Thỏa thuận không làm việc cho đối thủ cạnh tranh có phù hợp với quy định của pháp luật không?
* Bạn đọc hỏi: Ông Hoàng B., trú Q. Liên Chiểu (TP Đà Nẵng), hỏi: Hiện tôi đang làm việc tại Công ty F. theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn với vị trí là nhân viên công nghệ thông tin. Sắp tới, Công ty F. yêu cầu tôi ký kết thỏa thuận không làm việc cho đối thủ cạnh tranh trong thời gian 1 năm nếu tôi nghỉ việc. Vậy cho tôi hỏi yêu cầu của Công ty F. có phù hợp với quy định của pháp luật không?
* Luật sư Phạm Văn Thanh - Phó trưởng Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên Danh tại TP Đà Nẵng, trả lời: Khoản 1 Điều 35 Hiến pháp 2013 ghi nhận: Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc. Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 và Khoản 1 Điều 10 Bộ luật Lao động năm 2019 (BLLĐ) quy định người lao động (NLĐ) có quyền làm việc; tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp; không bị phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc, được tự do lựa chọn việc làm, làm việc cho bất kỳ người sử dụng lao động (NSDLĐ) nào và ở bất kỳ nơi nào mà pháp luật không cấm. Vì vậy, đây là quyền lợi hợp pháp của NLĐ, cho phép NLĐ có quyền được tự do lựa chọn làm việc tại bất kỳ nơi nào.
Tuy nhiên, quyền tự do lựa chọn nơi làm việc vẫn bị giới hạn khi thuộc trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 21 BLLĐ. Cụ thể: NLĐ làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật thì NSDLĐ có quyền thỏa thuận bằng văn bản với NLĐ về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp vi phạm. Khoản 2 Điều 3 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận; mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng. Như vậy, việc thỏa thuận là quyền của các bên. Thỏa thuận không làm việc cho đối thủ cạnh tranh là yêu cầu hợp pháp nếu các bên tự nguyện và phù hợp với hoàn cảnh, môi trường làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật.
Do vậy, nếu như ông Hoàng B. làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ thì việc Công ty F. yêu cầu ông ký kết thỏa thuận không làm việc cho đối thủ cạnh tranh là phù hợp với quy định pháp luật. Ông B. và Công ty F. có thể cùng trao đổi và thống nhất về nội dung thỏa thuận để phù hợp với quyền và lợi ích hợp pháp của hai bên.
Chuyên mục này có sự cộng tác về chuyên môn của Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên danh tại TP Đà Nẵng.
Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 02363 572 456, 0903 573 138, 0915 554 797