Thế giới chạy đua đối phó “siêu biến thể” Omicron

Thứ hai, 29/11/2021 10:45

* Italia công bố hình ảnh đầu tiên của Omicron

Việc ngày càng có nhiều quốc gia ghi nhận các ca nhiễm biến thể mới Omicron sau khi xuất hiện tại châu Phi đang gây lo ngại trên toàn cầu, buộc các nước và các hãng dược chạy đua để chống lại “siêu biến thể” này.

 Du khách xếp hàng làm thủ tục tại sân bay ở Johannesburg, Nam Phi để rời khỏi nước này do lo ngại biến thể Omicron. Ảnh: AP

Mối lo Omicron đang “vươn vòi bạch tuộc”

Ngoài một số quốc gia châu Phi, Omicron đến nay đã xuất hiện vài ngày qua tại nhiều nước, vùng lãnh thổ ở châu Á và châu Âu khác như Hồng Kông (Trung Quốc), Anh, Italia, Israel.

Ngày 28-11, Bộ Y tế Đan Mạch cho biết đang xét nghiệm đối với hai trường hợp nghi nhiễm biến thể mới của SARS-CoV-2 vừa được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đặt tên là Omicron. Hai ca nhiễm nói trên mới vừa trở về nước từ Nam Phi, quốc gia phát hiện ca nhiễm Omicron đầu tiên vào tuần trước. Bộ trưởng Y tế Đan Mạch Magnus Heunicke cho rằng, nhiều khả năng đây là các ca nhiễm biến thể mới, tuy nhiên vẫn cần kết quả xét nghiệm xác nhận trong vài ngày tới.

Cùng ngày, một bệnh viện tại thành phố Liberec, phía Bắc của Cộng hòa Czech thông báo về một bệnh nhân nữ đã nhiễm biến thể Omicron. Người phát ngôn của bệnh viện này khẳng định kết quả phân tích gene và chẩn đoán cho thấy 90% khả năng bệnh nhân này nhiễm biến thể Omicron. Đức và Italia cũng thông báo ghi nhận những ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên, còn Hà Lan phát hiện các trường hợp nghi nhiễm khi nhập cảnh. Trước đó, Bỉ đã trở thành nước châu Âu đầu tiên phát hiện ca mắc biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2. Đó là một người chưa tiêm phòng và vừa trở về từ Ai Cập ngày 11-11.

Anh trở thành quốc gia mới nhất báo cáo các trường hợp biến thể Omicron mới. Trong khi đó, Giám đốc Viện các bệnh Dị ứng và Truyền nhiễm quốc gia Mỹ Anthony Fauci cho rằng có khả năng biến thể Omicron đã lây lan đến nước này, dù chưa ghi nhận ca nào. “Những đột biến được xác định trên Omicron cho thấy nó có thể dễ lây lan hơn cũng như né tránh kháng thể đơn dòng, huyết tương giai đoạn hồi phục và có thể cả vaccine”, ông Fauci nhận định.

Chạy đua kiểm soát nguy cơ lây nhiễm

Theo Straits Times, nỗi sợ hãi đang bao trùm châu Âu và nhiều khu vực trên thế giới khi biến chủng Omicron mới có xu hướng lan rộng. Điều đáng lo ngại là, hiện vẫn chưa có nhiều thông tin cũng như biện pháp để ứng phó với biến chủng này.

Việc phát hiện biến chủng mới đã làm dấy lên mối lo ngại toàn cầu, thúc đẩy làn sóng cấm hoặc hạn chế đi lại và bán tháo trên thị trường tài chính trong những ngày qua, khi các nhà đầu tư lo ngại rằng Omicron có thể ngăn chặn sự phục hồi toàn cầu sau đại dịch kéo dài gần 2 năm. Hiện Anh, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Israel đều đã đình chỉ du lịch đến và đi từ Nam Phi và các quốc gia xung quanh: Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia và Zimbabwe, từ ngày 29-11. Chính phủ Anh cũng thêm Angola, Malawi, Mozambique và Zambia vào danh sách đỏ du lịch vào ngày 28-11.

Thậm chí, theo tờ The Hill, Israel bắt đầu cấm toàn bộ người nước ngoài nhập cảnh từ đêm 28-11, kéo dài 14 ngày và áp dụng lại công nghệ theo dõi qua điện thoại trong chống khủng bố để kiểm soát sự lây lan của biến thể mới. Như vậy, Israel trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đóng cửa hoàn toàn biên giới để ngăn nguy cơ biến thể Omicron xâm nhập.

Phản ứng trước động thái siết nhập cảnh, Bộ Y tế Nam Phi cho rằng việc các nước áp lệnh cấm đi lại tới Nam Phi là không hợp lý và vi phạm các quy tắc, tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Bộ trưởng Bộ Y tế Nam Phi Joe Phaahla cảnh báo những phản ứng như vậy có thể khiến các quốc gia né tránh báo cáo về những trường hợp biến thể mới.

WHO cũng kêu gọi các nước không nên vội vàng áp đặt hạn chế đi lại, khuyến nghị các nước nên tiếp tục áp dụng cách tiếp cận khoa học và căn cứ vào nguy cơ khi thực hiện biện pháp siết nhập cảnh.

Các hãng dược lớn nói gì?

WHO đã xếp Omicron vào nhóm biến chủng “đáng lo ngại”, cùng nhóm với Delta – biến chủng gây ra hàng loạt ổ dịch trên khắp thế giới trong những tháng qua. Trong khi thông tin về Omicron vẫn còn nhiều bí ẩn, các chuyên gia y tế cho rằng chủng COVID-19mới nhất có thể cho thấy khả năng lây nhiễm cao hơn và làm cho vaccine kém hiệu quả hơn. Sanjaya Senanayake, phó giáo sư y khoa tại Đại học Quốc gia Australia, cho biết Omicron đáng lo ngại vì số lượng đột biến cao, chưa từng có tiền lệ.

WHO cho biết các nghiên cứu đang được tiến hành ở Nam Phi và các quốc gia khác để hiểu rõ hơn về biến chủng mới, bao gồm khả năng lây nhiễm, mức độ nghiêm trọng và bất kỳ tác động nào về chẩn đoán, điều trị và sử dụng vaccine. Các nhà sản xuất vaccine COVID-19cũng đang vào cuộc để kiểm soát biến chủng mới. Moderna cho biết họ sẽ phát triển một mũi tiêm tăng cường cho biến chủng mới, trong khi BioNTech dự kiến sẽ có thêm dữ liệu trong 2 tuần tới để giúp xác định liệu vaccine do họ sản xuất với đối tác Pfizer có cần bào chế lại hay không. Pfizer và BioNTech hy vọng có thể phát triển và sản xuất một loại vaccine chống lại biến thể Omicron trong khoảng 100 ngày. Johnson&Johnson và AstraZeneca cũng cho biết họ đang điều tra và thử nghiệm vaccine chống lại biến chủng mới.

Trong khi đó, Novavax cho biết, họ đã bắt đầu phát triển vaccine COVID-19dựa trên trình tự gen của biến thể B.1.1.529 và sẽ sẵn sàng thử nghiệm và sản xuất trong vài tuần tới.

KHẢ ANH

Italia công bố hình ảnh đầu tiên của Omicron

Hình ảnh thể hiện các đột biến của Omicron (phải) và Delta (trái). Ảnh: Reuters

Nhóm các nhà khoa học thuộc Bệnh viện Nhi khoa Bambino Gesu tại thủ đô Rome của Italia hôm 28-11 đã công bố hình ảnh đầu tiên của loại biến thể nguy hiểm mới được phát hiện tại Nam Phi Omicron, cho thấy sự nguy hiểm hơn cả biến thể chiếm ưu thế hiện nay Delta.

Theo phân tích của các nhà nghiên cứu, hình ảnh khoa học cho thấy biến thể Omicron có nhiều gai protein đột biến hơn, với vùng tiếp xúc với tế bào trước khi xâm nhập có diện tích rộng hơn, chứng minh khả năng lây nhiễm cao hơn so với biến thế Delta hiện nay. Theo đó, dư lượng đột biến của biến thể Omicron là 43, lớn hơn nhiều so với dư lượng đột biến của biến thể Delta là 18. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng nhận định những nghiên cứu mới nhất chỉ mới chứng minh được tốc độ lây lan nhanh của biến thể mới, chứ chưa thể xác định mức độ kháng vaccine của biến thể.

T.N