Thay đổi để trở lại
Không để nỗi sợ COVID-19 nhấn chìm, họ - những người một đời gắn bó với du lịch đã biến khó khăn thành cơ hội và luôn giữ trong tim niềm tin du lịch phục hồi.
Dẫu khó khăn nhưng Lê Ngọc Thuận vẫn giữ niềm tin du lịch phục hồi.
Không thể ngồi chờ
“Chị ơi có việc gì làm không”, “Giới thiệu việc cho em với chị nhé”, “Giúp em với chị ơi”… Mỗi ngày, chị Phạm Thị Hồng Trang, từng là Trưởng đại diện của Tập đoàn Thiên Minh tại miền Trung nhận cả trăm tin nhắn như vậy từ nhân viên và đồng nghiệp làm du lịch. Khi dịch bệnh xuất hiện, ngành du lịch nhanh chóng rơi vào khủng hoảng. Để tồn tại, doanh nghiệp du lịch áp dụng chiến thuật “phòng thủ”, hàng loạt địa điểm du lịch, nhà hàng, resort đóng cửa, hàng chục nghìn lao động du lịch bị mất việc.
Thiên đường du lịch tại các tỉnh miền Trung bỗng chốc tiêu điều vì cuồng phong COVID-19. Hơn 20 năm gắn bó với du lịch, trải qua không ít biến cố, nhưng chưa bao giờ chị Trang chứng kiến tình cảnh khó khăn như vậy của ngành công nghiệp không khói. Hàng chục nghìn người lao động ngành du lịch mất việc, nháo nhác tìm công việc khác, người bán rau ngoài chợ, người buôn hải sản, người khác đi làm thợ nề…
Họ làm bất cứ công việc gì có thể sinh tồn trong cơn bão dịch bệnh. Chị Trang kể, nhìn đồng nghiệp bươn chải nhiều công việc khác nhau để mưu sinh, trong lòng luôn trăn trở phải làm gì đó để chia sẻ khó khăn với họ. Và cũng trong giai đoạn ấy, chị quyết định phải thay đổi, không thể thụ động ngồi chờ du lịch phục hồi, bởi dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại ngay, hơn nữa hậu quả của nó còn tác động lâu dài.
Nhận thấy nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của mọi người tăng mạnh trong giai đoạn dịch bệnh, nên chị Trang đã tìm hiểu và bắt đầu kinh doanh các sản phẩm chuyên về chăm sóc sức khoẻ. Chỉ một thời gian ngắn, công việc kinh doanh diễn ra thuận lợi, chị Trang đã kết nối cho hàng trăm đồng nghiệp cùng tham gia kinh doanh và có thu nhập tốt. Nếu như trước dịch, hoạt động của công ty gia đình chị chủ yếu tập trung lĩnh vực đào tạo và tư vấn quản lý các dự án khách sạn, thì ngay trong dịch công ty đã mở rộng thêm nhiều ngành nghề về tư vấn chiến lược quản trị và phát triển doanh nghiệp trong bối cảnh mới, tư vấn và đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ứng dụng 4.0 cả trong và ngoài lĩnh vực du lịch… “Mình thấy vui vì bản thân đã dám thay đổi vượt qua những trở ngại do dịch bệnh, nhưng vui hơn là có thể kết nối giúp các đồng nghiệp có việc làm, có thu nhập ngay trong giai đoạn khó khăn. Và điều quan trọng hơn, các bạn đã dám thay đổi tư duy, bước ra khỏi vùng an toàn chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đón những cơ hội mới khi du lịch hồi phục”- chị Trang chia sẻ.
Tìm ngã rẽ để trở về
Sau hai năm, không ít con thuyền du lịch đã bị bão COVID-19 nhấn chìm, lo lắng và hoảng sợ là tâm sự chung của nhiều người, nhưng với không ít người khác, COVID-19 như một cơ hội tốt để thay đổi. Lê Ngọc Thuận - chàng trai làm du lịch nổi tiếng ở đô thị cổ Hội An cũng đã tận dụng cơ hội đó. Gắn bó với du lịch Hội An từ năm 2012, Thuận là người đầu tiên xây dựng homestay ở làng biển An Bàng, một xu hướng hoàn toàn mới thời điểm đó. Hướng về cộng đồng, du lịch dựa vào cộng đồng, Thuận tạo nên sức hút mạnh mẽ cho làng biển An Bàng.
Và chỉ vài năm sau, từ một homestay đầu tiên, An Bàng đã phát triển thành làng homestay; từ ngôi làng sống dựa vào nghề biển, thì sau đó có hơn 70% người dân làng chài An Bàng đã chuyển đổi sang nghề homestay. An Bàng từng được Tổng cục Du lịch trao giải thưởng “Khách sạn xanh ASEAN” giai đoạn 2016-2018, danh hiệu này chủ yếu dựa trên đánh giá của khách du lịch quốc tế… Nhưng rồi, COVID-19 đã chặn đứng những chuỗi ngày sôi động đó tại An Bàng.
Dẫu vậy, Thuận không quá bất ngờ, bởi khi bắt đầu làm du lịch, chàng trai này chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất. “Dịch bệnh khiến du lịch khó khăn, điều đó là hẳn nhiên. Tuy nhiên không phải đáng sợ nhất. Bởi thời điểm khó khăn nhất là khi bắt đầu, lúc đó vốn không có, kinh nghiệp không, chỉ có mỗi đam mê và quyết tâm thoát nghèo thôi. Không sớm thì muộn, bằng cách này hay cách khác, chắc chắn dịch bệnh sẽ kết thúc. Quan trọng phải giữ niềm tin và tinh thần lạc quan, chuẩn bị kế hoạch cho sự phục hồi”, Thuận kể.
Giữ tinh thần lạc quan, nên giữa lúc đỉnh dịch COVID-19, Thuận đã quyết định đầu tư nhà hàng mới bên bờ sông Cổ Cò, đây là sản phẩm du lịch hoàn toàn khác biệt, được Thuận đầu tư có chiều sâu hơn về mỹ thuật và nương tựa vào thiên nhiên. “Dự án này tôi đã ấp ủ nhiều năm và chỉ khi dịch bệnh xảy ra tôi mới có cơ hội để thực hiện. Phải chuẩn bị cho sự phục hồi, để đến khi khách du lịch quay trở lại, ta luôn có những sản phẩm mới”, Thuận chia sẻ.
Không chỉ tìm hướng đi mới, Thuận đã và đang lên kế hoạch để tạo thay đổi cho các sản phẩm làng nghề tại Hội An, bởi hiện anh đang đảm nhận chức Chủ tịch Hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP Hội An. Thuận đã bắt tay với người dân tại làng mộc Kim Bồng, làng gốm Thanh Hà và nghề làm lồng đèn ở Hội An… để tạo nên những sản phẩm nghệ thuật đặc trưng, có thể bán trên nền tảng trực tuyến và quà lưu niệm du lịch. “Khó khăn thì lúc nào cũng có, nhưng không vì thế mà buông xuôi. Tôi đang từng bước tạo dựng giá trị cộng đồng cho du lịch làng nghề tại Hội An, để du lịch phát triển một cách bền vững hơn. Tôi có niềm tin du lịch sẽ phục hồi”- Thuận kỳ vọng.
Những tín hiệu lạc quan cho thấy du lịch đang trở lại. COVID-19 sẽ không thể nào dập tắt được ngọn lửa nghề của những người làm du lịch, tình yêu đó như đốm lửa hồng sẽ lại được thổi bùng lên khi du lịch lấy lại nhịp đập tăng trưởng.
HẢI QUỲNH