Thêm nhiều tư liệu mới, quý giá về Hoàng Sa

Thứ hai, 14/01/2019 09:42

Hội thảo khoa học "Nghiên cứu và truyền thông giáo dục về quần đảo Hoàng Sa, TP Đà Nẵng trong giai đoạn hiện nay" do UBND H.Hoàng Sa (Đà Nẵng) tổ chức ngày 12-1, với sự tham gia của nhiều nhà khoa học trong cả nước đã cung cấp thêm tư liệu quý, mới liên quan đến quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo thiêng liêng này. Đặc biệt, nhiều đại biểu đã đóng góp ý kiến, đề xuất giải pháp đầy tâm huyết nhằm tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác truyền thông giáo dục, tạo nhận thức sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, nhất là trong nhà trường về chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa trong giai đoạn hiện nay.

TS Trần Công Trực- Chủ trì hội thảo. Ảnh: P.T

Những chứng cứ sử liệu có giá trị pháp lý

Theo ông Võ Ngọc Đồng-Chủ tịch UBND H.Hoàng Sa, đồng chủ trì hội thảo, thời gian qua, nghiên cứu về biển, đảo của Việt Nam trên Biển Đông nói chung, quần đảo Hoàng Sa nói riêng được các nhà khoa học, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Đà Nẵng đặc biệt quan tâm. Có nhiều công trình nghiên cứu về các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trong Biển Đông đã góp phần cung cấp thêm các cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ công tác giáo dục, tuyên truyền về biển, đảo Việt Nam nói chung, Hoàng Sa nói riêng. Hội thảo lần này đã nhận được 25 tham luận, phụ lục tư liệu của các nhà khoa học trong cả nước có thâm niên nghiên cứu về Hoàng Sa và các nhà nghiên cứu trẻ. "Qua các tham luận có thể nhận thấy trách nhiệm và tâm huyết của các nhà nghiên cứu đối với các quyền của Việt Nam trong Biển Đông nói chung, quần đảo Hoàng Sa nói riêng"- ông Võ Ngọc Đồng chia sẻ. 

Trong số tham luận trình bày tại hội thảo, đáng chú ý là công bố tư liệu Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ của 3 tác giả: TS Nguyễn Tuấn Cường, TS Trần Trọng Dương (Viện Nghiên cứu Hán Nôm), Lê Văn Ất (HVCH, Học viện KHXH) mới phát hiện tại Nhật Bản có ghi chép về quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đây là tư liệu quý lần đầu được công bố. Thay mặt nhóm nghiên cứu, TS Nguyễn Tuấn Cường cho biết, Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ là một văn bản giấy dó còn nguyên vẹn, khổ 30x17cm, gồm 40 trang, chữ Hán được viết theo thể chữ khải, vẽ đường đi từ Kinh Đô (Thăng Long) đến Chiêm Thành. Văn bản này được nhóm sưu tầm tại Tư Đạo văn khố (Shido Bunko), Đại học Keio ở Tokyo (Nhật Bản). "Tên sách này không thấy xuất hiện trong kho sách Viện Nghiên cứu Hán Nôm hay bất cứ kho sách khác trong nước"-TS Nguyễn Tuấn Cường cho biết thêm. Trên cơ sở sử dụng phương pháp văn bản học và bản đồ học để đối chiếu, so sánh giữa những ghi chép và hình họa của Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ với ghi chép trong tập bản đồ Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư cùng một số bản đồ cổ khác, từ đó, nhóm nghiên cứu đã đánh giá tầm quan trọng giữa việc kết hợp đồ hình và đạo lý đồ để ghi chép về địa danh Bãi Cát Vàng (hay còn gọi là quần đảo Hoàng Sa). Đây là sử liệu góp phần khẳng định vị trí ngoài khơi xa của quần đảo Hoàng Sa, chứ không phải dải cát ven bờ.

Ngoài ra, tham luận nghiên cứu của TS Trần Trọng Dương (Viện nghiên cứu Hán Nôm) về việc vua Gia Long sau khi tái lập triều Nguyễn đã tái lập đội Hoàng Sa - đội công sai chuyên trách thực thi chủ quyền của Nhà nước Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa đã cung cấp nhiều sử liệu Hán Nôm của Việt Nam cũng như những sử liệu của phương Tây (bằng tiếng Anh, Latinh, Pháp) để minh chứng cho sự chiếm hữu chính thức trên phương diện quốc gia, cũng như những thực thi chủ quyền chính thức của triều Nguyễn thời Hoàng đế Gia Long trong khoảng thời gian từ 1803-1819.

Hay thông qua nghiên cứu các tài liệu báo chí đương thời, ThS. Nguyễn Quang Trung Tiến (Đại học Khoa học Huế) đã cung cấp thông tin liên quan đến những hoạt động xâm phạm của Nhật Bản và cuộc đấu tranh với Nhật Bản để khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của chính phủ, quân đội Pháp và triều đình Huế trước năm 1945. Với tham luận liên quan đến những chính sách biển Việt Nam trong thế kỷ 21, TS Nguyễn Thanh Minh (Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển- Bộ Quốc phòng) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, đấu tranh bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, chúng ta bảo vệ tính chính danh, liên tục để khẳng định chủ quyền của Việt Nam xuyên suốt đối với quần đảo này. "Tính chính danh đối với luật pháp và quốc tế rất quan trọng"- TS Nguyễn Thanh Minh chia sẻ thêm. Đồng chủ trì hội thảo khoa học, TS Trần Công Trực-nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ-cho rằng, Việt Nam có đầy đủ các bằng chứng lịch sử có giá trị pháp lý để chứng minh cho chủ quyền thiêng liêng với Hoàng Sa, Trường Sa.

Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về quần đảo Hoàng Sa  

Ông Võ Ngọc Đồng nhìn nhận: "Đến nay, những nghiên cứu về Biển Đông nói chung tương đối nhiều, tư liệu về Hoàng Sa cũng rất phong phú. Tuy nhiên, việc truyền thông giáo dục thiết thực, hiệu quả về quần đảo Hoàng Sa đến với nhiều đối tượng khác nhau vẫn là vấn đề cấp thiết, cần được tổ chức mạnh mẽ, sâu rộng và liên tục hơn. Chính vì vậy, đặt vấn đề "Nghiên cứu và truyền thông giáo dục về quần đảo Hoàng Sa, TP Đà Nẵng trong giai đoạn hiện nay" không đơn thuần là chủ đề của Hội thảo mà còn là vấn đề trăn trở để làm sao công tác nghiên cứu phải được chuyển hóa hiệu quả vào công tác tuyên truyền về Hoàng Sa".

Cũng theo ông Đồng, thời gian qua, TP Đà Nẵng rất quan tâm đến việc tuyên truyền, giáo dục về biển đảo. Bằng những hoạt động thiết thực như: đưa Hoàng Sa vào chương trình giáo dục lịch sử địa phương của Sở GD-ĐT, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Hoàng Sa do Hội Khoa học Lịch sử TP phối hợp Sở GD-ĐT tổ chức, UBND H.Hoàng Sa ngoài việc phối hợp với nhiều tổ chức, cá nhân đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo thiêng liêng này, đã phối hợp tổ chức sưu tầm, tiếp nhận, xây dựng cơ sở dữ liệu về Hoàng Sa và tiến hành xây dựng Nhà Trưng bày Hoàng Sa. Tính đến ngày 30-12-2018, qua 9 tháng đi vào hoạt động, Nhà trưng bày Hoàng Sa đã đón 249 đoàn với gần 20.000 lượt khách Việt Nam và quốc tế đến tham quan... Tất cả các hoạt động này đã góp phần nói lên được những nỗ lực, quyết tâm của UBND H.Hoàng Sa nói riêng, TP Đà Nẵng nói chung trong công tác tuyên truyền về chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. 

ThS. Bùi Văn Tiếng (Chủ tịch Hội KHLS Đà Nẵng) cho rằng, tuyên truyền, giáo dục về quần đảo Hoàng Sa là sứ mệnh thiêng liêng của mọi người Việt Nam yêu nước nhưng trước hết vẫn là nghĩa vụ cao cả của người Đà Nẵng, bởi liên tục từ năm 1961 đến nay, Đà Nẵng đã được giao quyền quản lý nhà nước đối với quần đảo này. Theo ông Tiếng, đối tượng để tuyên truyền, giáo dục về quần đảo Hoàng Sa rất rộng, tuy nhiên, ông chỉ đi sâu vào việc tìm kiếm các giải pháp tuyên truyền, giáo dục về quần đảo Hoàng Sa trong các trường học ở Đà Nẵng. Theo đó, ông Tiếng đưa ra 3 nội dung cùng 4 giải pháp trong công tác tuyên truyền, giáo dục về quần đảo Hoàng Sa trong các trường học ở Đà Nẵng. HS-SV được tuyên truyền, giáo dục về quần đảo Hoàng Sa không chỉ để biết mà chủ yếu là để khi trưởng thành có thể tự giác và tích cực đóng góp vào quá trình đấu tranh khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa đang bị cưỡng chiếm trái phép bằng vũ lực và trong bối cảnh Biển Đông dậy sóng hiện nay. "Và ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cũng không phải chỉ biết cho có biết mà còn phải biết để hành động, chẳng hạn biết để mà phản ứng khi nhìn thấy tấm bản đồ Tổ quốc ở đâu đó vô tình hay cố ý vẽ thiếu Hoàng Sa và Trường Sa... Theo tôi, sự nhạy cảm chính trị đáng quý ấy phải là sản phẩm chủ yếu của việc tuyên truyền, giáo dục về quần đảo Hoàng Sa trong trường học hiện nay"-ông Tiếng nhấn mạnh.

Song hành mong muốn xây dựng cột mốc, biểu tượng về Hoàng Sa để "mỗi người đến với Nhà truyền thống không chỉ được thấy những bằng chứng lịch sử mà Hoàng Sa còn là điểm "hành hương về lòng yêu nước" của ông Võ Ngọc Đồng, TS Trần Công Trực cho rằng, cần xây dựng một đề cương trưng bày hiện vật, tư liệu về quần đảo Hoàng Sa ở Nhà Trưng bày này. Đồng thời, Nhà Trưng bày này và TP Nẵng phải trở thành trung tâm hạt nhân nghiên cứu khoa học và tuyên truyền giáo dục về quần đảo Hoàng Sa.

P.Thủy