Thái Lan vẫn bầu cử

Thứ năm, 16/01/2014 10:24

(Cadn.com.vn) - Thái Lan vẫn từng bước chuẩn bị cho cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 2-2 tới bất chấp nỗ lực “đóng cửa Bangkok” của người biểu tình.

Thủ lĩnh biểu tình Suthep (giữa) bác bỏ bất kỳ sự thỏa hiệp nào với chính phủ. Ảnh: AFP

Ngày 15-1, Thủ tướng tạm quyền Thái Lan Yingluck Shinawatra tuyên bố, bầu cử vẫn diễn ra theo dự kiến vào ngày 2-2 tới bất chấp người biểu tình phản đối chính phủ gia tăng sức ép đòi hoãn bầu cử.

Phát biểu trước báo giới, bà Yingluck cho biết, không có cơ sở pháp lý để EC trì hoãn bầu cử. Bà nhấn mạnh: “Quyền của người dân là quan trọng”. Phó Thủ tướng Pongthep Thepkanchana cũng bày tỏ tin tưởng cuộc bầu cử sẽ đưa tình hình trở lại bình thường. “Chúng tôi có thể thấy sự ủng hộ giành cho ông Suthep đang giảm xuống. Do ông ta làm những điều đi ngược lại pháp luật nên hầu hết người dân đều không ủng hộ việc đó”, Phó Thủ tướng Pongthep nói.

Theo BBC, thông tin này được đưa ra sau cuộc họp do Thủ tướng Yingluck tổ chức hôm 15-1, trong đó mời các thủ lĩnh biểu tình chống chính phủ và các chính đảng thảo luận về việc của Ủy ban Bầu cử (EC) đề xuất nhằm lùi thời điểm tổ chức bầu cử. Tuy nhiên, phe biểu tình tẩy chay phiên họp này. Thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban và lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập cho rằng, trước hết chính phủ tạm quyền phải tiến hành cải cách để loại trừ tham nhũng trong công tác chính trị.

Hiện, phần lớn Bangkok vẫn hoạt động bình thường trong biểu tình. Tuy nhiên, những người biểu tình vẫn chặn nút giao thông và bao quanh cơ quan chính phủ trong nỗ lực để ngăn chặn công chức đến làm việc. Họ tuyên bố sẽ “giữ nguyên hiện trạng” cho đến khi chính phủ từ chức.

Trong sự cố xảy ra đêm qua, một nhân chứng cho biết có tiếng súng nổ bắn về phía chướng ngại vật của người biểu tình trong khoảng 2 giờ. Cảnh sát cho biết, một người đàn ông bị trúng đạn vào mắt cá chân và một người phụ nữ bị thương ở cánh tay. Phóng viên BBC nhận định rằng, có thể nguyên nhân do tổn thất kinh tế nên một nhóm nào đó muốn giải tán người biểu tình, giải tỏa Bangkok. Tuy nhiên, không có ai bị bắt.

l 9-2006: Quân đội lật đổ Thủ tướng Thaksin

l 9-2007: Đảng ủng hộ Thaksin thắng bầu cử

l 8-2008: Thaksin rời Thái Lan

l 12-2008: Phe ủng hộ Thaksin biểu tình, tòa án giải tán đảng thân Thaksin, Abhisit Vejjajiva lên nắm quyền Thủ tướng.

l 5-2010: Biểu tình đẫm máu, quân đội trấn áp, hơn 90 người chết

l 6-2011: Bà Yingluck được bầu làm Thủ tướng

l 11-2013: Bùng nổ biểu tình chống chính phủ

l 12- 2013: Bà Yingluck giải tán Quốc hội, kêu gọi bầu cử

Trong khi đó, một vụ nổ nhỏ - xuất phát từ một thiết bị nhỏ hoặc pháo hoa - cũng xảy ra bên ngoài nhà riêng của Chủ tịch đảng Dân chủ, cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva. Không có ai bị thương. Một sĩ quan tại đồn cảnh sát Thong Lor ở gần đó cho biết: “Không ai ở nhà vào thời điểm trên. Vụ nổ làm hư hại một phần mái nhà. Đó không phải một quả bom. Chúng tôi cho rằng, đây có thể là quả pháo hoa lớn”.

8 người thiệt mạng kể từ khi các cuộc biểu tình chống chính phủ bắt đầu vào tháng 11-2013, vốn bị kích hoạt bởi nỗ lực thông qua dự luật ân xá của bà Yingluck, mà các nhà phê bình nhận định sẽ cho phép ông Thaksin trở về nước mà không chấp hành án phạt tù vì tội tham nhũng. Những người biểu tình cho rằng, chính phủ Thủ tướng Yingluck chỉ là con rối của người anh trai, cựu Thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra. Và từ hôm 13-1, Bangkok rung chuyển mạnh mẽ khi những người biểu tình xuống đường với quyết tâm lật đổ Thủ tướng Yingluck, để đưa một “Hội đồng nhân dân” lên nắm quyền, đẩy đất nước vào tình trạng bất ổn chính trị tồi tệ nhất kể từ năm 2010.

Hiện những người ủng hộ chính phủ Thủ tướng Yingluck - phe Áo đỏ - vốn từng “đóng cửa Bangkok” năm 2010 – vẫn đứng ngoài các cuộc biểu tình. Và giới phân tích lo sợ, nếu phe chống chính phủ “đi quá giới hạn”, phe Áo đỏ sẽ xuống đường, động thái báo hiệu làn sóng bạo lực hơn nữa.

Khả Anh