Thêm một người ở Quảng Nam bị cán bộ công an “dỏm” lừa 150 triệu đồng

Thứ bảy, 10/07/2021 06:38

Ngày 9-7, trao đổi với phóng viên Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng, đại diện lãnh đạo Công huyện Tiên Phước (Quảng Nam) xác nhận, trên địa bàn huyện vừa xảy ra vụ việc có đối tượng mạo danh “cán bộ Công an” để lừa chiếm đoạt của chị N.T.H. (trú thị trấn Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước) số tiền 150 triệu đồng.

Những số điện thoại các đối tượng mạo danh Công an gọi cho người dân để lừa đảo.

Trước đó, sáng 25-6-2021, chị N.T.H (trú thị trấn Tiên Kỳ) nhận được cuộc gọi từ số +670001673959 của một người đàn ông tự xưng là “Trung úy Trần Đình Thuận” công tác tại Công an TP Đà Nẵng. Vị “cán bộ” này thông báo chị H. có liên quan đến vụ việc điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn rồi bỏ trốn. Điều đáng nói, “cán bộ Công an” Trần Đình Thuận đọc chính xác số CMND và họ tên của chị H. khiến chị tin sự việc là thật.

Tiếp đến, “cán bộ” Thuận thông tin sẽ thông báo cho cán bộ thụ lý điều tra vụ việc này gọi lại cho chị H. để làm rõ sự viêc. Ngay sau đó, một đối tượng khác gọi đến từ số +3792363822300 xưng là “Đại úy Phạm Văn Phúc”, đang công tác tại Đội 11 - Phòng Cảnh sát điều tra Công an TP Đà Nẵng. Sau khi thông tin sơ lược về vụ việc, “cán bộ” Phúc hăm dọa: “Với hành vi trên, chị phải tạm giam 4-6 tháng để điều tra. Nếu chị không muốn bị tạm giam thì phải nộp tiền bảo lãnh thông qua tài khoản ngân hàng tôi cung cấp”.

Mặc dù chị H. biết rõ mình không hề liên quan đến vụ tai nạn, nhưng lo sợ bị bắt giam nên đã tin và làm theo lời của các đối tượng. Chị H. đã chuyển khoản số tiền 150 triệu đồng vào số tài khoản đối tượng cung cấp. Nhận được tiền, “Đại úy” Phạm Văn Phúc liền “cắt” liên lạc với chị H. Sau khi bình tĩnh lại, biết mình bị lừa, chị H. liền đến cơ quan Công an trình báo.

Qua sự việc này, Công an huyện Tiên Phước khuyến cáo, cơ quan chức năng khi liên hệ làm việc với công dân đều gửi văn bản mời đến trụ sở để làm việc. Do đó, khi có đối tượng gọi đến tự xưng là “cán bộ Công an” làm việc qua điện thoại thì người dân tuyệt đối không làm theo yêu cầu của các đối tượng. Nhất là yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, chuyển tiền cho các đối tượng.

Như Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng đã thông tin, khoảng 11 giờ ngày 7-7-2021 anh V.Đ.T (1998, tạm trú TP Tam Kỳ, Quảng Nam) nhận nhiều cuộc gọi xưng danh là “cán bộ” Công an TP Đà Nẵng thông tin sự việc anh T. có liên quan đến vụ tại nạn bỏ trốn tại TP Đà Nẵng. Sau đó, các đối tượng yêu cầu anh T. nộp 10 triệu đồng để giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, qua trò chuyện, các đối tượng nhận thấy anh T. không có nhiều tiền nên quyết định buông tha cho “con mồi”.

Còn trước đó, khoảng 9 giờ ngày 8-6-2021, chị Nguyễn T.N.Y (1997, trú phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) nhận cuộc gọi của nhiều đối tượng xưng danh là “cán bộ” CSGT Công an TP Đà Nẵng thông báo rằng: Chị Y. vi phạm Luật GTĐB và liên quan đến một chiếc ô-tô. Sau đó, vị “cán bộ” gửi cho chị Y. một đường link rồi người này yêu cầu chị Y. đăng nhập vào và soạn tin với nội dung TCB HUI SMART OTP gửi đến số 8049. Sau khi thực hiện các thao tác theo yêu cầu của “cán bộ Công an” gọi tới hướng dẫn, đến chiều tối cùng ngày tài khoản Techcombank của chị Y. liên tục bị trừ tổng cộng 837 triệu đồng. Lúc này, chị Y. mới tá hỏa nhận ra bị kẻ xấu lừa chiếm đoạt tài sản, nên đến trình báo với cơ quan Công an.

Mặc dù các cơ quan chức năng, truyền thông đã thông tin rộng rãi về thủ đoạn mạo danh “cán bộ Công an” để lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua chiêu trò như: có liên quan đến vụ tai nạn giao thông, phạt nguội vi phạm giao thông, hoặc đang “dính líu” đến đường dây ma túy, rửa tiền… tuy nhiên, vẫn có rất nhiều nạn nhân “sập bẫy”. Do đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa có biện pháp tuyên truyền để nâng cao cảnh giác cho nhân dân.

LÊ VƯƠNG