“Thân phận tình yêu” lên màn ảnh

Thứ ba, 12/08/2008 00:00

(Cadn.com.vn) - Sau hơn 10 năm thương lượng ngược xuôi, cuối cùng nhà sản xuất người Mỹ Nicholas Simon đã có trong tay giấy phép làm phim của Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch để đưa “Thân phận tình yêu” (dựa theo tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của nhà văn Bảo Ninh) lên màn ảnh.

Cuốn tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” đoạt giải thưởng Hội Nhà văn năm 1991 và được dịch, xuất bản tại rất nhiều quốc gia trên thế giới, đồng thời lọt vào tầm ngắm của các đạo diễn trong nước như Hải Ninh, Khánh Dư nhưng dự án chuyển thể thành phim vẫn bỏ dở vì nhiều trở ngại. Hơn 15 năm sau khi xuất bản, “Nỗi buồn chiến tranh” vẫn chưa được điện ảnh khai thác mặc dù tác phẩm được đánh giá là một trong những tiểu thuyết đương đại hay nhất, một sự tái hiện xuất sắc về cuộc chiến tranh chống Mỹ.

“Chất Việt” được đặt lên hàng đầu

Bảo Ninh, cha đẻ của cuốn tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh”, lắc đầu xua tay khi nhắc đến cụm từ “phim Hollywood”. Ông bảo ê-kíp làm phim là người Mỹ, nhưng phim không phải là Hollywood, vì phim phải rất thuần Việt. Các nhân vật trong phim đều nói tiếng Việt (tất nhiên có phụ đề tiếng Anh), diễn viên do người Việt đảm nhận và bối cảnh cũng hoàn toàn ở Việt Nam. Trong những lần trao đổi cùng đạo diễn Nicholas Simon khi ông sang Việt Nam “khai thác” thêm tác giả tiểu thuyết, “chất Việt” luôn luôn được Bảo Ninh đặt lên hàng đầu.

“Tôi nói với đạo diễn rằng để “Thân phận tình yêu” có thể thành công, nó phải đậm chất Việt, đậm đặc đến mức dù là người nước nào, dù đã đọc cuốn tiểu thuyết hay chưa, dù có hay không trải qua cuộc chiến tranh vẫn hiểu bộ phim muốn nói điều gì”, Bảo Ninh tâm sự. Ông nói thêm, trong những bộ phim làm về chiến tranh Việt Nam, phim nào người Mỹ khai thác nhiều đến tâm lý của chính họ thì hay, nhưng quay sang phía bên kia thì lại dở, vì họ không hiểu tâm lý người khác.

Quá trình nhà biên kịch Peter Himmeltein và Nicholas Simon chuyển thể từ tiểu thuyết sang kịch bản phim, cả Bảo Ninh và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cùng tham gia chỉnh sửa lại cho hợp người, hợp cảnh, lời thoại đời thường và gần gũi với những con người trong chiến tranh. Khi nhận xét về kịch bản “Thân phận tình yêu”, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát - Giám đốc Hãng phim Hội Điện ảnh, đối tác sản xuất bộ phim - cho rằng đây là một kịch bản chặt chẽ, hấp dẫn và ít biên kịch giỏi của Việt Nam có thể chuyển thể tốt như thế. Ở “Thân phận tình yêu”, Nicholas Simon tập trung vào tình yêu của 2 nhân vật chính: Phương và Kiên, kịch bản cũng tập trung vào đường dây của mối tình này. Thử thách đối với các nhà làm phim chính là quá nhiều hồi ức đan xen nhau và kéo dài suốt từ những năm 60 của thế kỷ trước đến giai đoạn đầu đổi mới. Bảo Ninh bảo: “Hồi ức nhiều như thế thì đúng là khó làm phim, nhưng đạo diễn muốn làm thì ta nên chờ đợi”. “Thân phận tình yêu” cũng là bộ phim đầu tiên Nicholas Simon thực hiện với vai trò là đạo diễn.

Đạo diễn Nicholas Simon (trái) trong một lần đến Việt Nam làm phim.

Khó khăn chọn diễn viên

Trước khi đạo diễn Nicholas Simon đến Việt Nam, các trợ lý của ông đã tổ chức tuyển chọn diễn viên và bối cảnh để chờ đạo diễn quyết định. Một tháng casting (chọn diễn viên) cả ở các trường nghệ thuật lẫn đăng báo tuyển diễn viên, có vẻ như nhóm casting vẫn chưa tìm được diễn viên ăn ý. Buổi casting tại trụ sở Hội Điện ảnh Việt Nam hôm đầu tuần qua, chỉ có chưa đến 20 diễn viên đến thử vai. Đạo diễn Nicholas Simon cũng chỉ ghé qua một thời gian rất ngắn rồi vội vã đi kiểm tra bối cảnh.

Phần lớn người đến thử vai đều không có kinh nghiệm diễn xuất và chưa một lần đọc tiểu thuyết của Bảo Ninh nên buổi thử vai đã không được như mong muốn. Bà Phạm Anh Hoa, trợ lý phụ trách casting bộ phim, cho biết nhóm casting sẽ tiếp tục tuyển chọn diễn viên cả chuyên nghiệp lẫn qua giới thiệu ở các tỉnh, thành phố phía Bắc và TPHCM (vì bộ phim thu tiếng đồng bộ nên các diễn viên sẽ phải nói bằng giọng Bắc). Cho đến thời điểm này, chưa một cái tên nào được quyết định.

Bà Phạm Anh Hoa cho biết thêm, sau khi đã casting kỹ lưỡng trên diện rộng, nhóm trợ lý sẽ đưa cho Nicholas Simon một danh sách để ông xem xét và quyết định. Và nếu các diễn viên Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu của đạo diễn, phương án tìm diễn viên nước ngoài sẽ được tính đến. Việc tìm diễn viên cho 2 nhân vật chính rất khó khăn bởi đây là 2 vai diễn với quá nhiều tâm trạng, vừa là Phương 17 tuổi trẻ trung trong sáng, với tình yêu đầu nồng nàn mãnh liệt, vừa là người đàn bà 40 tuổi rã rời, từng trải; Kiên lúc là học sinh Trường Chu Văn An, lúc là tân binh đầy lãng mạn, đến người đàn ông già dặn, một nhà văn Kiên buồn đau, méo mó trong tâm hồn. Theo một nguồn tin, 2 diễn viên chính có thể không phải là những ngôi sao nổi danh Châu Á mà là những diễn viên người Mỹ gốc Việt.

Song song với việc tìm diễn viên cho vai chính Phương và Kiên, gần nửa tháng qua, Nicholas Simon cùng các trợ lý của ông đã ngược xuôi tại nhiều tỉnh phía Bắc để tìm bối cảnh. Theo dự kiến của nhà sản xuất, phim sẽ được khởi quay vào tháng 11-2008.

Xuân Hoa