Thầm lặng “đưa đò” ở ngôi trường trên tuyến đầu biên giới
Ch'ơm nằm trên sườn núi, chỉ cách cột mốc đường biên giới Việt-Lào chưa đầy 15 phút nếu đi bằng xe máy… Trước thềm ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11), dịp lễ lớn của các thầy cô giáo, những cơn mưa rừng vẫn rả rích thấm đẫm vai áo của những người đi gieo chữ nơi biên cương, những đợt gió đông hun hút thổi qua đại ngàn trong chiều biên giới.
Thầy giáo Nguyễn Minh Châu chăm sóc gà vịt để cải thiện bữa ăn cho các thầy cô giáo và học sinh bán trú của trường tiểu học Ch'ơm.
Chúng tôi tạm dừng chân trên chuyến hành trình lên biên giới để ghé thăm Trường Tiểu học bán trú Ch'ơm. Thấy có khách lạ, thầy giáo Nguyễn Minh Châu vội ra tận đầu con dốc lên trường để đón, thầy Châu phân trần: “Các anh lên bất ngờ quá, hôm nay các thầy cô về trung tâm huyện để tiêm vaccine phòng chống dịch bệnh COVID-19 đang lên lại trường… Năm nay dịch bệnh vẫn còn phức tạp, sắp đến ngày 20-11, ngành giáo dục huyện Tây Giang và cả tỉnh Quảng Nam cũng chủ trương không tổ chức gì lớn, nhưng có đàn gà, vịt tăng gia được, vậy là thầy trò chúng tôi tự tổ chức, thế là xôm rồi…”, thầy Châu cười vang giữa lưng chiều biên giới.
Thầy Châu cho biết, Ch'ơm là một trong 8 xã biên giới của huyện Tây Giang, đây là Trường Tiểu học bán trú trung tâm của xã, có 158 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 và 29 thầy cô giáo. Với đặc thù là địa phương miền núi biên giới, giao thông cách trở, từ các thôn về tới trung tâm xã gần nhất cũng cả tiếng đồng hồ, có thôn vào những ngày mưa cũng phải đi mất nửa ngày, nên trường có tới 72 em học sinh phải ở bán trú tại trường. Cơ sở vật chất của trường vẫn còn thiếu thốn, còn tới 5 điểm trường ở các thôn A Tu 1, A Tu 2, Cha Lăng, Hy Zú, Hju Húi, ChNốc buộc các thầy cô giáo phải “cắm bản”, tức là cùng ăn, cùng ở với người dân, lâu lâu mới về trường trung tâm sinh hoạt hội họp một lần. Có thôn như ChNốc chỉ cách đường biên giới vài trăm mét…
Thầy Châu bảo, toàn các thầy cô còn trẻ cả, như cô Võ Thị Thu Lai, thầy Pơ Loong Nhan, thầy Bling Thành, thầy Phạm Công Đức… Ai cũng quê ở xa, cách trường ngót trên trăm cây số, vào mùa mưa, nhiều khi cả mấy tháng mới về thăm gia đình được một lần, thời gian qua dịch bệnh COVID-19 phức tạp tại nhiều địa phương, có thầy cô mấy tháng nghỉ hè cũng không thể thăm gia đình. Ngay như thầy Châu, gia đình ở tận huyện Phú Ninh, cách Ch'ơm gần 250km, thầy có vợ cũng là giáo viên, hai con nhỏ, nhưng là người giữ trọng trách “đầu tàu” của trường, cả năm học, số lần thầy về thăm gia đình cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay…! Thầy cho biết, đồng lương giáo viên miền núi, dù đã có phụ cấp biên giới, nhưng cũng chả thấm vào đâu, khi ở vùng biên cương heo hút, mọi thứ đều đắt đỏ, lại thêm những chuyến về phép với kinh phí bằng người ta đi từ TP Hồ Chí Minh ra tới Hà Nội.
Ch'ơm đã có điện lưới quốc gia, nhưng mùa mưa bão thường mất điện, công việc như in ấn tài liệu, văn bản, báo cáo đều trông chờ vào chiếc máy nổ phát điện duy nhất của trường. Thầy Châu giãi bày: “Mà chiếc máy nổ này tốn xăng lắm, cả tuần chỉ dám phát vài tiếng, nhưng nó ngốn tới cả gần 40 lít xăng, chỉ dành cho trường hợp thật cấp bách thôi…!”.
Những ngày mưa bão không có điện, mọi phương tiện sinh hoạt đều xếp một góc, tivi, máy vi tính, điện thoại có cái mua gần 5 năm rồi vẫn như mới, chất lượng dạy và học cũng ảnh hưởng đáng kể. Được cái các em học sinh trên biên giới này rất ham học, chưa bao giờ có trường hợp học sinh bỏ học, chỉ thương các em, đường đến trường những ngày mưa sạt lở, các em phải dầm trong mưa bùn trơn trượt, nhưng vẫn bám trường, bám lớp theo học.
Hôm lên Ch'ơm chúng tôi là “thượng khách” của trường, thầy cô nghe tin chúng tôi đến thăm trường vội vã về để đón khách. Thầy Cơ Lâu Hối- giáo viên cắm bản mới từ thôn ChNốc sát bên đường biên giới cũng về, cứ nắm lấy tay tôi để đọc một bài thơ của những người giáo viên nơi miền biên giới đã được các thầy cô tự phổ nhạc mà tôi đã được nghe từ lúc bước chân lên ngôi trường biên giới này: “Ai đi lên miền núi/Đất Ch'ơm thân yêu/Ai đi tới Ch'ơm/Vùng biên cương tuyến đầu/Xôn xao chiều biên giới/ Đầy ắp giọng cười vui/ Có chúng tôi, đang chung tình xây đắp nước non này…”
Hồng Thanh