Thêm 2 di sản của Việt Nam được vinh danh là Di sản Tư liệu Ký ức Thế giới
Được biết, Hội nghị MOWCAP lần này xem xét và bỏ phiếu cho 13 hồ sơ của 7 nước thành viên đệ trình công nhận Di sản tư liệu Chương trình ký ức thế giới của UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó: Hàn Quốc, Indonesia, mỗi nước có 3 hồ sơ; Việt Nam, Trung Quốc, mỗi nước có 2 hồ sơ; Singapore, Iran, Bangladesh mỗi nước có 1 hồ sơ. Theo đó cả 2 hồ sơ của Việt Nam đều được công nhận trong đợt này.
Còn nhớ, hơn 3 năm về trước, trong một lần trò chuyện cùng chúng tôi, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện - Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng phấn khởi cho biết, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP đang phối hợp cùng các nhà nghiên cứu nỗ lực tiến hành đánh giá một cách hệ thống, khoa học về hệ thống di sản văn hóa tư liệu tại danh thắng quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn để tiến tới đề nghị Ủy ban quốc gia Chương trình Ký ức thế giới tại Việt Nam xem xét đưa vào “Danh mục ký ức quốc gia” và đệ trình UNESCO công nhận di sản văn khắc Hán Nôm Ngũ Hành Sơn là di sản tư liệu thế giới. Ý tưởng này, theo ông Thiện, được khởi nguồn vào tháng 5-2018, khi Chùa Quán Thế Âm phối hợp Trung tâm VHPG Liễu Quán - Huế tổ chức hội thảo liên quan đến những giá trị VHPG Đàng Trong của Ngũ Hành Sơn. Và tại hội thảo này, các nhà nghiên cứu khoa học chuyên nghiên cứu về Hán Nôm, VHPG, lịch sử... đã có nhiều tham luận khẳng định giá trị đặc biệt của hệ thống ma nhai, văn khắc thư tịch cổ có tại danh thắng Ngũ Hành Sơn. Sau hội thảo này, Trung tâm VHPG Liễu Quán cùng một số nhà nghiên cứu tại Huế đã bỏ gần 2 tháng vào Ngũ Hành Sơn dập toàn thống hệ thống ma nhai, văn khắc, thư tịch cổ để tiếp tục nghiên cứu sâu, toàn diện tất cả hệ thống văn khắc cổ tự tại đây. Theo đó, “Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn” là một hệ thống gồm 78 văn bản bằng chữ Hán và chữ Nôm (Hán Nôm) được khắc trên vách đá và hang động của danh thắng Ngũ Hành Sơn, với nội dung đa dạng, hình thức độc đáo, cùng nhiều thể loại văn học của các vị vua, quan triều Nguyễn, cao tăng, trí thức, có niên đại trải dài từ nửa đầu thế kỷ XVII đến thế kỷ XX. Theo nhận định của các chuyên gia, đây là nguồn di sản tư liệu quý hiếm, độc đáo, không thể thay thế, được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm bởi những giá trị nhiều mặt về lịch sử, tôn giáo, địa lý, văn học, ngôn ngữ, nghệ thuật tạo hình, văn hóa và giáo dục. Với việc được công nhận này, Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là di sản đầu tiên của TP Đà Nẵng được UNESCO công nhận.
Ngay sau khi đón nhận tin vui này, trong thông cáo gửi cho các cơ quan báo chí, bà Nguyễn Thị Anh Thi - Thành ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cho biết, sau khi được UNESCO vinh danh, Đà Nẵng sẽ nỗ lực hơn trong công tác bảo tồn bền vững và phát huy giá trị di sản này.
Còn Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943) là bộ sưu tập viết bằng chữ Hán và chữ Nôm gồm 48 tư liệu của 3 dòng họ: Nguyễn Huy, Trần Văn và họ Hoàng tại làng Trường Lưu (trước thuộc xã Trường Lộc, nay là xã Kim Song Trường, H.Can Lộc) do Tiến sỹ Nguyễn Huy Mỹ chủ trì sưu tầm, thẩm định, cùng tỉnh Hà Tĩnh xây dựng hồ sơ trình UNESCO. Trong đó, 26 tư liệu là các sắc phong thời kỳ Nhà Lê và Nhà Nguyễn (1689-1943); 19 văn bản hành chính do chính quyền địa phương gửi cho người dân thuộc xã Trường Lưu dưới thời Nguyễn (1803-1943) và 3 bức trướng có kích thước 97x197cm, 121x177cm và 70x127cm tặng cho các cá nhân nhân dịp mừng thọ, đỗ đạt gồm: bà Phan Thị Trừu nhân dịp mừng thọ bà 80 tuổi, khen Nguyễn Huy Quýnh đỗ tiến sỹ và mừng thọ 70 tuổi Nguyễn Huy Cầu. Tất cả tài liệu được Tiến sỹ Nguyễn Huy Mỹ sưu tầm từ các nhà thờ dòng họ, điện thờ... tại làng Trường Lưu. Phần lớn tài liệu được bảo quản cẩn thận, giữ nguyên bản, chữ và con dấu của nhà vua rõ ràng. Đặc biệt, 6/48 tài liệu có nội dung về bình đẳng giới, bao gồm 5 sắc lệnh tôn vinh vai trò của phụ nữ, như: “Thánh Mẫu”, “Thưa bà”, “Tấm gương trung thành hoàn hảo”, "Ví dụ về đức hạnh”…
Như vậy, đến thời điểm hiện tại, Hà Tĩnh có 5 di sản văn hóa được UNESCO vinh danh gồm: Ca trù, Dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh, Mộc bản trường học Phúc Giang, Hoàng hoa sứ trình đồ và nay là Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu.
Khánh Yên