp cơ bản vẫn giống nhau: Cho phép Thái Lan chuyển sang một hình thức chính phủ dân chủ với chế độ quân chủ theo hiến pháp.

Các diễn biến chính trị và tư pháp kể từ cuộc tổng tuyển cử tháng 3-2019 khiến những người trẻ tuổi tại Thái Lan đặt câu hỏi liệu tiếng nói của họ có bị gạt ra ngoài lề hay không. Hơn 7,3 triệu cử tri dưới 25 tuổi đã tham gia cuộc bầu cử đó và đó là lần đầu tiên họ thực hiện quyền biểu quyết. Những người khởi xướng các phong trào ủng hộ dân chủ gần đây rất có thể đã bỏ phiếu cho Future Forward, một đảng do tỷ phú 41 tuổi Thanathorn Juangroongruangkit thành lập vào năm 2018. Việc đảng này tuyên bố sửa đổi hiến pháp, cắt giảm ngân sách quân sự và đưa quân đội nằm dưới sự kiểm soát dân sự đã nói lên được những bất mãn của giới trẻ. Future Forward đạt được 6,3 triệu phiếu bầu, tương đương 17,8% số phiếu bầu và giành 81 trong số 500 ghế hạ viện.

Niềm tin vào hệ thống tư pháp của đất nước càng xấu đi vào tháng 7, khi công chúng biết rằng một vụ án đình đám chống lại Vorayuth Yoovidhya, cháu trai của tỷ phú đồng sáng lập Red Bull, Chaleo Yoovidhya, đã được văn phòng tổng chưởng lý lặng lẽ hủy bỏ hồi tháng 1. Một nền kinh tế bị đẩy đến bờ vực do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cũng khiến niềm tin vào chính phủ lung lay.

Điểm khác biệt

Sẵn sàng thách thức những điều cấm kỵ lâu nay là điểm khác biệt lớn nhất giữa các cuộc biểu tình gần đây với những cuộc biểu tình trước.

Lịch sử của Thái Lan tràn ngập các cuộc biểu tình và đảo chính. Trong khoảng một thập kỷ trước khi xảy ra cuộc đảo chính năm 2014, những người biểu tình chính được chia làm hai phe là Áo đỏ và Áo vàng. Những người Áo đỏ, ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, chủ yếu là người dân nghèo ở nông thôn. Những người Áo vàng tập trung ở Bangkok và được coi là đại diện cho giới tinh hoa đô thị.

Các cuộc đụng độ giữa họ đã từng dẫn đến đổ máu, nhưng các việc cấm kỵ như chế độ quân chủ không bao giờ được đề cập đến trong các cuộc biểu tình. Sinh viên dẫn đầu các cuộc biểu tình lần này chủ yếu đến từ các gia đình trung lưu. Trong thời đại Internet với khả năng tiếp cận thông tin rộng rãi hơn, những người trẻ tuổi tự hỏi tại sao đất nước của họ đã có 20 bản hiến pháp và 13 cuộc đảo chính thành công kể từ năm 1932. Sự nhận thức của họ đã dẫn đến những nghi ngờ về bản chất chính trị của đất nước. Phương tiện truyền thông xã hội cũng đóng một vai trò quan trọng.

Lo ngại bạo lực

Kết quả thăm dò dư luận do Viện Quản lý Phát triển Quốc gia (NIDA) thực hiện công bố ngày 23-8 cho thấy, đa số người dân Thái Lan lo ngại các cuộc biểu tình sẽ dẫn tới chia rẽ và bạo lực trong xã hội.

Trong cuộc thăm dò của NIDA được thực hiện từ ngày 18 đến 20-8 đối với 1.312 người, khi được hỏi họ có lo ngại các cuộc biểu tình đó sẽ dẫn tới chia rẽ và bạo lực trong xã hội hay không, 61,13% trả lời là có. Trong số này, 34,76% cho biết họ có phần lo lắng về các cuộc biểu tình vì sợ chúng sẽ dẫn đến xung đột giữa những người có ý kiến khác nhau, trong khi 26,37% rất lo lắng vì sợ các cuộc biểu tình sẽ chịu ảnh hưởng của một bên thứ 3 như đã xảy ra trước đây, và muốn nhóm Nhân dân Tự do trì hoãn các cuộc biểu tình cho đến khi đại dịch Covid-19 bị dập tắt hoàn toàn.

Ở chiều ngược lại, 24,16% số người được hỏi cho biết họ hoàn toàn không lo ngại vì các cuộc biểu tình diễn ra phổ biến trong chính trị Thái Lan và các cuộc biểu tình của các nhóm Nhân dân Tự do diễn ra trong hòa bình. Phần còn lại, chiếm 0,53%, không bình luận hoặc không quan tâm.

AN BÌNH