Thao thức cùng cánh sóng

Thứ sáu, 22/12/2017 09:00

Cần số điện thoại của một cơ quan, đơn vị nào đó thuộc LLVT Quân khu 5, gọi đến Tổng đài, lần nào cũng nghe một giọng nữ trong trẻo cất lên: “IK01 xin nghe”. Tìm hiểu đằng sau tiếng nói thân thương ấy, mới hay những chiến sĩ Lữ đoàn Thông tin 575 dù ngày thường hay Tết vẫn thao thức cùng cánh sóng.

Quân nhân Đại đội Hữu tuyến điện 2, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Thông tin 575 trong ca trực.

Lịch sử đơn vị thời chống Mỹ còn ghi, chiến sĩ vô tuyến điện Nguyễn Thị Bình bị mảnh bom vào đầu, máu chảy ròng ròng vẫn không ngừng thu điện, Trung đội trưởng Lại Duy Tuế nắm chắc 2 đầu dây cho điện chạy qua người để giữ vững liên lạc, chiến sĩ quân bưu Lê Hồng Kim bị bom dập nát hai tay vẫn dùng răng cắn chặt túi công văn vượt qua tọa độ bom B52, kịp đưa tài liệu về đơn vị trước lúc hy sinh... Viết tiếp trang sử vàng truyền thống, bộ đội Lữ đoàn hôm nay càng quyết tâm vượt mọi khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Tổng đài IK01 (Đại đội Hữu tuyến điện 2, Tiểu đoàn 1) có 100% quân nhân nữ. Chị em làm việc theo ca, tuy nhiên sau ca trực đêm, không phải lúc nào cùng được ngủ bù vì còn bận nhà cửa, cơm nước, hội họp cơ quan... Nhưng “Vào máy là vào vị trí chiến đấu”, mọi lo toan thường nhật gác tạm một bên. Thượng úy QNCN Trần Thị Kim Yến bảo: “Ngày nào không cầm tổ hợp cũng thấy nhớ. Ngay cả những đêm nằm ngủ ở nhà, cứ nghe tiếng chuông reo là giật mình tỉnh giấc. Có những hôm đi làm trong mưa bão vẫn thấy rất bình thường. Các chị em ở đây đi trực ca ba, khi về con đã ngủ, đi làm lúc con chưa thức dậy, có khi cả ngày không gặp con nên phải rèn cho con có ý thức tự lập từ sớm, mẹ không có nhà phải tự giác học bài. Ai cũng nỗ lực vuông tròn việc nhà, việc đơn vị”. Dáng người mảnh mai, Thiếu tá QNCN Đặng Thị Phượng, tâm tình: “Trực tổng đài cũng như làm dâu trăm họ. Chuyện buồn vui cá nhân gác lại sau lưng để lúc nào cũng giữ thái độ hòa nhã, tận tình. Đôi khi rớt mạng, sóng nhiễu... bị trách cứ, “chất vấn” gay gắt, đành nhận lỗi về mình, chẳng lẽ lại thanh minh”. Mới tham gia trực IK01 còn có 3 chiến sĩ nữ nhập ngũ năm 2017. Binh nhất Trần Thị Vân Anh đưa tay gạt những giọt mồ hôi lấm tấm trên má, hồ hởi: “Các chị đi trước còn cố gắng như thế, nữa là chúng em. Riêng em, những ngày đầu gặp không ít khó khăn, thế nhưng được sự chỉ bảo, giúp đỡ tận tình của cán bộ các cấp, thế hệ đi trước nên bây giờ thấy tự tin hơn”.

Cùng “chung chiến hào” với Đại đội Hữu tuyến 2 là những nhân viên báo vụ Đại đội Vô tuyến điện 1. Trung tá QNCN Phan Thị Linh hơn 30 năm làm bạn với ma-níp nói vui: “Nghề của chúng mình là “ăn cơm dưới đất, nói chuyện trên trời”, chỉ những tiếng “tích tích tè tè” thôi mà bao nhiêu công văn được nhận, chuyển nhanh chóng, an toàn. Mỗi lúc thu phát báo mọi giác quan đều dồn hết vào công việc, nên xong ca rồi, tai cứ ù đi”. Dù chồng cũng bộ đội nhưng công tác xa nhà, 2 con đầu học đại học ở cách hàng trăm cây số nhưng chị luôn nghĩ mình được làm công việc yêu thích, tâm huyết là thuận lợi lớn nên càng say sưa, quyết tâm cùng đơn vị bảo đảm thông tin đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ của LLVT Quân khu 5 trong tình hình mới.

Thượng úy QNCN Hoàng Thị Phúc, Chủ tịch Hội phụ nữ cơ sở Lữ đoàn tiết lộ: “Đơn vị có đến 2/3 chị em làm nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc 24/24 giờ. Vượt lên mọi trở ngại, những “bóng hồng” này ngoài làm tốt chuyên môn còn tham gia trực sẵn sàng chiến đấu, diễn tập, huấn luyện, hội thao nữ quân nhân, diễn đàn phụ nữ với xây dựng gia đình hạnh phúc... Những năm qua, Hội phụ nữ phối hợp với Đoàn thanh niên tổ chức sinh nhật chiến sĩ và mua quà chia tay chiến sĩ ra quân, dọn vệ sinh, viếng, thắp nến tri ân tại các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Phụ nữ đơn vị còn góp vốn xoay vòng giúp nhau phát triển kinh tế gia đình có hiệu quả”.

Sát cánh bên những đồng đội nữ, những chiến sĩ nam Trung đội dây cáp, máy điện thoại (Đại đội Hữu tuyến điện 2) ngày thường hay ngày lễ, tết đều trong tư thế có lệnh là lên đường ngay. Thiếu tá Nguyễn Văn An, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 tâm đắc, càng trong những dịp lễ, tết, đơn vị càng duy trì nghiêm chế độ trực, sẵn sàng chiến đấu. Trước khi vào ca, không ít người còn cất vang bài hát “Đời mình là khúc quân hành”. Công việc luôn đòi hỏi phải tập trung, căng thẳng nhưng đã yêu và gắn bó với nghề thì chẳng trở ngại nào ngăn cản nổi. Đó cũng là hạnh phúc giản dị, vững bền của người chiến sĩ hôm nay.

Ngọc Diệp