Thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp
(Cadn.com.vn) - Sáng 23-10, các ĐBQH làm việc tại tổ thảo luận về hai nội dung quan trọng: Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013).
Lời nói đầu chưa đạt
Phát biểu tại phiên thảo luận, các đại biểu đánh giá cao Báo cáo của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 về một số nội dung cơ bản giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên cơ sở ý kiến của nhân dân và của các vị đại biểu Quốc hội.
Nhiều nội dung đã được chỉnh lý hợp lý, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân, bám sát Cương lĩnh năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011), nghị quyết của các Đại hội Đảng và các nghị quyết, kết luận của T.Ư, Bộ Chính trị về mục đích, yêu cầu, những quan điểm cơ bản và định hướng lớn của việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Bàn về Lời nói đầu của Hiến pháp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng: Lời nói đầu cần phải đảm bảo ngắn gọn, có sự tổng kết, cô đúc, khái quát và đặc biệt phải chuẩn xác. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này có ưu điểm so với trước là ngắn gọn, súc tích hơn, nhưng chuẩn xác và hay thì chưa đạt.
Dẫn chứng cụ thể Lời nói đầu có đoạn viết “Từ năm 1930, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc đấu tranh lâu dài, đầy gian khổ...", Tổng Bí thư cho rằng, viết như trên không ổn về mặt khoa học, lý luận chưa chặt chẽ. Cần thay cụm từ “năm 1930” bằng cụm từ “trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng” hoặc “trong suốt 80 năm qua” sẽ hợp lý và chặt chẽ hơn.
Các ĐB tham gia thảo luận tại tổ. |
Để Chủ tịch nước vừa bổ nhiệm chức vụ, vừa phong quân hàm
Thiếu tướng, Chính ủy Tổng cục Hậu cần - Bộ Quốc phòng Lê Văn Hoàng (Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng) cho rằng, về chế định bảo vệ Tổ quốc tại Chương 4 đã khẳng định bản chất cách mạng của lực lượng vũ trang chính là xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh về chính trị. Đây là một nội dung mà các thế lực thù địch đang tập trung đòi xóa bỏ.
Do vậy, việc quy định bản chất cách mạng của lực lượng vũ trang trong Hiến pháp là hết sức đúng đắn, khẳng định sự trung thành của lực lượng vũ trang với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; đồng thời khẳng định vai trò nòng cốt của quân đội trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.
Về chế định Chủ tịch nước tại Chương 6, ĐB Hoàng bày tỏ đồng tình với quy định tại Khoản 5 Điều 88. Tuy nhiên, ĐB cho rằng nên chăng giao cho Chủ tịch nước thẩm quyền vừa bổ nhiệm chức vụ, vừa phong quân hàm thì mới đúng nghĩa thống lĩnh lực lượng vũ trang. Vì trong lực lượng vũ trang, việc quyết định chức vụ rất quan trọng, có chức vụ thì sẽ được phong quân hàm tương ứng.
Chỉ có nam giới thực hiện nghĩa vụ quân sự
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Thân Đức Nam (Đà Nẵng) nhận định, Khoản 2 Điều 45 quy định “Công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân”; đối chiếu với Điều 3 Luật Nghĩa vụ quân sự quy định “Công dân nam giới, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, nơi cư trú, có nghĩa vụ phục vụ tại ngũ trong quân đội nhân dân Việt Nam” thì rõ ràng có sự chưa phù hợp.
Tất nhiên, như dự thảo Nghị quyết quy định một số điểm thi hành Hiến pháp năm 1992 đã quy định đảm bảo tính hợp hiến của hệ thống pháp luật sau khi Hiến pháp có hiệu lực, tức là các luật có quy định trái Hiến pháp cần sửa đổi cho phù hợp. ĐB cho rằng ở đây có hai vấn đề, một là việc thực hiện nghĩa vụ quân sự và hai là việc tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân.
Trong đó, việc tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân là trách nhiệm của công dân là rõ ràng. Tuy nhiên, việc thực hiện nghĩa vụ quân sự trong lực lượng quân đội nên quy định như pháp luật hiện hành là đối với công dân nam giới. Do đó, ĐB đề nghị Ban soạn thảo cần diễn đạt lại Khoản 2 Điều 45 cho rõ hơn.
Nên để UBTVQH giám sát HĐND
Trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa nhận định, Điều 74 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tiếp tục quy định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) là cơ quan có nhiệm vụ và quyền hạn “Giám sát và hướng dẫn hoạt động của HĐND; bãi bỏ các nghị quyết sai trái của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư; giải tán HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư trong trường hợp HĐND đó làm thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của nhân dân”.
Đồng thời, tại Điều 96 quy định, Chính phủ có nhiệm vụ và quyền hạn “hướng dẫn, kiểm tra HĐND trong việc thực hiện các văn bản của cơ quan Nhà nước cấp trên; tạo điều kiện để HĐND thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn theo luật định”.
Như vậy, cùng một lúc HĐND cấp tỉnh có đến 2 cơ quan là UBTVQH và Chính phủ thực hiện chức năng giám sát, hướng dẫn, kiểm tra. ĐB Huỳnh Nghĩa đề nghị, trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này cần xem xét quy định theo hướng giao cho UBTVQH thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, chỉ đạo toàn bộ hoạt động của HĐND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư. Có như vậy, hoạt động của HĐND mới đi vào hướng ổn định, có cơ quan chủ trì chỉ đạo rõ ràng, tránh lúng túng như vừa qua.
Cũng góp ý với mô hình chính quyền, ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) cho rằng: Nếu quy định chính quyền địa phương bao gồm HĐND, UBND là sai với nguyên lý, sai với mô hình tổ chức bộ máy hiện tại. Trên thực tế, chúng ta không tổ chức mô hình chính quyền liên bang nên không thể có chính quyền T.Ư và chính quyền địa phương.
B. Cầm – H. Hoa – TTXVN