Thăm Hà Nội trên xe xích lô

Thứ sáu, 01/12/2023 13:00
Dạo chợ Đồng Xuân, Hà Nội mỏi chân, tôi lang thang qua khu phố cổ, đến Hàng Đường  và bắt gặp trong mắt mình là những chiếc xích lô khá đẹp với mái che bằng vải nhựa đỏ. Những chiếc xe xích lô đều đông khách. Xe chở khách thong thả qua con phố tấp nập để khách tham quan, khách mua sắm. Tưởng dễ kiếm một chiếc xích lô giữa thời buổi mọi người đều đi lại bằng xe máy, taxi hoặc xe buýt, nhưng mãi mới đón được một chiếc khi  bác tài vừa bỏ khách xuống.
Xích lô Hà Nội (nguồn: internet)
Cùng xích lô dạo ngắm phố Hà Nội.

Tôi chẳng cần đưa lịch trình, chỉ bảo bác là làm thế nào mà xe chở tôi băng qua phố cổ, vòng quanh hồ Hoàn Kiếm, sau đó đưa tôi về lại khách sạn Hồng Hà nằm trên đường Trần Quang Khải. Bác tài xích lô có lẽ đã quen với cảnh khách thuê xe để rong chơi, nói giá 100.000 đồng, một số tiền vừa phải cho một cuộc ngao du Hà Nội trên chiếc xe xích lô từ Hàng Đường, qua Hàng Gấy, Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ…Nói chung là muốn đến bất cứ nơi nào, bác tài xích lô đều sẵn sàng phục vụ…

Xích lô đã tồn tại ở Hà Nội rất lâu. Dẫn lại lịch sử thăng trầm của lọai xe ba bánh này. Bắt đầu chỉ là chiếc xe kéo. Chiếc xe kéo ra đời từ năm 1868 bên Nhật, làm phương tiện di chuyển thời vua Minh Trị Thiên Hoàng, đến năm 1883 những chiếc xe kéo đầu tiên được nhập vào Việt Nam, có mặt tại Hà Nội do Toàn Quyền Đệ Nhất Bonnal đã cho phép đem từ bên Nhật qua với tên gọi Rickshaw hay Rickish. Xe kéo thời đó cũng hiếm hoi, có một nhà sản xuất ra 50 chiếc xe kéo ở Hà Nội sau đó, và chỉ có nhà giàu mới dùng được phương tiện này. Mãi sau này, chiếc xích lô mới xuất hiện, lại là sản phẩm của người Pháp. Xích lô du nhập vào Việt Nam từ năm 1939. Bối cảnh Hà Nội lúc bấy giờ là một thành phố còn vẻ mộc mạc, đầy tính lãng mạng. Những chiếc xích lô cũng không đẹp như bây giờ trở thành phương tiện đi lại khá phổ biến , sau đó lan rộng ra cả nước.

Xích lô Hà Nội (nguồn: internet)

Trải qua bao thăng trầm, giờ đây sau 80 năm có mặt tại Việt Nam, chiếc xích lô gần như không còn sống được ở nhiều thành phố, thì tại Hà Nội, nó vẫn làm ra tiền với mô hình xích lô du lịch. Hiện toàn Hà Nội có khoảng 300 chiếc xích lô để làm du lịch, chủ yếu chở khách phục vụ dạo chơi hơn là chở hàng hóa và chở người đi hoặc về. Các chiếc xích lô đã thoát khỏi vẻ phong sương bụi bặm ngày xưa, thay vào đó là lộng lẫy, sang trọng theo kiểu du lịch. Do đường phố Hà Nội chật hẹp, lưu lượng xe cộ đông đúc nên xích lô cũng bị giới hạn thời gian hoạt động, nhưng nói chung là vẫn sống được. Xích lô trở thành một loại xe trang điểm cho du lịch Hà Nội. Nhiều du khách thổ lộ rằng, chỉ với vài chục ngàn cho một tiếng đồng hồ ngồi dựa lưng trên chiếc xích lô, phóng tầm mắt ngắm nhìn Hà Nội, cảm giác lòng thong thả và nhẹ nhàng. Dẫu cuộc sống có rất nhiều thay đổi, nhiều tòa nhà cao ốc được xây dựng lên, nhưng Hà Nội vẫn không mất đi vẻ thanh lịch của mình, vẫn là những bóng cây xanh phủ đầy những con phố. Hà Nội cũng là nơi đã diễn ra khá nhiều các sự kiện quốc tế, và những vị khách quốc tế ấy cũng đã lên một chiếc xích lô để thong dong cùng Hà Nội. Đó là nhà Vua và Hoàng hậu Tây Ban Nha, Thủ tướng Cộng hòa Séc Milos Zeman, Tổng thống Pháp Jacques Chirac cùng rất nhiều nhân vật nổi tiếng khác…

Điều ghi nhận khi ngồi trên chiếc xích lô ngắm phố cổ Hà Nội với 36 phố phường xưa, mắt có thể ngước nhìn lên những căn nhà rất cổ, tình cờ bắt gặp sinh hoạt của người dân, nghe tiếng ồn ào của phố hay dừng lại một hàng ăn, mềm lòng với hồ nước xanh đến lạ. Cảm nhận ấy chính là những người cầm lái chiếc xích lô hôm nay giống như một hướng dẫn viên du lịch, vừa gò lưng đạp xe đưa khách chậm qua các con phố, có thể nóí tiếng Anh, thậm chí tiếng Pháp nếu ngồi trên xe là khách nước ngoài. Họ sẽ kể về những di tích khi xe đi ngang qua đó. Họ sẽ kể về những món ăn ngon Hà Nội, kể về các loại cỏ cây mà dường như trên đường phố Hà Nội mới có được. Một chuyến rong chơi trong lòng phố Hà Nội bằng chiếc xích lô đã tồn tại trên vùng đất này 80 năm quả là điều thú vị.

Khuê Việt Trường