Thảo luận các giải pháp thu hút nhân lực vi mạch tới Đà Nẵng

Thứ hai, 17/06/2024 15:19

Chiều 15-6, Cộng đồng vi mạch Việt Nam tổ chức gặp mặt thành viên (offline) lần thứ 4 tại Đà Nẵng với chủ đề "Kết nối tinh hoa - Vươn ra thế giới". Theo đó, buổi gặp mặt trao đổi về các giải pháp thu hút và phát triển nhân lực vi mạch tới Đà Nẵng làm việc.

Buổi gặp mặt thảo luận về các giải pháp thu hút nhân lực vi mạch tới Đà Nẵng.
Buổi gặp mặt thảo luận về các giải pháp thu hút nhân lực vi mạch tới Đà Nẵng.

Theo ông Nguyễn Phúc Vinh, Giám đốc kỹ thuật Công ty TNHH Sypnosys Việt Nam, đối với một doanh nghiệp vi mạch bán dẫn khi quyết định đầu tư vào thành phố thì họ sẽ quan tâm những vấn đề chính sau: nguồn nhân lực; hỗ trợ pháp lý và thuế; hỗ trợ về văn phòng, cơ sở hạ tầng. Về hạ tầng, thành phố cần sẵn sàng cơ sở vật chất, nguồn điện… Về vấn đề hỗ trợ pháp lý và thuế, nên có ưu đãi thuế và có cổng thông tin hỗ trợ, trung tâm hỗ trợ liên kết các đầu mối công việc của doanh nghiệp tại Đà Nẵng. Bên cạnh đó, thủ tục hành chính cần đơn giản hóa, rút ngắn quy trình làm việc. Đây là ngành công nghiệp đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn. Bên cạnh đầu tư thông qua ngân sách Nhà nước và cơ chế đặc thù, Đà Nẵng cần huy động nguồn đầu tư khác, đặc biệt nguồn lực từ doanh nghiệp.

Ông Lê Hoàng Phúc, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC) cho biết, hiện có 10 doanh nghiệp thiết kế vi mạch trên địa bàn thành phố gồm: 7 chi nhánh doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI): Synopsys, Marvel, Uniquify, Savarti, Renesas, Synapse (nay là Quest Global), Sannei Hytechs; 3 doanh nghiệp thiết kế vi mạch, bán dẫn Việt Nam là Fpt Semiconductor, Viettel Hi-Tech và Acronic.

Hiện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 3 Khu Công nghệ thông tin (CNTT) tập trung đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận gồm: Khu công viên phần mềm Đà Nẵng; Khu CNTT tập trung và Khu phức hợp Văn phòng FPT. Bên cạnh đó, có 3 Khu CNTT đang thực hiện chủ trương đầu tư: dự án Không gian sáng tạo phường Hòa Xuân; Dự án Khu CNTT Đà Nẵng Bay; Tòa nhà Viettel Đà Nẵng. Mục tiêu đến năm 2030, thành phố hình thành mạng lưới trường đại học, cơ sở đào tạo lĩnh vực bán dẫn, vi mạch, trí tuệ nhân tạo đạt tiêu chuẩn quốc tế; đào tạo mới và kết hợp chuyển đổi ít nhất 10% nhân lực ngành CNTT Đà Nẵng. Có 20 doanh nghiệp thiết kế, dịch vụ thiết kế, 1 doanh nghiệp đóng gói kiểm thử, ít nhất 5 doanh nghiệp khởi nghiệp lĩnh vực bán dẫn, vi mạch và trí tuệ nhân tạo được ươm tạo và phát triển. Thành phố có 5.000 kỹ sư, trong đó 1.500 kỹ sư thiết kế và 3.500 kỹ sư kiểm thử, đóng gói.

Về chính sách hỗ trợ, hiện Đà Nẵng đang áp dụng chính sách hỗ trợ thuế cho các doanh nghiệp đầu tư tại Khu Công nghệ cao. Bên cạnh đó, thành phố đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Chính phủ trình Quốc hội dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 119/2020/QH14 của Quốc hội về chính quyền đô thị và cơ chế đặc thù thành phố Đà Nẵng, trong đó có các chính sách, cơ chế ưu đãi vượt trội trong lĩnh vực vi mạch, trí tuệ nhân tạo. Ngoài chủ đề thu hút nhân lực vi mạch tới Đà Nẵng, các thành viên cộng đồng còn trao đổi các chủ đề: Cộng đồng vi mạch Việt Nam làm gì để thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực vi mạch Việt Nam; Make in Vietnam - Cơ hội nào cho chip Việt…

Được biết, Cộng đồng vi mạch Việt Nam được thành lập từ năm 2019 với 26.000 thành viên là những kỹ sư, chuyên gia, sinh viên, những người yêu thích và mong muốn tìm hiểu về lĩnh vực vi mạch bán dẫn.

Đ.N