Tháo gỡ những "nút thắt" để phát triển các nguồn năng lượng sạch
Ngày 18-6, Báo Công Thương phối hợp với Cục điện lực và năng lượng tái tạo tổ chức Diễn đàn Năng lượng Việt Nam 2020 với chủ đề “Phát triển năng lượng sạch: Xu thế và thách thức”. Đây là chủ đề rất được quan tâm trong bối cảnh an ninh năng lượng đang đặt ra nhiều thách thức.
Báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy những tháng đầu năm 2020, dù tình hình dịch bệnh ảnh hưởng đến sản xuất nhưng nhu cầu phụ tải vẫn tăng trên 7%, thậm chí một số vùng tăng trưởng trên 11%. Dự kiến, năm 2020 vẫn cơ bản có thể đảm bảo nhu cầu điện, song từ năm 2021 trở đi, nguy cơ thiếu điện đang trở nên hiện hữu. Thậm chí tình trạng thiếu điện miền Nam có thể tăng cao hơn và kéo dài ra cả giai đoạn đến năm 2025 nếu như phụ tải tăng trưởng cao, lượng về các hồ thủy điện kém hơn trung bình nhiều năm; nguồn khí Lô B, khí Cá Voi Xanh chậm tiến độ và các dự án nguồn điện mới tiếp tục bị chậm tiến độ so với cập nhật hiện nay. Lo ngại hơn, nhiều dự án nguồn điện theo quy hoạch điện VII điều chỉnh đang bị chậm tiến độ, hoặc chưa xác định được tiến độ còn rất lớn. Điều này dẫn đến nguy cơ Việt Nam sẽ bị thiếu điện trong tương lai gần.
Chính vì vậy, bên cạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm tiến độ và đẩy mạnh tiết kiệm điện thì việc thúc đẩy phát triển các dự án năng lượng tái tạo như điện gió, điện Mặt Trời… là cần thiết và cấp bách.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy nhu cầu năng lượng sơ cấp trong 10 năm qua (từ 2007-2017) tăng trưởng 14,6%, riêng sản lượng điện thực phẩm tăng trưởng bình quân 9,5%. Dự báo trong giai đoạn 5 năm tới, nhu cầu điện năng vẫn tăng trưởng 8,5-9,5%. Thực tế, với hàng loạt các chính sách của cơ quan quản lý, sự phát triển điện Mặt Trời tại Việt Nam thời gian qua đã có sự bứt phá mạnh mẽ. Thời điểm hiện nay, điện Mặt Trời đã có công suất hơn 5.000 MW và gần 1.000 MW điện gió. Dự kiến 1-2 năm tới, hàng nghìn MW điện gió sẽ tiếp tục được đưa vào vận hành, bổ sung cho lưới điện quốc gia.
Tuy vậy, khi phát triển mạnh năng lượng tái tạo, cũng phải đối mặt thách thức lớn. Cụ thể hơn theo tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hiến - Chủ tịch Hội đồng khoa học, Hiệp hội Năng lượng sạch, để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, cần có cơ chế chính sách ưu tiên về giá điện, lãi suất vốn vay đối với các dự án điện từ nguồn nguyên liệu sinh khối vì có chi phí đầu tư thấp, hệ số công suất cao.
Về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng cho biết: Bộ Công Thương đang chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện các chỉ đạo tại Nghị quyết 55 thông qua quy hoạch phát triển ngành điện. “Bộ Công Thương đang chỉ đạo lập quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và dự kiến trong tháng 10-2020 sẽ hoàn thiện để trình Chính phủ xem xét phê duyệt tạo cơ sở cho việc đảm bảo an ninh năng lượng”, ông Vượng nói.
P.V