Thêm đòn giáng vào chính sách châu Phi của Mỹ

Thứ hai, 29/04/2024 09:18
Lầu Năm Góc thông báo rút một phần lực lượng đồn trú ở Chad, vài ngày sau khi quốc gia châu Phi phản đối sự hiện diện của lính Mỹ. Đây được xem là đòn giáng mạnh thứ hai chỉ trong một tuần vào chính sách an ninh và chống khủng bố của Mỹ tại khu vực đầy biến động ở Tây và Trung Phi.
Thành viên Lực lượng Đặc biệt Mỹ dẫn dắt các binh sĩ Chad trong một cuộc tập trận ở Ndjamena, Chad, năm 2017. Ảnh: New York Times
Thành viên Lực lượng Đặc biệt Mỹ dẫn dắt các binh sĩ Chad trong một cuộc tập trận ở Ndjamena, Chad, năm 2017. Ảnh: New York Times

Liên tục hứng đòn giáng

"Bộ tư lệnh lực lượng Mỹ tại châu Phi (USAFRICOM) đang lên kế hoạch di dời một số đơn vị khỏi Chad. Một phần trong số này đã có lịch rời đi từ trước", phát ngôn viên Lầu Năm Góc Pat Ryder cho biết hôm 26-4. Quân đội Mỹ đang duy trì khoảng 100 binh sĩ đồn trú tại Chad nhằm phục vụ chiến lược đối phó các nhóm vũ trang cực đoan ở châu Phi. "Đây là bước đi tạm thời, nằm trong quá trình đánh giá hợp tác an ninh song phương, hoạt động phối hợp sẽ được nối lại sau cuộc bầu cử tổng thống Chad ngày 6-5", ông Ryder nói thêm.

Trước đó, theo kênh RT (Nga) ngày 21-4, Chad đã yêu cầu quân đội Mỹ tạm dừng các hoạt động tại một căn cứ không quân gần thủ đô Ndjamena, nơi duy nhất có hiện diện của lực lượng Mỹ ở nước này. Trong bức thư gửi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Tham mưu trưởng Không quân Chad, Tướng Idriss Amine Ahmed, cho biết đã yêu cầu Tùy viên quốc phòng Mỹ tạm dừng các hoạt động của các binh sĩ Mỹ tại căn cứ không quân Adji Kossei. Theo Bloomberg, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận Chad đã cảnh báo Mỹ ngưng hoạt động tại căn cứ Adji Kossei. "Chad chưa yêu cầu lực lượng Mỹ rút đi. Mỹ và Chad đã nhất trí rằng giai đoạn sau cuộc bầu cử tổng thống Chad sắp tới là thời điểm thích hợp để xem xét lại hợp tác an ninh giữa hai bên", một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ nói với Bloomberg. Tuy nhiên, kênh CNN trích dẫn các nguồn tin tình báo đưa tin rằng, trong một lá thư riêng, quân đội Mỹ đã được lệnh rút hoàn toàn khỏi căn cứ không quân Adji Kossei. Chad cũng đe dọa hủy bỏ thỏa thuận liên quan đến cách quân đội Mỹ có thể hoạt động ở quốc gia Trung Phi này.

Quyết định rút lực lượng đang hoạt động tại Ndjamena, thủ đô của Chad, được đưa ra vài ngày sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết sẽ rút hơn 1.000 quân nhân Mỹ khỏi Niger trong những tháng tới. Trong khi Mỹ tạm dừng hỗ trợ an ninh sau khi quân đội Niger lên nắm quyền hồi hè năm ngoái, các cuộc đàm phán vẫn tiếp tục, với việc Washington tìm cách buộc Niamey phải đồng ý với quá trình chuyển tiếp dân chủ. Tuy nhiên, cuộc họp căng thẳng vào tháng rồi đã khiến chính quyền quân sự Niger hủy bỏ thỏa thuận về trạng thái lực lượng và tuyên bố sự hiện diện của quân đội Mỹ là "bất hợp pháp".

Từ năm 2022, Mỹ đã có những nỗ lực nhằm "xoay trục" về châu Phi nhằm củng cố vai trò của Washington tại châu lục giàu tài nguyên và có vị thế ngày càng quan trọng này, đặc biệt là trước tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Nga và Trung Quốc tại đây. "Chiến lược của Mỹ hướng tới châu Phi cận Sahara" được công bố năm 2022 đã nhấn mạnh các ưu tiên chính của Mỹ đối với châu Phi. Tuy nhiên, với những diễn biến mới từ Niger và Chad, chiến lược châu Phi của Mỹ dường như đang liên tục hứng đòn giáng. Lầu Năm Góc đang buộc phải rút quân theo yêu cầu của các chính phủ châu Phi nhằm đàm phán lại các quy tắc và điều kiện để quân nhân Mỹ có thể hoạt động ở đất nước họ. Các nhà phân tích cho biết cả hai nước chủ nhà đều mong muốn những điều khoản có lợi hơn cho họ.

Hướng sang Nga?

Theo kênh RT (Nga), tâm lý chống phương Tây đang gia tăng trên khắp châu Phi. Trong khi đó, ảnh hưởng của Nga trong khu vực ngày càng gia tăng. Nga và Niger hồi tháng 1 năm nay đã đồng ý tăng cường hợp tác quân sự và chống khủng bố ở khu vực Sahel. Tính đến giữa năm 2023, Nga đã ký thỏa thuận hợp tác với hơn 40 quốc gia châu Phi. Một số nhà lãnh đạo châu Phi hoan nghênh sự giúp đỡ của Nga, nói rằng "Moscow thể cung cấp hỗ trợ an ninh một cách nhanh chóng trong khi Mỹ không thể". Những người khác phản đối yêu cầu cải cách dân chủ của Mỹ, nói rằng "phương Tây không có quyền thuyết giảng về dân chủ ở châu Phi trong khi bỏ qua những vấn đề tương tự với các đồng minh ở những nơi khác trên thế giới".

Sự ra đi của các cố vấn quân sự Mỹ ở Chad diễn ra khi Niger, cũng như Mali và Burkina Faso, đang quay lưng lại với Mỹ sau nhiều năm hợp tác và hình thành quan hệ đối tác với Nga - hoặc ít nhất là khám phá mối quan hệ an ninh chặt chẽ hơn với Moscow. Vào tháng 1 năm nay, Tổng thống chuyển tiếp của Cộng hòa Chad Mahamat Idriss Deby Itno đã có chuyến thăm tới Moscow - một động thái hiếm thấy của Chad trong 56 năm qua. Đón ông Mahamat, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhấn mạnh rằng, Nga sẽ giám sát chặt chẽ tình hình tại Chad và sẽ đóng góp vào sự ổn định của quốc gia này. Nhà lãnh đạo Nga đồng thời cam kết "sẽ hỗ trợ bằng mọi cách" nhằm ổn định tình hình ở Chad. Ông Putin cho biết, mối quan hệ giữa Nga và Chad đã "phát triển đặc biệt sâu sắc trong những năm gần đây". Nhà lãnh đạo Nga thời điểm đó tiết lộ rằng "một bộ tài liệu đang được chuẩn bị để củng cố và mở rộng khuôn khổ pháp lý của hai nước".

AN BÌNH