Thăm biệt điện Trần Lệ Xuân

Thứ hai, 13/07/2015 07:49

(Cadn.com.vn) - Thành phố Đà Lạt mờ sương nổi tiếng với phong cảnh lãng mạn hữu tình như thung lũng tình yêu, đồi mộng mơ... Một vùng đất đẹp với ngàn thông reo và hoa lá muôn màu không chỉ là một địa điểm du lịch nghỉ dưỡng, trong thế kỷ trước Đà Lạt đã từng là nơi ở của rất nhiều nhân vật lịch sử, một trong số đó là khu biệt thự của gia đình Ngô Đình Nhu (em trai và là cố vấn chính trị của Ngô Đình Diệm).

Ngôi biệt thự ấy ngày nay được gọi với cái tên Biệt điện Trần Lệ Xuân (vợ của Ngô Đình Nhu) người phụ nữ đã làm tốn không ít giấy mực của báo chí thời bấy giờ. Vào thời kỳ Đệ Nhất Cộng hòa Việt Nam, công trình này là nơi nghỉ dưỡng của gia đình Ngô Đình Nhu. Sau khi Ngô Đình Nhu và Ngô Đình Diệm bị ám sát, Trần Lệ Xuân sống lưu vong, công trình này trở thành địa điểm tham quan du lịch và sau này được Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV tiếp quản...

Biệt thự Lam Ngọc nhìn từ bên ngoài.

Con đường lên biệt điện Trần Lệ Xuân quanh co được bao bọc bởi một khu rừng thông. Trong tiếng thông reo vi vút và làn mưa lay lắt, khu biệt điện ẩn hiện giữa rừng hoa muôn màu. Khu biệt điện từng được xem là "đệ nhất trời Nam" này được khởi công từ năm 1958 có ba tòa biệt lập với tên gọi Bạch Ngọc, Lam Ngọc và Hồng Ngọc. Khu biệt thự Lam Ngọc nơi Trần Lệ Xuân sinh hoạt và nghỉ ngơi. Với lối kiến trúc cổ điển, ngôi nhà thấp với những ô cửa kính nhìn ra khuôn viên được bao bọc bởi hoa loa kèn, cúc dại. Năm 1994, khi Trung tâm lưu trữ quốc gia IV tiếp quản thì khu biệt thự này đã trở thành một phế tích. Phải mất rất nhiều thời gian và sự tỉ mẩn các chuyên gia mới cho khôi phục lại hoàn chỉnh ngôi biệt thự theo tài liệu và các nhân chứng để lại.

Biệt thự Lam Ngọc với không gian không lớn nhưng đã thể hiện được óc thẩm mỹ và sự thông minh của Lệ Xuân. Phòng khiêu vũ được bao quanh bởi một loại kính chống đạn, những chiếc lò sưởi với kích cỡ khác nhau vừa để sưởi ấm vừa thể hiện độ giàu có của gia chủ. Khi tiếp quản khu biệt thự, tài sản duy nhất còn sót lại là một chiếc tủ lạnh màu xanh. Hiện nay việc sử dụng một chiếc tủ lạnh trong nhà là bình thường nhưng vào thời điểm bấy giờ chiến tranh đang diễn ra, đời sống của người dân còn nhiều đói khổ, Trần Lệ Xuân đã cho nhập chiếc tủ lạnh từ Ý về đủ thấy sự xa hoa và giàu có của gia đình nhà họ Ngô. Ngày nay chiếc tủ lạnh được trưng bày bên cạnh hầm thoát hiểm của gia đình Lệ Xuân.

Chân dung Trần Lệ Xuân qua các bức ảnh được trưng bày.

Bên cạnh khu biệt thự Lam Ngọc còn có 2 hầm thoát hiểm được ngụy trang bởi một nhà vệ sinh giả. Trong đó, 1 hầm được thông ra vườn Nhật Bản, 1 hầm được bố trí ngay trong phòng ngủ phòng khi có biến cố. Tuy nhiên về sau này Trần Lệ Xuân vẫn chưa có cơ hội sử dụng đến 2 lối thoát này. Điểm tham quan cuối cùng tại biệt thự Lam Ngọc chính là vườn Nhật Bản. Sở dĩ có tên gọi như vậy là bởi toàn bộ khu vực vườn và suối nhân tạo này được các kỹ sư Nhật Bản thiết kế. Ngày nay, khu biệt điện vừa là điểm du lịch vừa là nơi khám phá với những ai yêu thích lịch sử. Đây còn là nơi tái hiện sinh động cuộc đấu tranh kiên cường trong cuộc chiến giành độc lập của nhân dân Tây Nguyên và là nơi bảo quản khối tài liệu Mộc bản triều Nguyễn từng được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới.

Hà Dung