Thận trọng khi lấn vịnh Đà Nẵng

Thứ tư, 13/06/2018 08:55

Tại hội thảo quy hoạch Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 vừa diễn ra chiều 11-6, nhiều chuyên gia đã phản đối ý tưởng lấn vịnh Đà Nẵng làm khu đô thị, bởi lo lắng nhiều tác động tiêu cực đến môi trường.

Một góc vịnh Đà Nẵng.

Đề cập định hướng phát triển không gian đô thị Đà Nẵng, PGS.TS Bùi Tất Thắng - Viện trưởng Viện chiến lược phát triển Việt Nam cho rằng, vịnh Đà Nẵng sẽ thành “đô thị biển” mang tính chất độc đáo về một đô thị trên biển với kiến trúc và dịch vụ đặc sắc. Trước đó, Đà Nẵng cũng tiếp nhận nhiều đề xuất lấn vịnh Đà Nẵng để mở rộng không gian đô thị, hình thành khu kinh tế biển. Trong đó, đình đám nhất là đề xuất của nhóm các nhà đầu tư gồm Tập đoàn Pavilion (Malaysia), Quỹ Bamboo Capital và Công ty CP lương thực Đà Nẵng. Nhóm này đề xuất lấn vịnh Đà Nẵng làm dự án đảo Hoa Sen - Lotus Island, quy mô trên 1.400ha, cách đất liền khoảng 1 km, tổng giá trị đầu tư mặt bằng tương đương 8 tỷ USD. Nối giữa dự án và đất liền là 4 tuyến cầu vượt biển, là dự án lấn biển lớn nhất Việt Nam, mang tầm cỡ quốc tế. Mục tiêu của dự án là xây dựng một đặc khu kinh tế mới bao gồm các khu chức năng như: khu chung cư cao tầng, trung tâm văn hóa, công viên công nghệ, khu nghỉ dưỡng quốc tế, trung tâm tài chính - thương mại, khu đua Công thức 1, casino, khu bán lẻ miễn thuế, sân golf, bến du thuyền...

Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Đà Nẵng cho biết, nhiều lần ý tưởng lấn vịnh Đà Nẵng đã được đưa ra, trong bản quy hoạch này cũng thể hiện đậm đặc, chứng tỏ quyết tâm chính trị của lãnh đạo TP về dự án này rất lớn. Tuy vậy, ông Tiếng đã phản biện lại ý tưởng lấn vịnh Đà Nẵng và cho rằng phải cân nhắc rất kỹ, phải hết sức thận trọng. “Có người nghĩ ở Rạch Giá lấn biển gần vịnh Thái Lan, ở Quảng Ninh lấn biển khu vực vịnh Hạ Long có sao đâu, thì ở Đà Nẵng lấn vịnh cũng được. Nhưng nên nhớ, vịnh Thái Lan có tổng diện tích mặt nước vào khoảng 320.000km2, vịnh Bắc Bộ là hơn 126.000km2 còn vịnh Đà Nẵng thì quá nhỏ. Hai bên vịnh Đà Nẵng lại được bao bọc bởi dãy núi Sơn Trà, Hải Vân nên chế độ thủy văn rất đặc trưng”- ông Tiếng chia sẻ. Nhà nghiên cứu này phân tích tiếp: “Cũng có người đem việc lấn vịnh Đà Nẵng so sánh với mô hình Dubai, nhưng nên nhớ Dubai lấn vịnh Ba Tư có tổng diện tích mặt nước khoảng 251.000km2. Vịnh Đà Nẵng quá nhỏ bé, lại là cửa sông của 2 dòng sông lớn nhất Đà Nẵng là sông Hàn và sông Cu Đê. Ý tưởng hút cát tại chỗ để lấn vịnh, chắc chắn sẽ gây sạt lở các cửa sông, sạt lở dọc bãi biển Đà Nẵng. Nếu chịu khó nhìn vào Singapore, người ta lấn biển bằng cát của thiên hạ, trở thành nước nhập khẩu cát lớn nhất thế giới. Ở mình mới lấn chút vịnh chỗ “vầng trăng khuyết” thì bờ biển Cửa Đại đã sạt lở không cứu vãn được”.

Một dự án đã triển khai khu vực cửa biển Đà Nẵng.

Cùng chung quan điểm phải thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng việc lấn vịnh Đà Nẵng, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho biết, trước đây ông từng có ý tưởng làm thủy cung trong vịnh Đà Nẵng rồi dẫn khách ra tham quan, tạo điểm nhấn cho du lịch. Tuy vậy việc lấn vịnh để làm khu đô thị thì phải cân nhắc kỹ. Bởi lẽ, việc này liên quan đến dòng chảy, hạ tầng. Theo ông Thiên, vịnh Đà Nẵng như một vòng cung, dòng hải lưu phức tạp, nếu tính toán không kỹ sẽ thay đổi dòng hải lưu, tác động tiêu cực tới môi trường. Ngoài ra, ông Thiên cũng cho rằng, vịnh Đà Nẵng là đường lên xuống của máy bay, nếu xây dựng nhà cao tầng trên đảo nhân tạo sẽ tác động tới tầm nhìn.

Trong quy hoạch không gian đô thị Đà Nẵng, theo KTS Ngô Viết Nam Sơn phải đảm bảo được đặc trưng hiếm có là “sông-núi-biển”. Đà Nẵng là một số ít TP trên thế giới được thiên nhiên ưu ái có vịnh vòng cung rất đẹp, vì thế cần bảo vệ vẻ đẹp đặc trưng này. Nếu làm đô thị lấn biển, sẽ làm mất đi vẻ đẹp thiên nhiên vốn có của vịnh Đà Nẵng. TS Trần Du Lịch, chủ trì nhóm chuyên gia lập quy hoạch Đà Nẵng tới năm 2030, tầm nhìn 2045 cho biết, việc lấn biển nếu làm như Dubai thì cần phải nghiên cứu rất kỹ, đặc biệt là các tác động đến môi trường.

HẢI QUỲNH