Thảo luận một số nội dung trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII
(Cadn.com.vn) - Ngày 8-9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách nhằm thảo luận một số nội dung trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII.
Được tổ chức trong thời gian 3 ngày, mục đích của Hội nghị lần này nhằm thu thập ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội chuyên trách, các cơ quan quản lý, các nhà khoa học đối với 6 dự án luật quan trọng có tác động lớn đến chính trị, kinh tế xã hội, an ninh và quốc phòng của đất nước sẽ được trình tại Kỳ họp thứ 8 tới đây của Quốc hội.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Kỳ họp thứ 8 sắp tới là kỳ họp thứ hai kể từ khi triển khai thi hành Hiến pháp 2013. Với mục tiêu đảm bảo thành công của kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị lần này để thảo luận 6 dự án trong số 18 dự án luật mà Quốc hội sẽ xem xét, thông qua tại kỳ họp tới.
Trong số đó, Luật Tổ chức Quốc hội là dự án luật đầu tiên được sửa đổi nhằm triển khai thi hành Hiến pháp và cũng sẽ được Quốc hội thảo luận, thông qua đầu tiên tại Kỳ họp thứ 8. Tiếp đó, các dự án: Luật Tổ chức Tòa án (sửa đổi), Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (sửa đổi), Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) cũng sẽ lần lượt được xem xét, thông qua.
Trong ngày làm việc đầu tiên, Hội nghị đã cho ý kiến về Dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) và Dự án Luật Căn cước Công dân.
Là dự án mở đầu cho việc sửa đổi các luật về tổ chức bộ máy Nhà nước sau khi Hiến pháp có hiệu lực thi hành, Dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) có nhiều đổi mới quan trọng liên quan đến cơ cấu, tổ chức, phương thức hoạt động của Quốc hội, đại biểu Quốc hội... được cử tri cả nước quan tâm.
Nội dung nhận được nhiều ý kiến góp ý tại buổi thảo luận là quy định về tiêu chuẩn đối với đại biểu Quốc hội, số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách, việc tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức hoạt động Quốc hội cho phù hợp với thực tiễn.
Tại phiên họp, nhiều ý kiến tán thành việc lấy phiếu tín nhiệm vào Luật Tổ chức Quốc hội như là một điểm mới đáng hoan nghênh, song dự thảo cũng nên quy định cụ thể định kỳ hàng năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi phiếu vào đầu kỳ họp để đại biểu Quốc hội làm cơ sở lựa chọn, bỏ phiếu tín nhiệm. Một số ý kiến đề nghị nên phân bổ tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách một cách hợp lý hơn đảm bảo mỗi Đoàn đại biểu Quốc hội nên có ít nhất hai đại biểu chuyên trách trở lên để đảm bảo hoạt động tại địa phương.
TTXVN