Thanh Tịnh-từ thơ đến văn xuôi

Thứ hai, 10/09/2018 08:52

Thanh Tịnh tên thật là Trần Văn Ninh, quê làng Dương Nổ, TT-Huế. Ông là nhà văn, nhà thơ nổi tiếng ở nửa cuối những năm 30 của thế kỷ XX. Cùng với phong trào Thơ mới, ông là một trong những nhà thơ được chú ý từ rất sớm trên văn đàn. Theo giáo sư Phong Lê thì "Có thể xếp Thanh Tịnh vào dàn đồng ca Thơ mới trước năm 1945 cùng vị trí với Vũ Đình Liên, Nguyễn Nhược Pháp, Yến Lan, Huy Thông". Năm 1936, Thanh Tịnh đoạt giải nhất về thơ với bài "Rồi một hôm". Đánh giá về thơ của Thanh Tịnh, nhà lý luận phê bình Lưu Khánh Thơ cho rằng: "Những câu thơ lãng mạn, mang phong vị ngậm ngùi buồn man mác đã làm xao xuyến trái tim bao người đọc ngay từ khi mới ra đời. Thơ Thanh Tịnh nhẹ nhàng, êm ái giống như văn ông, và sự đặc sắc của nó nằm ở những lời, những ý đậm đà hương sắc, cảnh vật của làng quê Việt Nam".

 

Nhìn nhận chặng đường đến với thi ca của Thanh Tịnh, nhà phê bình Lưu Khánh Thơ nhận định: "Thơ Thanh Tịnh có nhiều câu gần gũi với âm hưởng ca dao. Thế mạnh đó của ông ngày càng được phát huy. Sau này có rất nhiều câu thơ của Thanh Tịnh được lan truyền trong nhân dân với tư cách là những câu ca dao... Thanh Tịnh làm thơ không nhiều, nếu so với các "chủ tướng" của phong trào Thơ mới như Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử... Nhưng với những bài thơ đã có, ông cũng đã được người đời biết đến với danh hiệu nhà thơ, đã được ghi nhận như là một trong những gương mặt đã góp phần tạo nên "một thời đại mới trong thi ca" - thời kỳ Thơ mới".

Có lẽ trong nhiều người Việt Nam đã quá quen thuộc với cái tên Thanh Tịnh trong tác phẩm được in trong sách giáo khoa "Tôi đi học". Đây là một tác phẩm văn xuôi được nhiều thế hệ học trò thuộc làu mà không phải thơ. Và chỉ với "Tôi đi học" các thế hệ học trò nhớ đến Thanh Tịnh là một nhà văn hơn là một nhà thơ. "Tôi đi học" được rút từ tập truyện "Quê mẹ" với những câu văn thật tinh tế: "Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường", nó dễ dàng đánh thức cảm xúc, ký ức của độc giả. Sau "Quê mẹ", là các tập: "Ngậm ngải tìm trầm", "Xuân và Sinh", Thanh Tịnh đã làm nên một dòng Văn xuôi trữ tình đặc sắc mà Thạch Lam là trụ cột. Đồng hương Huế với Thanh Tịnh, nhà văn Trần Phương Trà kể lại: "Những tác phẩm ấy đã mang lại cho tôi những rung động đầu tiên về những người nghèo khổ, những người lam lũ ở quê hương tôi bên cạnh một con tàu, một ga xép xe lửa, một dòng sông hay một làng Mỹ Lý do tác giả dựng lên". Làng Mỹ Lý ở miền Trung chứa đựng nhiều thân phận. "Chỉ một tên làng Mỹ Lý mà đủ để đại diện cho cả một dải đất miền Trung, không riêng xứ Huế, có sông nước, có bến đò, có chợ búa, và một nhà ga chơ vơ giữa cánh đồng... để cùng với làng Đông Xá và làng Vũ Đại của Ngô Tất Tố, Nam Cao trên đất Bắc mà làm nên một biểu trưng, một cái tên chung cho quê Việt, cho hồn Việt" (Phong Lê).

Văn xuôi của Thanh Tịnh đậm chất trữ tình, khiến cho người đọc bùi ngùi, nhiều xốn xang, mang đậm chất thơ. Điều thú vị là ở nhiều bài thơ của Thanh Tịnh lại có nhiều chất văn xuôi, chứa đựng một câu chuyện - thơ kể chuyện. Ví dụ "Trường học làng tôi ở cạnh đình/ Một trường ba lớp vẻ xinh xinh/ Trước trường có mấy cây đào lớn/ Thường quyến lòng tôi những cảm tình" hay: "Rồi một hôm, nếu về, cha hỏi/ Mẹ ở đâu? con biết nói sao?/ Con hãy bảo: trông cha mòn mỏi/ Mẹ từ trần sau mấy tháng đau..." và "Còn khổ gì hơn lúc xế chiều/ Em không trông thấy bóng người yêu/ Mơ màng em đợi tình quân gọi/ Khắc khoải bên đường tiếng dế kêu". Không biết đây có phải là những bài thơ "chuyển giao" để Thanh Tịnh bừng sáng ở thể loại văn xuôi. Nếu như trong thơ của Thanh Tịnh có chất văn xuôi thì ngược lại, trong văn xuôi của Thanh Tịnh lại đậm chất thơ. Sinh thời, Thạch Lam đã nhận xét về Thanh Tịnh: "Truyện ngắn nào hay đều có chất thơ và bài thơ nào hay đều có cốt truyện". Cái lôi cuốn và khiến độc giả chú ý ở văn xuôi Thanh Tịnh không phải cốt truyện mà là không khí truyện, mang âm hưởng buồn buồn, lưu luyến, những xao động bất chợt, những mơ hồ thoáng qua. Thông qua văn xuôi của Thanh Tịnh độc giả hình dung ra một không gian để làm nơi trú ngụ của cảm xúc.

Đánh giá về cuộc đời Thanh Tịnh, không chỉ là một người đa tài với thơ và văn xuôi, sân khấu, mà ông còn được biết đến là người làm báo, có nhiều câu đối hay, thích sưu tầm đồ cổ, hóm hỉnh vui tính...

K.N