Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát: "Phải gìn giữ lấy biển quê hương"

Thứ sáu, 03/02/2012 00:00

(Cadn.com.vn) - Vào khoảng năm 1992, trong một chuyến công tác thăm chiến trường xưa tại Quảng Nam- Đà Nẵng của đoàn cán bộ gồm các vị chỉ huy quân sự thời kỳ kháng chiến chống Pháp, tôi đã may mắn có dịp tháp tùng cùng các vị tướng  Nguyễn Bá Phát, Nguyễn Huy Chương... Tất cả những hình ảnh và lời nói của 2 vị tướng với tôi vẫn còn như  nguyên vẹn, nhất là trong dịp kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 - 3-2-2012),  dù giờ đây họ đã đi xa ...

Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát (1921-1993) quê làng Trung Sơn, H. Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam (nay là xã Hòa Liên, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) nguyên Tư  lệnh Hải quân Nhân dân Việt Nam. Ông thường được biết đến như  là một vị tướng có công đầu đối với sự hình thành và phát triển của Quân chủng Hải quân Nhân dân Việt Nam anh hùng từ ngày đầu thành lập đến khi kháng chiến chống Mỹ kết thúc. Ông cũng là người có những cống hiến không nhỏ đối với việc xây dựng đoàn tàu không số, chỉ đạo và phát triển "Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển" chi viện đắc lực cho chiến trường miền Nam, bảo vệ và phòng thủ bờ biển... Trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp tại Quảng Nam-Đà Nẵng (20-12-1946), cùng với Thượng tướng Đàm Quang Trung, ông là vị chỉ huy can trường trực tiếp tổ chức nhiều trận đánh ác liệt gắn liền với các địa danh như: đèo Hải Vân, Xuân Thiều, Gò Cà, Thanh Quýt, sông Trường Định... Tên ông cũng đã được đặt cho một đường phố chính ở TP Đà Nẵng quê hương.

Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát (giữa) đang kể lại những trận đánh tại cầu Thủy Tú, Nam Ô. 

Trong những lần được tiếp cận Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát tại nhà riêng lúc sinh thời, tôi luôn có ấn tượng khó quên, bởi bao giờ ông cũng  thể hiện một phong cách rất riêng. Đó là trước khi mở đầu câu chuyện, ông mời liên tiếp 3 ly rượu trắng rất nặng. Ông nói: "Tôi là dân thủy thủ. Cậu phải uống với tôi mới hiểu được những câu chuyện sóng gió trên biển cả...". Những câu chuyện kể của ông sau này, tôi thấy phần lớn đều in lại trên nhiều sách báo. Tuy nhiên, những điều ông nói về biển tôi còn lưu giữ lại dưới đây thì thấy hầu như chưa thấy trích dẫn:

"Tôi lớn lên trong một gia đình nghèo, cha là một nhà nho có tinh thần yêu nước, dạy chữ Hán có tiếng trong vùng. Năm 10 tuổi, phần vì chỉ học chữ quốc ngữ, phần vì có những chuyện không hay trong tộc họ, tôi bỏ đi đăng vào các tàu Pháp (1939). 6 năm lênh đênh trên biển cả, tôi đã đi đến nhiều bờ biển Châu Á, Châu Phi, qua tận đảo Réunion hay Madagascar để tìm thăm ông vua và các chiến sĩ yêu nước bị đày ải ở đó. Trong các câu lạc bộ thủy thủ, tôi được nghe bao điều, từ cộng sản đến xã hội, tự do đến cách mạng và nhiều thông tin ở quê nhà. Năm 1945, sau khi về Sài Gòn, tôi về quê, rồi tham gia Ủy ban cách mạng của làng Trung Sơn (Hòa Vang), theo Đảng. Từ bài học quân sự cách mạng đầu tiên ở làng quê, tôi tiếp nhận mọi nhiệm vụ và có mặt ở mọi chiến trường cho đến khi thành Tư lệnh Hải quân Nhân dân, có lúc kiêm Tư lệnh quân khu Đông Bắc. Thời tuổi trẻ, tôi có nhiều kỷ niệm về biển cả, hay đúng hơn, tôi đã được đi trên những con đường diệu kỳ- "Đường Hồ Chí Minh trên biển" để cùng anh em bộ đội các quân chủng khác giành lại độc lập, thắng lợi cho quê hương. Có lần đón Bác Hồ đến thăm một đơn vị Hải quân, tôi nhớ lời Bác nói: "Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó". Tôi muốn nhắc lại câu nói đó với các bạn trẻ".

Trần Trung Sáng