"Thần y chữa bệnh xương"

Thứ hai, 02/03/2009 00:00

(Cadn.com.vn) - Người ta biết đến ông với đôi bàn tay “thần kỳ” hàn gắn xương, khớp bằng cách sờ, nắn, bóp... mà không dùng dao kéo. Ông là Nguyễn Sỹ Nghị, ở xã Nga Lộc, H. Can Lộc (Hà Tĩnh), được Nhà nước phong tặng Huân chương Lao động vì nhiều năm liền có thành tích xuất sắc trong hoạt động nhân đạo.

Không dùng dao, kéo

Từ TP Hà Tĩnh hướng theo QL15A, chúng tôi tìm về nhà ông Nghị ở xóm Thường Nga, xã Nga Lộc, H. Can Lộc, Hà Tĩnh. Nơi đây có hàng chục bệnh nhân đang chờ chữa bệnh. Người chống nạng gỗ, người đeo băng nẹp, người ngồi trên xe lăn xếp thành hàng từ ngoài sân vào tới trong nhà. Ông Nghị ngồi trong nhà, dáng người nhỏ nhắn, 2 bàn tay chìa ra ấn vào chỗ đau sưng tấy của bệnh nhân. Ông gọi người nhà bệnh nhân vào dặn dò rồi bảo đưa người bệnh về điều trị vài ngày là khỏi. Rồi ông gọi người kế tiếp... Đôi tay thô kệch của ông vừa xoa nhẹ vào chỗ sưng tấy của bệnh nhân, ông vừa nói: “Người ta chữa được bệnh nan y mới đáng nói chứ tui chỉ làm cho xương người ta cái mô về đúng vị trí của cái đó. Ai gãy tay, gãy chân thì làm cho nó nhanh khỏi hơn thôi, chứ có gì đặc biệt lắm mô”, “Chân cô vô đúng vị trí rồi đấy, về uống xong mấy thang thuốc đó là đi lại được...”.

Đến bây giờ, ông Nghị cũng chẳng nhớ nổi mình đã cứu bao nhiêu người thoát khỏi cảnh ngồi xe lăn, chống nạng. Có ngày, ông phải làm việc từ sáng đến tận khuya do đông bệnh nhân, cả người  nước ngoài như Lào, Thái Lan, Trung Quốc... cũng đến nhờ ông chữa trị, lấy thuốc. Bệnh nhân đến nhờ ông chữa trị có đủ kiểu, từ trật khớp, dập xương, bong gân, gãy tay đến bị vẹo sườn. Phương thuốc chữa duy nhất của ông là sờ, nắn, bóp... và uống vài thang thuốc bằng lá cây chứ không hề dùng đến dao, kéo...

Ông Nguyễn Sỹ Nghị nắn lại xương khớp cho một bệnh nhân. Ảnh: V.T 

“Thần y” của bệnh nhân nghèo

Ông Nguyễn Sỹ Nghị còn được coi là “thần y” của bệnh nhân nghèo. Ông đã từng chữa trị cho hàng chục nghìn người từ khắp mọi nơi nhưng khoản tiền công chỉ dăm ba chục nghìn đồng. Tất cả ca tai nạn do Hội Chữ thập đỏ giới thiệu đến và những bệnh nhân nghèo đều được ông chữa miễn phí. Không thể thống kê được từ lúc bước vào nghề ông đã chữa khỏi cho bao nhiêu người mà không lấy tiền, ông nói: “Gia đình tôi theo nghề thuốc gia truyền chuyên trị các bệnh liên quan đến xương từ 5 đời nay, chính vì gia truyền nên trong cách chữa trị có nhiều “bí quyết” mà chỉ những “truyền nhân” trong gia đình mới có được. Làm nghề thuốc trước hết là để cứu người chứ không phải vì tiền, huống chi trong số những người bệnh có nhiều người nghèo rất đáng thương”.

Một lần, ông chữa cho một cháu bé bị ngã gãy chân. Người bà của cháu không biết lấy gì để trả công cho ông, vì bà chỉ mang theo một bị khoai và một ít gạo. Chần chừ mãi, bà cụ mới nói rõ hoàn cảnh của mình, cả hai bà cháu làm nghề ăn xin. Nghe nói vậy, ông Nghị rưng rưng nước mắt, mời 2 bà cháu vào nhà nghỉ ngơi và chữa khỏi  chân cho cháu bé. Từ đó, 2 chữ “người nghèo” làm ông trăn trở nhiều đêm, rồi ông tự định ra cho mình một tôn chỉ làm việc: hễ bệnh nhân nào đến chữa bệnh mà hoàn cảnh thật sự nghèo túng, ông miễn luôn tiền công, chỉ lấy một thang thuốc giá 3.000 đồng gọi là công lên rừng hái thuốc.

Giờ đây, ở tuổi 61, ông Nghị vẫn cần mẫn nắn xương bốc thuốc cho mọi người. Căn nhà 3 gian bằng gỗ rộng lớn, một gian ông để khám bệnh, còn lại chất đầy lá khô. Ông tự tin: “Trừ trường hợp gãy xương chảy máu trong thì phải đến bệnh viện, còn xương bị gãy không chảy máu thì dùng thuốc của nhà tôi mấy hôm sẽ hết đau nhức, vài tuần sau là lành xương ngay, kể cả bệnh thoái hóa sống lưng. Thuốc lá nhà tui trị bệnh sống lưng hiệu nghiệm lắm”.

Hơn 43 năm gắn bó với nghề thuốc Đông y, ông Nguyễn Sỹ Nghị được mọi người khắp nơi biết đến với cái tên “thần y chữa bệnh xương”. Ông là hội viên của Hội Đông y Việt Nam. Với ông, chữa bệnh bằng Đông y cũng cần tuân theo khoa học. Nhiều năm liền ông được Hội Chữ thập đỏ huyện, tỉnh, T.Ư tặng giấy khen, bằng khen. Năm 2000, ông vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Nhà nước trao tặng bởi nhiều năm có thành tích xuất sắc trong hoạt động nhân đạo.

Văn Tuân