Thơ Đường của một phụ nữ Việt ở phương Tây

Thứ hai, 14/12/2015 10:39

(Cadn.com.vn) - Tôi gặp Phượng Hoàng từ một sự tình cờ cách đây khá lâu. Một ông bạn già của tôi, cũng là bạn vong niên của cô alô mời tôi uống cà phê để đàm đạo thơ Đường với một phụ nữ vừa về từ Anh Quốc. Lạ. Một phụ nữ còn khá trẻ, sống nhiều năm ở xứ sở sương mù lại thích làm thơ Đường luật sao? Vì thơ Đường là "đặc sản" của... các cụ dùng ngâm vịnh, xướng đối, tiêu khiển... Do sự chật hẹp của chiếc áo mặc, là thể cổ phong nên thơ Đường luật không là lựa chọn của những người trẻ tuổi phóng khoáng, càng không là lựa chọn của những phụ nữ trẻ hiện đại, nhất là sống ở phương Tây năng động đến gấp gáp. Lần gặp đó, tôi được nghe, được đọc một số bài thơ Phượng Hoàng mở ra từ một chiếc Ipad và cảm nhận đây là một "tay phím" có nhiều điều lạ. Lạ về tính cách. Lạ về lối sống. Lạ về lối đi chênh vênh trên con đường nghệ thuật. Bẵng vài năm, tôi nghe tin Phượng Hoàng về nước đầu tư kinh doanh, bởi "Cơm áo không đùa với khách thơ".  Nhưng rồi trước sự ngạc nhiên của mọi người, Phượng Hoàng cho ra mắt một lúc cả hai tập thơ "Chặng đường" và "Nghiêng đời" (Nxb Đà Nẵng - 2-2015). Rồi chẳng bao lâu sau là tập thơ "Vết thời gian" (Nxb Văn Học - 11-2015).

 

Nhiều người nói rằng, một số doanh nhân tập làm thơ để điểm tô thêm cho sự thành đạt của mình. Nó như một chút điệu đàng, đỏm dáng. Nhưng riêng với Phượng Hoàng, thơ là nghiệp. Chỉ có cái nghiệp đa mang mới nặng nợ, mới trở trăn, quằn quại với con chữ đến vậy. Vì nghiệp mà Phượng Hoàng hân hoan tiến bước trong niềm vui âm thầm trước khi nhận được sự đồng cảm và chia sẻ của bè bạn và mọi người. Ra đi từ một miền quê. Sống ở nước ngoài, nên quê hương, làng mạc, dòng sông, ruộng lúa, bờ tre và nhất là dáng hình của mẹ cha tần tảo luôn là nỗi nhớ thương khôn nguôi trong lòng của một người xa xứ. Cổ kim đã vậy. Nên Phượng Hoàng cũng không là ngoại lệ: "Lặng ngắm hoàng hôn đã xế tà/ Mây ngàn lạc bước ở miền xa/ Chùng chân dỗi núi niềm thương mẹ/ Mỏi gót hờn trăng nỗi nhớ nhà" (Viễn xứ).

Khi bước chân qua vùng tuyết giữa những mùa đông tê buốt xứ người là lúc thèm một chút quê xưa miền nhiệt đới như thèm làn hơi của tổ ấm, nhớ tuổi nhỏ hồn nhiên chân sáo năm nào, nhớ những tình người chân quê ở xóm thôn giúp nhau khi trái gió trở trời, dù chẳng máu thịt ruột rà: "Tuyết lạnh buồn hiu lại nhớ nhà/ Mơ về thấy mẹ đón ôm ta/ Đàn trâu gặm cỏ xuyên triền núi/ Tụi nhỏ giành nhau hái hột là/ Nhí nhảnh bên đường chân điệu sáo/ Tưng bừng giữa suối tiếng mưa sa/ Người quê thắm đượm tình thôn xóm/ Giúp đỡ thương yêu chẳng ruột rà" (Nhớ nhà).

Phượng Hoàng đã sống qua sự biến động của thời cuộc, của gia đình và đặc biệt là của thân gái dặm trường, ly quê, ly hương. Chỉ sống thôi đã khó, vươn lên để thành công lại càng khó hơn. Phượng Hoàng cũng có những nỗi niềm riêng không thể nói thành lời, khó chia sẻ cùng ai nên thơ ca như là một lựa chọn để làm bạn đồng hành, chia sẻ niềm tâm sự khi từng đêm trở giấc bâng khuâng: "Lặng lẽ đêm buồn hỏi áng mây/ Buồn sao đến mãi với ta vầy/ Neo buồn vận mỏng nhòa môi đắng/ Để lạnh tim buồn thấm lệ cay" (Tủi má hồng).

 

Trong những lần về Đà Nẵng vì công việc, tuy bận rộn nhưng cái "nòi thi nhân" vẫn cứ kéo được Phượng Hoàng đến các khoảng trời riêng ở góc quán, góc phố để ngồi cùng vài người bạn thân - sơ trong chút tình đồng điệu thi ca. Đó như là "giờ giải lao" cần thiết trước khi quay lại "mặt trận" của thương trường: "Một tối đầu xuân khác lệ thường/ Đà thành chuốc lạnh hững hờ sương/ Hòa vui chén rượu bên hè phố/ Khởi đáp vần thơ giữa độ đường..." (Chén rượu đêm sương).

Với bài thơ "Giấc đời", làm thơ là thú vui tao nhã của Phượng Hoàng, là trò chơi của tư duy, trí tuệ bên cạnh công việc căng thẳng. Tác giả hiện ra trong "Giấc đời" thanh thoát, ung dung và tự tại: "Cạn chén cũng ta lãng tử chàng/ Say cùng ả nguyệt đón mùa sang/ Bao điều mệt trí buông thong thả/ Mấy chuyện buồn tâm quẳng nhẹ nhàng/ Mượn bút đề thơ khi gió gọi/ So tài vịnh phú lúc mây ngang...". Về nghệ thuật viết thơ Đường, Phượng Hoàng không chỉ nhuần nhuyễn về niêm luật mà còn khá thông thạo nhiều hình thức thể hiện khác nhau của lối thơ này, như liên hoàn nhị khúc, lưu thủy, giao cổ đối, ngũ độ thanh, bát láy cô nhạn, bát vận đồng âm... Để thể hiện được các hình thức thơ đó, không gì khác hơn là nỗ lực nghiên cứu, học tập, nắm bắt cách thể hiện của người xưa và khổ luyện để đạt được sự nhuần nhuyễn nhất định về thi pháp và ngôn từ. Viết được như vậy trong giới thơ Đường luật Việt hiện nay không nhiều. Một tác giả nữ trẻ lại càng hiếm hoi.

Chừng đó thôi đủ để ghi nhận sự nỗ lực của Phượng Hoàng khi chọn chiếc áo mặc thâm nghiêm cổ kính thơ Đường. "Vết thời gian" là tập thơ xứng đáng nhận được sự mến mộ và trân trọng của bạn bè, của những người yêu thơ và của giới làm thơ Đường luật.

Mai Hữu Phước

(Đọc tập thơ Vết thời gian của Phượng Hoàng, Nxb Văn học - 2015)