Thái Lan tương lai mịt mờ

Thứ sáu, 06/12/2013 11:43

(Cadn.com.vn) - Tương lai chính trị của Thái Lan mang gam màu ảm đạm và bất định hơn bao giờ hết.

Trong bài phát biểu được chờ đợi tại lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 86 của mình, Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej kêu gọi cả đất nước đồng lòng vì “sự ổn định” sau khi căng thẳng chính trị tạm lắng.

Người dân Thái Lan mừng sinh nhật Quốc vương Bhumibol (5-12). Ảnh: AP

QUỐC VƯƠNG KÊU GỌI ĐOÀN KẾT

Vị vua rất được người Thái Lan sùng kính cho rằng, đất nước trở lại yên bình vì “mọi người gắn kết với nhau” trong lễ kỷ niệm sinh nhật có sự tham dự của Thủ tướng Yingluck Shinawatra.

“Đất nước chúng ta luôn sống hòa bình nhờ sự đoàn kết. Tất cả người dân Thái Lan cần nhận thức điều này và thể hiện vai trò vì lợi ích của đất nước, đó là sự ổn định và an ninh của đất nước”, Quốc vương nói. Tuy nhiên, theo như thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban tuyên bố, chiến dịch chống chính phủ chỉ tạm ngưng 1 ngày và sẽ tiếp tục vào hôm nay (6-12).

Nói thế để thấy rằng, bất ổn chính trị sẽ tiếp diễn sau lễ kỷ niệm sinh nhật Quốc vương. Mặc dù vậy, Tư lệnh Hải quân Thái Lan Narong Pipatanasai ngày 5-12 vẫn kiên quyết khẳng định một lần nữa rằng, sẽ không có chuyện đảo chính. Theo ông Narong, các tư lệnh của 3 quân chủng thảo luận về tình hình chính trị và nhất trí sẽ không nắm vai trò dẫn dắt trong việc giải quyết xung đột chính trị mà chỉ hành động như một trung gian hòa giải. Quân đội cũng tuyên bố rất muốn tránh liên quan đến cuộc gặp giữa Thủ tướng Yingluck Shinawatra và thủ lĩnh đối lập Suthep.

Trong cuộc gặp này, quân đội không có bất kỳ ý kiến hoặc đe dọa nào, đồng thời tuyên bố sẽ không can thiệp vào vấn đề này nữa.

LỐI ĐI NÀO CHO CHÍNH PHỦ YINGLUCK?

Cơ hội về một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng hiện nay càng mỏng manh khi chính phủ của bà Yingluck luôn bị phe đối lập cho là “con rối” của cựu Thủ tướng Thaksin.

Sau khi bị đảo chính, ông Thaksin sống lưu vong để tránh án tù vì tội tham nhũng và hy vọng sẽ trở về nước khi thời cơ chín muồi. Nhưng bây giờ có vẻ như hy vọng đang lịm tắt dần. Những người biểu tình tuần hành hàng tuần trên đường phố Bangkok, đụng độ với cảnh sát chống bạo động chỉ với quyết tâm lật đổ “chế độ Thaksin”. Dưới thời bà Yingluck, Thái Lan hồi phục từ cuộc khủng hoảng lũ lụt tồi tệ nhất trong 50 năm với tốc độ tăng trưởng kinh tế là 6,5% trong năm 2012. Một chính sách giảm thuế cho những người lần đầu mua nhà và ô-tô nhận được sự ủng hộ của tầng lớp trung lưu trong khi chính sách trợ cấp gạo rất được lòng người dân nông thôn. Giờ đây, thời kỳ trăng mật của nữ Thủ tướng đầu tiên trong lịch sử Thái Lan đã qua. Chính phủ bà Yingluck đang cheo leo trên ngọn núi.

Sai lầm của bà Yingluck, có vẻ như nằm ở nỗ lực thông qua dự luật ân xá gây tranh cãi vốn được cho là hành động minh oan trắng trợn cho ông Thaksin. Thượng viện bác bỏ dự luật. Bà Yingluck cũng “bỏ quên nó”. Nhưng chính nó đã mở đường cho phe đối lập nổi lên. Đối thủ của ông Thaksin trong tầng lớp trung lưu, thượng lưu và bảo hoàng cũng như tại Quốc hội đã có cái cớ để họ khởi động loạt đạn mới nhất.

“Thaksin là hồn ma chính trị của Thái Lan và những người không thể vượt qua ông”, Pavin Chachavalpongpun, chuyên gia thuộc Đại học Kyoto chuyên Nghiên cứu Đông Nam Á cho biết. Thông qua việc ân xá, ông Thaksin muốn thử nghiệm “nước sâu hay cạn”. Và kết quả là vùng nước “quá sâu” đã nhấn chìm hình ảnh của ông, từ đó bồi phù sa cho những người biểu tình loại bỏ mối đe dọa từ “chính phủ thân Thaksin”.

Nhiều người nghĩ rằng, việc đảng Peau Thai của bà Yingluck giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2011 là nhờ chiến dịch vận động tranh cử ăn theo tên của ông Thaksin và chính sách dân túy đang rất được lòng dân nghèo và dân nông thôn. Nội các xếp chồng lên nhau với các đồng minh thân cận nhất của vị cựu Thủ tướng, luôn giao tiếp với ông qua Skype. Nhiều nhà lập pháp đảng Puea Thai cũng gặp ông Thaksin ở Hồng Kông và Dubai. Nhưng ông cũng đã sai. Dự luật ân xá được coi như là chính sách “quá vội vàng và kém cỏi”.

Khả Anh