Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn?
Bạn đọc hỏi: Bà Hà Thị T., trú Q. Liên Chiểu (TP Đà Nẵng), hỏi: Theo phán quyết của tòa án (TA), sau ly hôn vợ chồng tôi mỗi người nuôi một cháu. Mặc dù bị cản trở, đe dọa hành hung mỗi khi tôi ghé thăm cháu lớn đang ở với chồng cũ nhưng vì thương con nên tôi vẫn hay đến thăm và dẫn cháu đi chơi. Gần đây tôi rất đau lòng khi nhận thấy con lớn của tôi có dấu hiệu trầm cảm, thường hay sợ hãi, lầm lì ít nói, cơ thể ốm yếu, gầy gò xanh xao, lúc nào cũng nhớ đến mẹ và em nó, trong khi ba nó thì bỏ bê nó một mình, thường xuyên nhậu nhẹt. Tôi phải làm gì để có thể được quyền đón cháu lớn về ở với tôi ?
Luật sư Nguyễn Tấn Khoa - Trưởng Phòng Xử lý vi phạm của Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên danh tại TP Đà Nẵng, trả lời: Ly hôn là thủ tục không khá phức tạp nhưng để giải quyết hậu quả của nó, các bên cần hết sức tinh tế và linh hoạt vì lợi ích của các con. Đối với tranh chấp người trực tiếp nuôi con, đòi hỏi các bậc làm cha, làm mẹ cần phải cẩn trọng, không vì cái tôi cá nhân của mình mà đưa ra những quyết định thiếu cân nhắc làm ảnh hưởng đến tâm sinh lý, cũng như sự phát triển của các con sau này. Theo quy định pháp luật, cha, mẹ đều có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng con cho đến tuổi thành niên. Tuy nhiên, để thay đổi người trực tiếp nuôi con trong bản án hay quyết định đã có hiệu lực của TA, chị T. cần lưu ý các vấn đề dưới đây.
Thứ nhất, về quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con: theo quy định tại Điều 84 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 (Luật HN & GĐ), xuất phát từ lợi ích chính đáng của con, theo yêu cầu của cha, mẹ, TA có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. Thứ hai, về điều kiện TA chấp nhận yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con: xuất phát từ lợi ích chính đáng của con, chị có quyền yêu cầu TA thay đổi người trực tiếp nuôi con từ chồng cũ sang cho chị. Tuy nhiên, yêu cầu của chị chỉ được TA xem xét chấp thuận khi có một trong các căn cứ được quy định tại Khoản 2 Điều 84 Luật HN & GĐ. Cụ thể gồm: giữa chị và chồng cũ của chị có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con; hoặc chồng cũ của chị không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Ngoài ra, đối với con từ đủ 7 tuổi trở lên, việc thay đổi người trực tiếp nuôi con còn phải xem xét nguyện vọng của con.
Như vậy, trường hợp giữa chị và chồng cũ của chị không có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con để TA xem xét chấp thuận yêu cầu của chị nên chị cần cung cấp cho TA đầy đủ các tài liệu, chứng cứ chứng minh sau: chồng cũ của chị không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con (như thường xuyên nhậu nhẹt, không dành thời gian chăm sóc con; thường xuyên bỏ bê, đánh đập con, sử dụng những lời lẽ không phù hợp với con gây ảnh hưởng xấu đến sự tiếp thu và phát triển của con, dẫn đến con có dấu hiệu trầm cảm, thường hay sợ hãi, lầm lì ít nói, cơ thể ốm yếu, gầy gò xanh xao; có hành vi hành hung, đe dọa, hạn chế quyền thăm non con của chị...); chị đủ điều kiện để trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục con khi nuôi cả 2 con (đủ điều kiện về kinh tế như có nghề nghiệp và nguồn thu nhập ổn định; đủ điều kiện về chỗ ở, điều kiện chăm sóc, dạy dỗ, nền tảng đạo đức tốt như có chỗ ở ổn định, môi trường sống phù hợp với các con, có thời gian chăm sóc, nuôi dưỡng 2 con...); văn bản thể hiện nguyện vọng muốn ở với mẹ của cháu lớn nếu cháu từ đủ 7 tuổi trở lên. Chị T. lưu ý rằng tất cả đều phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh, nếu chỉ trình bày bằng lời nói, TA sẽ không có cơ sở xem xét chấp thuận yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con của chị.
Chuyên mục này có sự cộng tác về chuyên môn
của Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên danh tại TP Đà Nẵng.
Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3572456, 0903573138