Thanh tra và kiểm toán

Thứ ba, 13/12/2022 08:45
Thanh tra nhà nước có chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng ngừa, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật.

Kiểm toán là một hoạt động kiểm tra đặc biệt nhằm xác minh tính trung thực và hợp lý của các tài liệu, số liệu kế toán, báo cáo tài chính của các tổ chức, cơ quan đơn vị, doanh nghiệp, bảo đảm việc tuân thủ các chuẩn mực và các quy định hiện hành. Kiểm toán nhà nước là đơn vị kiểm toán của nhà nước, thực hiện công tác kiểm tra sự minh bạch, đúng đắn trong hoạt động kế toán ở các doanh nghiệp nhà nước, các công ty doanh nghiệp có vốn của nhà nước...

Không thể phủ nhận trong chế độ ta, công tác thanh tra (TT) và kiểm toán (KT) có vai trò quan trọng trong việc góp phần xây dựng một bộ máy nhà nước trong sạch và vững mạnh. Những người làm công tác TT còn được ví như là những “chiến sỹ tiên phong” trên trận tuyến phòng chống tham nhũng. Người làm KT, trước hết phải có tính độc lập, không phụ thuộc vào bất cứ đơn vị được KT và nguồn số liệu nào, có như vậy mới có thể đưa ra được ý kiến trung thực, khách quan về những tài liệu được KT.

Trước đây, 2 lĩnh vực công tác này có thể được xem như rất ít có “tỳ vết” gì gọi là nổi cộm khiến dư luận phải đem ra “mổ xẻ”. Dưới con mắt của không ít người, đây là cơ quan làm việc nghiêm túc, tham gia phát hiện, xử lý nhiều vụ việc, thu hồi cho nhà nước những khoản tiền không nhỏ v.v…Có lẽ chỉ đến khi xảy ra vụ một số vị lãnh đạo thuộc TT nhà nước bị đình chỉ, cách chức, phê bình từ cấp trưởng đến phó và năm 2010 là vụ 4 kiểm toán viên của Kiểm toán Nhà nước bị Công an bắt vì vi phạm pháp luật, nhận hối lộ trong khi làm nhiệm vụ kiểm toán một số công trình có vốn Trái phiếu chính phủ ở Quảng Ngãi, đã làm cho dư luận ngày càng quan tâm đến lĩnh vực này.

TT và KT-với một nhiệm vụ có thể ví như là “người gác cổng” của nhà nước- thế nên, nếu người làm TT, KT mà không nghiêm, lập trường không vững, không giữ được mình trước các cám dỗ của những đối tượng bị thanh tra thì quả là thật nguy hiểm. Thông thường, chỉ những ai có sai phạm, làm sai nguyên tắc, thu chi không minh bạch v.v… mới “ngại” TT hoặc KT đến “thăm hỏi”. Để đối phó, không ít người đã tìm cách để hạn chế việc bị TT-KT chặt chẽ, thời gian kéo dài… Nhẹ thì mời ăn nhậu, đậm hơn là phong bì, quà cáp. Cơ quan “có vấn đề” lo đã đành nhưng cơ quan sai phạm không đáng kể, hoặc không có vấn đề gì, nhưng đôi khi, vì muốn cho xong chuyện, cũng chi ra một khoản nào đó để “bồi dưỡng” cho cán bộ TT, KT. TT - KT có thể là định kỳ hay đột xuất, hoặc TT khi có khiếu nại, tố cáo và đa số là có thông báo trước, có lịch cụ thể. Chính vì vậy mà cơ quan được (bị) TT hoặc KT có thời gian để đối phó hay còn gọi là “chuẩn bị đón tiếp”. Thực tế, không phải là cá biệt khi người đi thực hiện TT hay KT không tự túc chuyện ăn uống, mà do bên bị TT, KT lo hết. Cũng có trường hợp, cán bộ TT, KT khi thấy đối tượng có vấn đề, có thể “khai thác” được đã gợi ý để được bồi dưỡng, bia bọt cho "hoành tráng". Thậm chí, có người còn gợi ý để được chi cho từng lít xăng, từng cái card điện thoại…

Rõ ràng, khi người làm TT – KT không làm hết trách nhiệm của mình một cách đúng nghĩa, thì sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường, nhà nước bị thất thoát ngân sách, sai phạm của cá nhân, tập thể được bao che, bưng bít hoặc giảm bớt tội…Từ đó sẽ làm xấu đi hình ảnh của những người làm công tác, đòi hỏi phải nghiêm minh chính trực này. Và từ vài “con sâu nhỏ” trong “nồi canh” nhỏ (cấp cơ sở) sẽ làm hỏng cả “nồi canh lớn” (cấp cao hơn). Nếu coi chuyện một số cán bộ của thanh tra trung ương, KT Nhà nước nhận hối lộ, quà biếu là chuyện tày đình thì những chuyện ở cấp thấp hơn như đã nêu trên, trong những năm qua có nơi có lúc vẫn bắt gặp cũng không thể xem là chuyện nhỏ, cần phải được ngăn chặn.

Mới đây Thanh tra Chính phủ đã ban hành theo Điều 3 về Quy chế tổ chức và hoạt động Đoàn thanh tra của Thanh tra Chính phủ đã nêu rõ: “Đoàn thanh tra không được nhận tiền, quà, tài sản; tổ chức, tham gia giao lưu, ăn uống với đối tượng thanh tra dưới mọi hình thức. Thực hiện nghiêm quy định này thì hy vọng công tác thanh tra sẽ khách quan, công tâm hơn, các sai phạm tiêu cực sẽ được đánh giá kết luận chính xác để qua đó, có hướng xử lý phù hợp theo quy định của pháp luật hiện hành.

Thanh tra, kiểm toán là để chấn chỉnh, phát hiện, ngăn chặn sai phạm, những người thực hiện 2 công tác này đều phải có uy tín, tạo được niềm tin cho doanh nghiệp, cơ quan nhà nước và nhân dân. Rà soát lại đội ngũ làm công tác TT- KT, để từ đó loại bỏ những cán bộ không đủ phẩm chất, năng lực làm những công tác này là một vấn đề cần được thực hiện nghiêm túc và liên tục.Có như vậy kỷ cương phép nước mới nghiêm, TT và KT mới thực sự đi vào chiều sâu, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng một nhà nước trong sạch vững mạnh.

DÂN HÙNG