Thấy gì từ thể thức thi đấu chưa từng có tiền lệ ở V-League?
Sau thời gian dài tạm hoãn vì Covid-19, V-League 2020 sẽ trở lại vào đầu tháng 6, với thay đổi về thể thức thi đấu do quỹ thời gian eo hẹp. Với thể thức thi đấu mới chưa từng có trong tiền lệ, Ban tổ chức giải hy vọng V-League 2020 sẽ về đích an toàn.
Ban tổ chức có những những thay đổi nhằm đưa V-League 2020 trở lại vào đầu tháng 6 tới. Ảnh: TTXVN |
Giảm tải để giữ sức cho mục tiêu lớn
Thể thức thi đấu chia nhóm đua vô địch và đua trụ hạng giúp các đội giảm tải được số trận. Từ 26 trận mỗi mùa V-League theo kế hoạch cũ, xuống còn 20 trận (với các đội đua vô địch) và 18 trận (với các đội đua xuống hạng), giúp giải đấu sẽ kết thúc vào tháng 10 để cho đội tuyển Việt Nam tập trung đá vòng loại World Cup 2022 và AFF Cup 2020.
Theo phương án của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), giải đấu sẽ được chia làm 2 giai đoạn. 11 vòng đấu của lượt đi chưa diễn ra vẫn đá theo kế hoạch ban đầu. Dựa vào kết quả của giai đoạn 1, V-League 2020 sẽ chia làm 2 nhóm để tiếp tục thi đấu ở giai đoạn 2, gồm 8 đội đứng đầu và 6 đội đứng cuối.
Nhóm 8 đội đứng trên sẽ đá vòng tròn 1 lượt tranh ngôi vô địch, nhóm 6 đội xếp sau sẽ thi đấu để xác định suất xuống hạng. Thể thức mà V-League đi theo vốn không xa lạ với làng túc cầu thế giới nhưng đây lại là lần đầu tiên bóng đá Việt Nam áp dụng.
Ban tổ chức giải sẽ không hủy toàn bộ điểm số của 14 đội bóng khi hết giai đoạn lượt đi V-League 2020, điều này buộc các CLB vẫn phải thi đấu hết mình khi bước sang giai đoạn lượt về. Như vậy, cuộc đua vô địch và trụ hạng ở giai đoạn lượt về sẽ kịch tính đến những vòng cuối.
“Hết đất” cho vấn nạn nhường điểm
Với phương án tổ chức thi đấu "kiểu mới" này, Ban tổ chức giải đấu hy vọng sẽ tăng tính cạnh tranh và hạn chế phần nào những hiện tượng tiêu cực kiểu nhường điểm - vấn nạn tồn tại bao năm qua của bóng đá Việt Nam, đặc biệt ở giai đoạn cuối giải khi liên quan đến các cuộc đua vô địch, trụ hạng và không còn mục tiêu, động lực.
Bởi, theo thể thức cũ trước đây, nhiều đội bóng khi đã đủ điểm trụ hạng, hoặc ở vị trí không thể cạnh tranh chức vô địch thường giảm động lực thi đấu các vòng cuối. Chính vì thế mà Ban tổ chức cũng khó kiểm soát được thái độ "thi đấu thiếu tích cực".
Theo VPF, các đội bóng sẽ phải thi đấu hết sức để giành được nhiều điểm số nhất ở giai đoạn 1, tránh trường hợp có đội thi đấu không hết khả năng khi đã đủ điểm vào nhóm A. Với thể thức thi đấu như vậy sẽ nâng cao tính cạnh tranh, sự hấp dẫn của giải đấu, đồng thời ngăn ngừa tiêu cực có thể xảy ra.
"Điều đó giúp cho các CLB phải thi đấu nghiêm túc ngay từ giai đoạn 1, tránh tình trạng thi đấu lớt phớt để vừa khung vào nhóm 1 hoặc nhóm 2, rồi sau đó mới bung sức ở giai đoạn 2, ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của giải đấu" - đại diện VPF chia sẻ.
Nói chung là phương án nào cũng có mặt ưu, mặt nhược và vấn đề là Ban tổ chức phải chuẩn bị những giải pháp để giải đấu đảm bảo được chất lượng chuyên môn, tính cạnh tranh cao và chống tiêu cực. Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề, có được một phương án nhận được sự đồng thuận của đa số không phải là dễ. Vì vậy, đây được xem là phương án khả dĩ nhất và phù hợp với thời điểm hiện tại, bởi quỹ thời gian còn lại không nhiều.
Theo kế hoạch, V-League 2020 sẽ quay trở lại vào ngày 5-6 với lịch thi đấu như đã ban hành từ vòng 3 tới vòng 13.
Lịch thi đấu vòng 3 V-League 2020:
17 giờ ngày 5-6: Hải Phòng - TP Hồ Chí Minh (Sân Lạch Tray)
18 giờ ngày 5-6: Nam Định - Viettel (Sân Thiên Trường)
19 giờ ngày 5-6: Sài Gòn - B.Bình Dương (Sân Thống Nhất)
17 giờ ngày 6-6: SLNA - SHB Đà Nẵng (Sân Vinh)
17 giờ ngày 6-6: Quảng Nam - Thanh Hóa (Sân Quảng Nam)
18 giờ ngày 6-6: Than Quảng Ninh - Hồng Lĩnh Hà Tĩnh (Sân Cẩm Phả)
19 giờ ngày 6-6: Hà Nội FC - HAGL (Sân Hàng Đẫy)
Mùa giải 2019 - 2020, khi V-League trôi về những lượt trận cuối cùng thì vẫn có hơn nửa số đội có nguy cơ xuống hạng. Ranh giới của nhóm 8 đội xếp trên và nhóm 6 đội xếp cuối cũng rất mong manh, vị trí thứ 8 và thứ 9 đôi khi cũng chỉ cách nhau 1 điểm. Việc chia nhóm ở giai đoạn 2 buộc các CLB phải cạnh tranh nhau khắc nghiệt. Một trong những thay đổi lớn của V-League 2020 so với những mùa trước là không có giải thưởng dành cho Vua phá lưới. Thể thức chia đôi bảng xếp hạng để các nhóm đội đua vô địch - đua trụ hạng đá riêng tương đối phổ biến trên thế giới, trong đó có Hàn Quốc (K-League), Scotland (Scottish Premier League) hay giải vô địch CH Séc. |