Thành phố Huế chìm trong biển nước
Nước sông Hương vượt đỉnh lũ năm 2022
Sáng 15-11, nước sông Hương tại Kim Long đã “cán mốc” +4,2 m, cao hơn mức báo động 3 là 0,7 m. Tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp khi dự báo nước sông Hương sẽ lên +4,5m, vượt báo động 3 là 1m, vượt đỉnh lũ năm 2022. Theo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế, lúc 7 giờ 30 phút ngày 15-11, mực nước trên sông Hương đạt 4,19m trên báo động 3 (vượt đỉnh lũ năm 2020); tại sông Bồ dưới báo động 3 0,39m.
Mưa lớn cùng nước từ thượng nguồn đổ về từ đêm 14 đến sáng 15-11 khiến nước lũ lên nhanh, nhiều nơi xuất hiện ngập lụt diện rộng. Mưa lớn từ thượng nguồn Nam Đông buộc các hồ thủy lợi, thủy điện phải điều tiết nước với lưu lượng lớn làm vùng hạ du khu vực TP. Huế và các địa phương bị ngập sâu.
Một số khu vực các tuyến đường như Trường Chinh, Bà Triệu, Lê Quý Đôn nước ngập sâu từ 0,3-0,4m. Đặc biệt, một số địa phương nằm ở phía Đông thành phố nước lên nhanh trong đêm 14 và rạng sáng 15-11, có nơi sâu đến 1m, người dân đã không kịp kê cao đồ đạc và di chuyển xe cộ đến nơi cao ráo tránh lũ. Tại thành phố Huế, các tuyến đường lớn như: Trường Chinh, Phan Chu Trinh, Phan Đình Phùng, Hải Triều, Bến Nghé… bị ngập sâu, nhiều nơi ngập hơn 1m.
Nước lên rất nhanh, người dân phải khẩn trương dọn dẹp, kê cao đồ đạc, chạy lũ xuyên đêm.
Để bảo đảm an toàn, Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên-Huế đã thông báo cho học sinh nghỉ học vào ngày 15-11 để tránh lũ.
Sáng 15-11, trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, Bộ Chỉ huy Quân sự (BCHQS) tỉnh Thừa Thiên-Huế tiếp tục chỉ đạo các đơn vị ra quân sẵn sàng chiến đấu, cứu hộ, cứu nạn và chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, xe máy, tàu xuồng để thực hiện nhiệm vụ. Đại tá Lê Huy Nghĩa, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BCHQS tỉnh cho biết: Từ tối ngày 14 đến sáng 15-11, Bộ CHQS tỉnh đã giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị và thành lập các đoàn kiểm tra nắm tình hình tại các địa phương để có phương án chỉ đạo kịp thời về ứng phó, khắc phục mưa lụt trên địa bàn. BCHQS tỉnh đã chỉ đạo Trung đoàn 6 huy động 100 cán bộ, chiến sĩ; Tiểu đoàn Tăng Thiết giáp 3 huy động 50 cán bộ, chiến sĩ và 3 xe BTR-152, Phòng Hậu cần 3 xe Kamaz, chỉ đạo đội tàu chuẩn bị kỹ phương tiện để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ đạt kết quả cao.
Công an giúp người già, trẻ em, thai phụ tránh lũ
Ngày 15-11, nước lũ trên toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục dâng cao, nhiều tuyến đường ngập sâu, hàng ngàn nhà dân nước ngập từ 0,3 đến 1,7m. Ghi nhận của P.V Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng tại địa bàn thị xã Hương Thủy, nhiều nơi nước ngập sâu, có nơi ngập khoảng 2m. Các địa phương đã và đang vận động, hỗ trợ người dân ở vùng thấp trũng sơ tán người, tài sản đến nơi an toàn. Tính đến 9 giờ 30 sáng 15-11, một số điểm ở thôn 2 và thôn 7 của xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy, có nơi nước ngập sâu khoảng 2m, còn tất cả các tuyến đường trên địa bàn xã ngập từ 1-1,2m và khoảng 800 hộ dân nước vào nhà.
Trong thời điểm này, tuy nước ngập khoảng 2m và chảy xiết, nhưng lực lượng ứng trực của xã Thủy Phù tiếp cận và an toàn đưa thai phụ Nguyễn Thị Phượng (thôn 7) đến Trung tâm Y tế TX Hương Thủy chờ sinh. Một trường hợp tương tự khoảng 9h30 sáng nay, nhà chị Huỳnh Thị Lý (trú tại đường hẻm Phan Chu Trinh, phường An Cựu, TP Huế) nước lũ bủa vây tứ phía từ trong nhà ra đến đường hẻm, có nhiều đoạn nước ngập sâu đến 1,5m. Ngay khi tiếp nhận được thông tin, Công an phường An Cựu đã vượt lũ đến nhà chị Lý để đưa thai phụ này cùng 2 con nhỏ ra khỏi vùng lũ, đến nơi an toàn.
Từ khuya 15-11 đến nay, Công an phường An Cựu đã vượt lũ, ứng cứu 19 trường hợp ra khỏi vùng ngập lụt sâu. Trong đó, có 3 trẻ em, 3 người già neo đơn, 2 phụ nữ mang thai và 11 sinh viên nữ ở ngoại tỉnh đang thuê trọ học tại Huế. Ban chỉ huy Công an phường An Cựu cho biết đã phân công 3 Tổ ứng cứu trực chốt các khu vực thấp trũng để sẵn sàng hỗ trợ di dời, sơ tán, giúp đỡ người dân. Được biết, tại phường An Cựu (nơi QL1A đi qua), đoạn nước ngập sâu nhất là 1,5m tại tuyến đường Phan Châu Trinh và Hải Triều.
Chị Trần Thị M. (ở đường Tuy Lý Vương, phường Vỹ Dạ, TP Huế) đang mang thai cũng vừa được Công an phường Vỹ Dạ và lực lượng bảo vệ dân phố tiếp cận, để sơ tán chị ra khỏi vùng lũ, đến tránh trú tại nơi cao ráo, an toàn.
Chiều 15-11, Công an thị xã Hương Trà (Thừa Thiên- Huế) cho biết, Công an xã Bình Tiến vừa phối hợp với lực lượng tại địa phương giải cứu thành công hai vợ chồng bị sạt lở vùi lấp. Trước đó, vào khoảng 11 giờ 40 ngày 15-11, do mưa lớn kéo dài, tại ngôi nhà của gia đình ông Trần Đình Minh (1972, trú thôn Đồng Hòa, xã Bình Tiến) xảy ra vụ sạt lở đất do mưa lớn. Vụ sạt lở khiến ngôi nhà ở của gia đình ông Minh bị hư hại nghiêm trọng, lượng lớn đất đá tràn vào nhà.
Tại thời điểm sạt lở, ông Minh và vợ là bà Nguyễn Thị Thủy Tiến (1978) vẫn còn đang ở trong nhà. Do không chạy thoát kịp ra ngoài nên vợ chồng ông Minh bị đất đá vùi lấp. Nhận được tin báo, Công an xã Bình Tiến đã nhanh chóng tham mưu Đảng ủy, UBND xã huy động lực lượng và tham gia cùng nhân dân đến ứng cứu vợ chồng ông Minh. Đến khoảng 12 giờ 15 cùng ngày, lực lượng chức năng đã giải cứu thành công vợ chồng ông Minh, bảo đảm an toàn tính mạng cho vợ chồng ông này.
Ghi nhận của phóng viên, từ rạng sáng đến trưa nay, rất nhiều người già neo đơn, trẻ em, phụ nữ mang thai… đã được Công an các xã, phường trên toàn tỉnh kịp thời sơ tán đến nơi an toàn.
Hầu Tỷ
Nỗ lực tìm kiếm người mất tích Từ rạng sáng 15-11, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn, nước các sông dâng cao, nhiều nơi lũ lên trở lại và ngập sâu diện rộng. Trong diễn biến thời tiết phức tạp này, công tác tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn 3 trường hợp mất tích trong mưa lũ đã trải qua nhiều khó khăn. Các lực lượng Công an, quân đội, chính quyền và nhân dân địa phương phải dầm mưa, xuyên đêm, đội rét, bám hiện trường, duy trì hoạt động tìm kiếm. Đến đầu giờ chiều 15-11, thi thể anh Lê Đức Hùng (1987, trú xã Vĩnh Thủy, H.Vĩnh Linh) đã được tìm thấy tại khu vực đập La Ngà (xã Vĩnh Thủy). Trước đó, vào đêm 13-11, anh Hùng đi đánh cá ở đập La Ngà và mất tích, nghi bị lật thuyền khi mưa lớn, nước dâng. Trong khi đó, tại suối Nguồn Rào (xã Hướng Sơn, H.Hướng Hóa), nước lũ rất mạnh, nguy cơ sạt lở ở địa bàn vùng núi này rất cao đã khiến công tác tìm kiếm anh Hồ Xa Lăng và vợ là chị Hồ Thị Viên (đều sinh năm 1985, trú thôn Hồ, xã Hướng Sơn) mất tích trong đêm 13-11 nhiều lúc phải gián đoạn. Lực lượng tìm kiếm đã mở rộng phạm vi xuống hạ nguồn suối Nguồn Rào. Công an huyện Hướng Hóa cũng đã điều ca nô để tìm kiếm ở thượng lưu đập thủy điện. Hầu như mọi gia đình thôn Hồ đều có người tham gia tìm kiếm đôi vợ chồng gặp nạn. Ghi nhận tại địa bàn các xã Hải Lâm, Hải Phong, Hải Định, Hải Sơn (huyện Hải Lăng), lực lượng CAX đã không quản ngại nguy hiểm, cùng với bà con tất bật di chuyển tài sản, phương tiện đến khu vực cao ráo, hạn chế thiệt hại thấp nhất. Câu chuyện về tương trợ gia đình anh Nguyễn Văn Triều (khu phố 8, TT Cam Lộ, H.Cam Lộ) đã sáng lên giữa muôn vàn khó khăn nơi vùng ngập lũ này. Gia đình anh Triều có hơn 50 con bò giống bị cuốn trôi ra sông Hiếu. Cả khu phố đều “lăn xả” trong mưa lũ tìm kiếm giúp gia đình anh. Trong một ngày, gia đình anh Triều đã tìm được hơn nửa đàn bò bị cuốn trôi. Cũng tại địa bàn H.Cam Lộ, nơi chịu nặng nề thiệt hại do lũ đêm 13 rạng sáng 14-11, hàng trăm CBCS thuộc Trung đoàn 19, Sư đoàn 968 vẫn đang bám trụ với bà con để xử lý khối lượng lớn bùn đất ngập nhà, đường và trường học. BẢO HÀ |
Lũ trên các sông Vu Gia, Thu Bồn bắt đầu rút Tại Quảng Nam, đến ngày 15-11, lũ trên các sông Vu Gia, Thu Bồn bắt đầu rút. Nước rút để lại nhiều bùn non trên các tuyến phố tại TP Hội An. Tranh thủ thời tiết tạnh ráo, người dân phố cổ hối hả dọn dẹp vệ sinh sau lũ. Đến chiều 15-11, mực nước lũ chỉ còn bủa vây chủ yếu ở tuyến đường Bạch Đằng cùng nhiều đoạn ngắn của một số tuyến phố Nguyễn Hoàng, Hoàng Văn Thụ, Lê Lợi và Nguyễn Phúc Chu. Lũ rút để lại lớp bùn non dày cộm, nhão nhoẹt, phủ khắp các tuyến đường khiến nhiều cơ sở kinh doanh ăn uống, quầy lưu niệm trong phố cổ chưa thể nối lại hoạt động. Do đó, lũ rút đến đâu, người dân trong khu phố cổ lại xắn quần, chung tay dọn bùn non, rác thải đến đó. Trên tuyến phố Nguyễn Hoàng - nơi diễn ra hoạt động chợ đêm, từ trưa 15-11, bà con tiểu thương đã khẩn trương dội sạch bùn non, dọn rác để kịp mở lại hoạt động buôn bán, phục vụ du khách. Bà Kiều Thị Ngọc, trú khối An Hội, phường Minh An, TP Hội An tiểu thương kinh doanh ở chợ đêm Nguyễn Hoàng - cho biết: “Tôi và mọi người tranh thủ nước rút tới đoạn nào thì dọn sạch đoạn đó. Hy vọng tối nay (15-11), nước sẽ rút hết xuống sông Hoài để bà con mở lại hàng quán buôn bán”. Hàng chục công nhân của Công ty CP Công trình Công cộng Hội An cũng đã ra quân để chung tay, dọn dẹp vệ sinh đường phố nhằm sớm nối lại hoạt động tham quan của du khách tại khu vực phố cổ này. Còn tại rốn lũ huyện Đại Lộc, tranh thủ nước lũ rút, người dân cũng tất bật dọn dẹp nhà cửa, đường sá. Tuy nhiên, người dân cũng lo sợ mưa trở lại, nước sông sẽ dâng cao trở lại, nên đồ đạc vẫn còn để trên vị trí cao, chưa dám đưa xuống. “Đến sáng 15-11, nước sông Vu Gia đang rút xuống, chúng tôi tranh thủ dọn dẹp vệ sinh nhà cửa. Thế nhưng nghe đài thông báo thời tiết những ngày tới trời tiếp tục mưa, nước sông sẽ dâng cao gây ngập úng trở lại nên đồ đạc vẫn còn để trên cao”- ông Hồ Liêu (trú xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc) cho biết. TRẦN TÂN |