Thanh âm tháng tư...

Thứ năm, 30/04/2020 23:03

Đại thắng mùa xuân 1975 , Bắc -Nam sum họp, non sông liền một dải cách đây 45 năm. Ký ức lịch sử đó vẫn còn vang vọng mãi đến hôm nay, khi nghe lại những bài ca đi cùng năm tháng...

Nhạc sĩ Phạm Tuyên- tác giả ca khúc "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng".

Cách đây 45 năm, ngày 30- 4-1975 là ngày ghi dấu ấn trong lịch sử Việt Nam, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Thời khắc hào hùng thiêng liêng ấy, đã có nhiều ca khúc cách mạng ra đời. Đại thắng mùa xuân 1975 đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi, vẻ vang nhất, mở ra một giai đoạn mới tương lai rạng rỡ của đất nước. Sự kiện này là nguồn cảm hứng lớn lao, khơi nguồn sáng tạo cho các nhạc sĩ sáng tác nên những tác phẩm âm nhạc tuyệt vời. đi vào lòng công chúng đến hôm nay. "Tiếng hát từ thành phố mang tên Người" (Cao Việt Bách), "Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh" (Xuân Hồng), "Đất nước trọn niềm vui" (Hoàng Hà), "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng" (Phạm Tuyên)... là những ca khúc đã sống mãi trong trái tim hàng triệu người dân Việt Nam...

Những giai điệu bay bổng, trào dâng cảm xúc với niềm tự hào "ngày vui đại thắng", các ca khúc này đều thể hiện sinh động nỗi niềm cảm xúc của người dân khi được đón nhận mùa xuân độc lập trong niềm vui đại thắng. Những ca từ, hình ảnh vừa dễ hiểu, dễ đồng cảm đã trở nên rất quen thuộc với người dân Sài Gòn nói riêng và cả nước nói chung trong thời khắc thiêng liêng ấy. Các tác giả đã là "người thư ký trung thành" phản ánh sự kiện lịch sử, mở hội toàn thắng, không khí vui mừng hân hoan của đồng bào cả nước. Đồng thời, các nhạc sĩ lồng ghép, kết hợp hình ảnh, sự kiện đồng nhất về một khung thời gian giữa thiên nhiên và lịch sử dân tộc "Ba mươi năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông/ ba mươi năm dân chủ cộng hòa kháng chiến đã thành công" (Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng - Phạm Tuyên).

Ca khúc "Đất nước trọn niềm vui" được dàn dựng trong một chương trình chào mừng Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Sau bao nhiêu năm đất nước Việt Nam bị chia cắt hai miền Nam- Bắc, mùa xuân 1975 trong niềm vui giải phóng không gì tả xiết xen lẫn niềm xúc động đến không kìm được nước mắt, tất cả mọi người như hòa một khối đoàn kết dưới cờ và hoa rực rỡ rợp trời Sài Gòn: "Ngày đi như trong đêm mơ tuổi lớn rồi mà như ngây thơ/ Ôi ta đang đi đi giữa rừng hoa hay ta đi giữa rừng cờ" (Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh- Xuân Hồng". Hình ảnh Sài Gòn- thành phố Hồ Chí Minh tràn ngập bóng cờ bay lộng lẫy trong mùa xuân đại thắng đã khắc họa rõ thêm cảnh hàng ngàn người đổ xuống đường chung một niềm vui phấn khởi vô bờ với nụ cười rạng rỡ. Các ca khúc đều là tiếng lòng, là ước vọng bao nhiêu năm người dân hằng mong ước, dường như ẩn hiện trong đó cả sự cảm động đến khóc òa khi hát vang những khúc ca này "Xa bao nhiêu năm nay đã gặp nhau/ Vui sao nước mắt lại trào"... (Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh).

Đại thắng mùa xuân 1975 như một cuộc hẹn hò lịch sử, trong niềm hân hoan ấy, những khúc ca như vang lên vui tươi, rộn ràng đầy lòng tự hào, tha thiết: "Mùa xuân này về trên quê ta/ Khắp đất trời biển rộng bao la/ Cây xanh tươi ra lá trổ hoa/ Chào mùa xuân về với mọi nhà" (Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh). Ca từ và giai điệu mỗi bài hát đều thể hiện sinh động nỗi niềm cảm xúc của các nhạc sĩ khi được đón nhận mùa xuân trong niềm vui, niềm tự hào của con người và cả dân tộc Việt Nam sau bao năm phải sống trong khói lửa chiến tranh, chia cắt "Hội toàn thắng náo nức đất nước, ta muốn bay lên, say ngắm sông núi hiên ngang, ta muốn reo vang, hát ca muôn đời Việt Nam, Tổ quốc anh hùng" (Đất nước trọn niềm vui - Hoàng Hà). Như vậy, mọi mạch nguồn cảm xúc của các nhạc sĩ đều được dồn nén cả vào bài hát, tạo nên khúc tráng ca "rạng rỡ Việt Nam" vừa hoành tráng xứng tầm lịch sử, vừa gần gũi thân thương và lắng đọng hồn người...

Và điều đặc biệt, những giai điệu tháng tư lịch sử đại thắng mùa xuân 1975 là hiện lên hình ảnh Bác Hồ kính yêu- người Cha già lèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam- trong niềm nhớ thương, ngưỡng vọng sâu sắc. "Từ thành phố này Người đã ra đi, bao năm ước mơ đón Bác trở về. Trong chiến dịch này Bác đã cùng về với những đoàn quân. Bác vẫn đến từng nhà, thăm các cụ già, cầm tay chúng con. Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn..." (Từ thành phố này Người đã ra đi). Trong niềm vui hân hoan của ngày giải phóng, các nhạc sĩ đã thể hiện tình cảm dạt dào, ngợi ca, với giai điệu tự hào, tươi vui "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng/ Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng" (Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng- Phạm Tuyên), hay "Ta nghe như vang tiếng Bác Hồ dậy từ non sông. Rạo rực thay hôm nay Bác vui với hội toàn dân..." (Đất nước trọn niềm vui). Trong niềm xúc động dâng trào, tình cảm nhớ thương Bác đã hóa thành những ươc mơ, khát khao chân thành "Thành phố Hồ Chí Minh ngời ngời rực sáng tương lai, trong mỗi trái tim, trong mỗi ước mơ, trong mỗi cuộc đời ta luôn có Bác" . Hình ảnh Bác là điểm tựa, nguồn cổ vũ, động viên mọi người, mọi nhà "góp sức dựng xây non sông ta đàng hoàng, đất nước mạnh giàu/Thỏa lòng Bác mong/ Nước non này ngàn năm vững bền"... (Tiếng hát từ thành phố mang tên Người - Cao Việt Bách).

Tháng tư lịch sử. Tháng tư với những giai điệu tự hào. Và còn rất nhiều những ca khúc hay và ý nghĩa nữa mang sức sống mãnh liệt, sống mãi với thời gian bởi nó như một cuốn lịch sử bằng âm nhạc ghi lại một thời khắc lịch sử không thể nào quên của dân tộc ngày 30-4- 1975. Đã qua 45 năm mùa xuân, 45 năm giữa những ngày thời bình hôm nay, từ những bài ca với ca từ giản dị, mộc mạc, những giai điệu vui tươi ấy vẫn vang lên thật tự hào và xúc động...

Mãi mãi, những thanh âm tháng tư... 

THẢO NGUYÊN