Thần y Rasputin -Kẻ triệt hạ Hoàng gia Nga
(Cadn.com.vn) - Trong danh sách 10 lời nguyền chết chóc nhất lịch sử mà tạp chí Khoa học đời sống (LS) của Mỹ vừa công bố đầu tháng 10, người ta bỗng rùng mình khi nghĩ đến lời nguyền của một tu sĩ thần lực (xếp thứ 3) khiến toàn bộ Hoàng gia Nga Romanov cuối thế kỷ XIX bị diệt vong. Tuy nhiên, thần y này sau đó cũng hứng chịu một kết cục bi thảm.
Theo sử sách còn ghi, Hoàng gia Romanov là dòng họ quyền quý cai trị nước Nga trong vòng 2 thế kỷ. Cũng dưới sự cai trị của gia tộc này, nước Nga liên tục rơi vào tình trạng chiến tranh, đói nghèo và khổ cực, chỉ đến khi cách mạng tháng 10 Nga bùng nổ thì chế độ phong kiến mới chấm dứt.
Sa hoàng cuối cùng của gia tộc Romanov là Nicholas II sụp đổ, chấm dứt hai thế kỷ tồn vong. Sự diệt vong của gia tộc Romanov chứa đựng nhiều bí ẩn, trong đó có lời nguyền đẫm máu bởi một vị thần y có tên là Grigori Rasputin.
Rasputin là ai?
Grigori Rasputin (1869-1915) là nông dân nghèo ở Siberia, tự phong là tu sĩ với thần lực của thượng đế, đặc biệt là khả năng chữa lành bệnh.
Với tài năng trời phú được người đời tôn vinh là thần y nhưng cũng là người mắc nhiều tật xấu như lạm dụng trinh nữ, nghiện rượu, ăn cắp vặt. Thậm chí năm 18 tuổi, thần y còn đi theo một tà giáo lấy thác loạn tình dục làm tôn chỉ hoạt động. Năm 1901, Rasputin hành hương sang Hy Lạp và Jerusalem trước khi trở về St. Perterburg hành nghề y.
Một trong những công lao lớn nhất của Rasputin đối với Hoàng gia Nga là chữa khỏi bệnh cho Hoàng tử Aleksey, người bị mắc bệnh loãng máu mà các thái y của Hoàng gia Nga lúc đó đều bó tay. Sau khi "vái tứ phương", Hoàng gia Nga đành bó tay, duy chỉ có Hoàng hậu là kiên trì, bà nhờ bạn mình là Anna Vyrubova mời Rasputin đến để cứu chữa.
Mỗi khi Hoàng tử Aleksey bị chảy máu ông lại được vời vào cung và... cầu nguyện, cứ mỗi lần như vậy sức khỏe của hoàng tử lại tốt lên. Giải thích về cách chữa bệnh này của Rasputin, nhiều người cho rằng rất có thể khi cầu nguyện Rasputin khéo léo dùng thuật thôi miên hoặc chỉ dùng đến thủ thuật trấn an giống như liệu pháp "giả dược" của y học hiện đại nên người trong cuộc không thấy lo nên bệnh tình tự nó thuyên giảm.
Cũng có giả thiết cho rằng, Rasputin còn dùng đến liệu pháp đỉa hút máu vì trong tiết dịch của đỉa có chứa chất làm đông máu. Đặc biệt ông không cho Aleksey dùng các loại thuốc mà các thái y Nga hồi đó vẫn dùng vì nó có chứa aspirin, chất chống đau nhưng lại làm cho máu loãng ra.
Diệt vong vì lời nguyền độc địa
Sau khi trị được bệnh cho Hoàng tử Aleksey, tiếng tăm Rasputin nổi lên như cồn và cũng từ đây Sa Hoàng Nicholas II ngày càng tin tưởng Rasputin hơn, thậm chí Rasputin còn trở thành cố vấn quan trọng của Hoàng gia.
Tuy nhiên, cái gì cũng có giới hạn của nó nên có những khuyến cáo của Rasputin bị bỏ ngoài tai. Nghiêm trọng hơn, Rasputin còn lạm dụng sang cả lĩnh vực chính trị. Sự có mặt của Rasputin trong hoàng cung gây đảo lộn nhiều lĩnh vực.
Ví dụ, Rasputin từng khuyên Sa hoàng làm hòa với Đức trong thời gian diễn ra Thế Chiến I (1914-1918) nhưng Sa hoàng bác bỏ. Sự kiện trên được dư luận đánh giá Rasputin phản bội nước Nga, đứng về phe với Hoàng hậu vi bà là người Đức để làm gián điệp cho Đức.
Đã có lúc Rasputin xin ra trận để ban phước cho binh lính Nga, nhưng Tổng tư lệnh Nga lúc đó, Bá tước Nikolai không cho phép. Rasputin lớn tiếng cho rằng, ông ta được thượng đế cho biết quân đội Nga chỉ chiến thắng một khi chính Sa hoàng cầm quân. Tuy nhiên, thực tế lại trái ngược.
Lúc đó, Sa hoàng đang gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn miễn cưỡng ra trận và cuối cùng nước Nga bại trận. Trong khi Sa hoàng ra trận, chính Rasputin lật mặt, cùng Hoàng hậu làm những chuyện tày đình, gây rối loạn hoàng cung, đặc biệt là thay đổi những người tài và làm hậu thuẫn cho người Đức.
Sau khi Sa hoàng về, ông quyết định trục xuất Rasputin. Sau đó, Rasputin cảnh báo bằng lời nguyền, rằng nếu ông ta bị giới quý tộc ám sát, Hoàng gia Nga sớm muộn sẽ bị diệt vong và chế độ quân chủ sẽ tàn lụi vào năm sau. Trong thư có đoạn viết: "Huynh đệ tương tàn, nước Nga sẽ chìm trong khủng hoảng trong vòng 1/4 thế kỷ". Đúng như tiên đoán, chế độ quân chủ Nga bị diệt vong sau khi Cách mạng tháng 10 Nga nổ ra năm 1917.
Rasputin thời hoàng kim (trên) và sau khi bị sát hại. |
Kết cục thảm hại của Rasputin
Theo sử sách còn ghi, những cuộc mai phục sát hại Rasputin còn ly kỳ và ma mị hơn chính cuộc đời lập dị của y.
Rasputin bị tấn công nhiều lần, lần đầu tiên vào tháng 6-1914. Rasputin bị một phụ nữ làm nghề mại dâm Khionia Guseva dùng dao đâm vào bụng vì Rasputin đã gây cho phụ nữ, trong đó có Khionia Guseva bao nỗi oan ức đọa đày. Tuy nhiên do mũi dao chưa sâu nên Rasputin thoát chết nhưng cũng từ đây sức khỏe Rasputin giảm dần, phải nhờ đến thuốc giảm đau, đặc biệt là á phiện.
Lần thứ hai diễn ra vào ngày 16-12-1916, Rasputin bị Felix Yusupov và Dmitri Pavlovich dụ vào Cung điện Moika để sát hại bằng thuốc độc cyanua. Cũng theo sử sách, mức độ cyanua có thể giết chết 5 người lớn nhưng sau khi ăn xong Rasputin lại vô sự. Felix Yusupov tiếp tục dùng súng bắn vào lưng Yusupov. Tưởng Rasputin đã chết, Yusupov vội chạy ra ngoài nhưng sau đó trở lại thì bất thình lình Rasputin ngồi bật dậy ôm chầm và toan bóp cổ Yusupov.
Tức thì, Yusupov bắn tiếp 3 phát làm cho Rasputin gục hẳn và tiếp tục tra tấn bằng gậy. Ba ngày sau, thi thể Rasputin được vớt lên và được loan tin bị chết đuối. Thương tình, Hoàng hậu Nga cho đem chôn cất trong nghĩa trang Hoàng gia nhưng nghe nói sau Cách mạng Tháng Hai, Rasputin bị nhóm người quá khích đào lên đốt xác.
Kim Hùng
(Theo WP/LS)