Thế giới chạy đua kiểm soát AI

Thứ tư, 24/05/2023 11:39
Nếu vài tháng trước, mọi người hào hứng khi ứng dụng Chat GPT ra đời thì nay, làn sóng chỉ trích trí tuệ nhân tạo (AI) đang dâng cao tại các cường quốc công nghệ. Gần đây, các cơ quan quản lý khắp thế giới đang tìm cách đẩy mạnh quyền kiểm soát của họ đối với AI.
Các chuyên gia cảnh báo về những mặt trái liên quan tới AI. (Ảnh minh họa)
Các chuyên gia cảnh báo về những mặt trái liên quan tới AI. (Ảnh minh họa)

Nguy cơ từ AI

AI là một nhánh của khoa học máy tính liên quan đến việc mô phỏng quá trình ra quyết định và suy nghĩ của con người. Với sự xuất hiện của AI, nhiều hoạt động trong cuộc sống hằng ngày đã trở nên thuận tiện hơn. Tuy nhiên, công nghệ này vẫn đặt ra những thách thức lớn, trong đó có phương thức tương tác với con người.

Một trong những mối quan tâm lớn nhất là quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu người dùng. Dù đã có những quy định về vấn đề này, nhiều công ty vẫn phớt lờ khi thu thập dữ liệu cá nhân. Giới chuyên gia lo ngại tình trạng vi phạm có thể gia tăng khi con người sử dụng AI nhiều hơn. AI có nguy cơ gây hại cho con người nếu không được kiểm soát đúng cách. Công nghệ này có thể gây ra các vấn đề về an toàn trong lĩnh vực kỹ thuật số hoặc tài chính.

Giới chuyên gia cũng lo ngại nguy cơ AI tự phát triển hành vi mang tính phá hoại trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Trong trường hợp được sử dụng với mục đích sai trái, công nghệ này có thể gây ra những hậu quả khó lường như thao túng dư luận xã hội hay phát tán những thông tin không chính xác…

AI sẽ thay thế vai trò của con người trong công việc. Khi trí tuệ nhân tạo trở nên vượt trội ở mọi lĩnh vực, cơ hội đối với con người cũng sẽ ít đi. Trong báo cáo mới, các nhà kinh tế học của Goldman Sachs ước tính 18% số việc làm trên toàn cầu có thể được máy tính hóa, và mức độ ảnh hưởng sẽ thể hiện rõ ràng ở những nền kinh tế hiện đại hơn là các thị trường mới nổi. Những người làm việc trong lĩnh vực hành chính và luật sư là nhóm đối mặt nguy cơ cao nhất.

Nhờ tốc độ phát triển vượt bậc, AI còn có khả năng tạo ra những video và hình ảnh giả mạo, hay còn gọi là "Deepfake", đạt độ chân thực đáng kinh ngạc. Trong trường hợp bị sử dụng với mục đích trái phép, "Deepfake" sẽ trở thành công cụ tiếp tay cho hành vi lừa đảo, tạo những nội dung không lành mạnh… gây ảnh hưởng trực tiếp đến danh dự hoặc sinh kế của những cá nhân bị lợi dụng.

Cảnh báo

Gần đây, nhà khoa học tiên phong nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo Geoffrey Hinton đã đưa ra cảnh báo rằng, AI có thể gây ra mối đe dọa khẩn cấp hơn cả biến đổi khí hậu. Ông Hinton lo ngại về mối đe dọa từ AI, nếu các loại máy móc được trang bị công nghệ thông minh hơn cả con người và kiểm soát thế giới.

Ngày 16-5, Sam Altman, Giám đốc điều hành (CEO) công ty OpenAI, "cha đẻ" của ứng dụng ChatGPT, cho rằng cần có các quy định đối với AI. Theo ông Altman, trong thời gian tới, AI do OpenAI phát triển sẽ giải quyết một số thách thức lớn nhất trên thế giới như biến đổi khí hậu và điều trị bệnh ung thư. Tuy nhiên, trước những lo ngại về thông tin sai lệch, đảm bảo việc làm và các rủi ro tiềm tàng khác, ông cho rằng sự can thiệp của chính phủ thông qua các quy định có ý nghĩa quan trọng để giảm thiểu các nguy cơ tiềm tàng của những công nghệ ngày càng phát triển. Ông khuyến nghị Chính phủ Mỹ có thể cân nhắc kết hợp các yêu cầu cấp phép và thử nghiệm trước khi phê duyệt các mô hình AI nhiều tính năng, đồng thời xem xét thẩm quyền thu hồi giấy phép trong trường hợp vi phạm quy định.

Nỗ lực kiểm soát

Châu Âu là khu vực đi tiên phong trong việc thiết lập quy định kiểm soát các công nghệ mới. Hôm 11-5 vừa qua, Ủy ban Thị trường nội khối và Ủy ban Về quyền tự do dân sự thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua hơn 3.000 điều chỉnh trong dự luật quản lý AI của khối này. Những thay đổi mới trong dự luật yêu cầu các đơn vị phát triển AI tiến hành việc đánh giá mức độ an toàn, có giải pháp quản lý dữ liệu và giảm thiểu rủi ro trước khi đưa sản phẩm ra thị trường. Các công cụ AI cũng phải gửi thông báo lưu ý người dùng rằng sản phẩm của các công cụ này là do máy móc tạo ra, không phải con người. Việc sử dụng công nghệ xác thực sinh trắc học, đặc biệt là nhận diện khuôn mặt, sẽ bị cấm ở nơi công cộng, trừ trường hợp chống khủng bố. Bên cạnh đó, cảnh sát cũng bị cấm dùng AI để đánh giá khả năng phạm tội của một người dựa trên hồ sơ tiền án. Dự kiến, Nghị viện châu Âu sẽ tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo luật này vào giữa tháng 6 tới.

Trong khi đó, chính phủ Mỹ cũng đã bắt đầu tăng tốc trong cuộc đua quản lý AI. Hôm 4-5, Tổng thống Mỹ Joe Biden và một số quan chức chính phủ đã gặp gỡ CEO các công ty AI hàng đầu, bao gồm Microsoft và Google, để thảo luận về sự phát triển cũng như những rủi ro của công nghệ này. Trước đó, hồi cuối tháng 4, Ủy ban Thương mại liên bang và bộ phận Dân quyền của Bộ Tư pháp Mỹ cũng cho biết sẽ sử dụng các cơ quan pháp lý của mình để chống lại mối nguy hại liên quan đến AI.

Còn tại Anh, chính phủ nước này cho biết, đã lên kế hoạch phân chia trách nhiệm quản lý AI giữa các cơ quan quản lý nhân quyền, sức khỏe và an toàn cũng như cạnh tranh, thay vì tạo ra một cơ quan mới. "AI có tiềm năng biến đổi mọi khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta. Tất cả chúng ta đều biết điều đó", Thủ tướng Rishi Sunak nhận định.

AN BÌNH