Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại- niềm tự hào của quê hương Đà Nẵng

Thứ tư, 06/07/2011 00:00

(Cadn.com.vn) - Thoại Ngọc Hầu là danh tướng nổi danh của triều Nguyễn, tên thật là Nguyễn Văn Thoại, sinh ngày 26 tháng 11 năm Tân Tỵ (1761), tại làng An Hải, tổng An Lưu Hạ, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, dinh Quảng Nam (nay thuộc P.An Hải Tây, Q.Sơn Trà, TP Đà Nẵng). Sinh ra trong một giai đoạn lịch sử có những diễn biến phức tạp, từ nhỏ ông đã phải theo mẹ lánh vào Nam, định cư tại làng Thới Bình thuộc Cù lao Dài, xã Quới Thiện, H. Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long ngày nay. Tại đây, năm 1777, khi mới 16 tuổi, ông đầu quân đi theo Nguyễn Ánh mưu dựng cơ đồ. Là một vị tướng trí dũng song toàn, 2 lần ông được theo Nguyễn Ánh sang Vọng Các, 4 lần đi sứ Xiêm, hai lần sang Vạn Tượng giúp gây dựng mối thân giao và giải quyết các vấn đề quân vụ. Nhà Nguyễn thành lập, ông là bậc công thần, được phong tước thăng quan, là vị quan mẫu mực và có tầm nhìn chiến lược. Từ Khâm sai thống binh cai cơ (năm 1802), thăng Chưởng cơ quản suất một đội binh lưu thủ Bắc thành, rồi Trấn thủ Lạng Sơn; từ Trấn thủ Định Tường (năm 1808) đến lãnh Bảo hộ Cao Miên quốc ấn (năm 1813), rồi Trấn thủ Vĩnh Thanh (năm 1817), lại lãnh ấn Bảo hộ Cao Miên, Án thủ Châu Đốc Đồn, kiêm quản Quân vụ Hà Tiên..., bất kỳ ở đâu và với bất cứ cương vị nào ông cũng vang danh.

Đặc biệt, khi ông được cử làm Trấn thủ Vĩnh Thanh (gồm các tỉnh Châu Đốc, Long Xuyên, Kiên Giang, Sa Đéc và Vĩnh Long), ông đã thực thi công cuộc khai khẩn đất đai, lập làng lập ấp trên miền sông nước Hậu Giang. Những công trình do ông tổ chức thực hiện như đào kênh Đông Xuyên dài 37km, nối Long Xuyên (An Giang) đến Rạch Giá (Kiên Giang); đào kênh Vĩnh Tế Hà dài 97km nối liền sông Hậu (từ Châu Đốc - An Giang) đến sông Giang Thành (Hà Tiên); hay con đường từ thị xã Châu Đốc đến Núi Sam... đều có ý nghĩa mang tầm chiến lược, không chỉ về phát triển kinh tế - xã hội mà cả về an ninh quốc phòng.

  Tượng Thoại Ngọc Hầu. Ảnh: T.L

Đó cũng là những ước mơ của ông được ghi rõ trong Bia “Vĩnh Tế Sơn”: “Lão thần Thoại Ngọc Hầu này muốn nơi đồng hoang bát ngát này trở thành làng mạc trù phú, yên vui, dân cư đông đúc, sum vầy”.

Ngày mồng 6 tháng 6 năm Kỷ Sửu (1829), Nguyễn Văn Thoại mất tại Châu Đốc, hưởng thọ 68 tuổi. Thi hài ông được an táng bên chân núi Sam. Hai năm trước khi qua đời (1827), Thoại Ngọc Hầu đã có chuyến về thăm quê hương làng An Hải. Trong tờ trát gửi cho Xã trưởng, các hương lão làng An Hải ngày 20 tháng 4 năm Minh Mạng thứ 8 (1827), Thoại Ngọc Hầu nêu rõ việc ông về thăm quê, như sau:

“Mùa đông năm ngoái, trong xã có cho hai người: Lê Văn Trực, Trần Văn Chiêu đến hầu tại đồn, trình rằng: Tứ cận làng này là Mỹ Khê, Hóa Khê, Mỹ Tho, Phước Trường, Tân An, Nam An gồm chung thành địa phận 7 xã đều đồng lòng muốn họp chợ tại xã An Hải để vừa mở rộng đường tài chính vừa thắt chặt nghĩa thân lân. Vả lại, vào những năm trước, xã có tục lệ họp chợ lâu rồi. Nhưng sau, xã Hòa Châu gây rối, dẫn đến tranh chấp làm cho chợ ấy phải tan. Điều này dân chúng quanh vùng thảy đều biết rõ. Bổn chức đã thuận theo ý muốn ấy và đã truyền cho người nói trên trở về xã nhà thuật lại đều đủ đầu đuôi. Ví như nay tất cả 7 xã đều đồng tình như vậy thì mỗi xã phái một mục dịch tháp tùng bổn chức, thân hành đến trước chợ, xem xét lại cho rõ rồi cho thi hành” .

Như vậy, theo nội dung tờ trát, Thoại Ngọc Hầu về làng An Hải lần đó là do lời yêu cầu của nhân dân làng An Hải và các làng Mỹ Khê, Hóa Khuê, Mỹ Thị, Phước Trường, Tân An và Nam An. Mục đích là cùng với các mục dịch của 7 làng nói trên lập lại chợ An Hải để “mở rộng đường tài chính vừa thắt chặt nghĩa thân lân”, chợ Bà Thân hiện nay được xây dựng trên nền đất chợ Bà Thân cũ, có đình chợ và các lều quán; khuôn viên khá rộng. Chợ Bà Thân trở thành trung tâm trao đổi buôn bán của người dân ở ven hữu ngạn sông Hàn. Ghe thuyền qua lại bến đò Bà Thân (người đời sau đọc trại Bà Thân thành Hà Thân) nhộn nhịp hơn. Mối quan hệ “thân lân” của làng An Hải với các xã ở hữu ngạn Sông Hàn và cả với Hải Châu bên tả ngạn Sông Hàn cũng diễn ra tốt đẹp.

Tên tuổi, tước hiệu của ông và Bà Chánh thất Châu Thị Vĩnh Tế không những được các quân vương nhà Nguyễn cho ghi dấu vào sông, vào núi với những tên gọi như: Thoại Hà, Thoại Sơn, Vĩnh Tế Hà, Vĩnh Tế Sơn mà cả bao thế hệ người dân An Giang nói riêng và vùng Hậu Giang nói chung đều luôn ghi nhớ. Với tấm lòng tôn kính đối với các thế hệ tiền nhân và thể hiện đạo lý truyền thống của dân tộc, chúng ta cùng khẳng định và tự hào về những tài năng và phẩm cách của Thoại Ngọc Hầu - Nguyễn Văn Thoại trong hơn nửa thế kỷ thực thi công vụ. Càng tự hào về những công lao và sự nghiệp của ông với lịch sử dân tộc, chúng ta càng phải tích cực hơn nữa trong việc giữ gìn, bảo vệ và phát huy các giá trị mà Thoại Ngọc Hầu đã để lại trên quê hương Đà Nẵng hôm nay.

Viên Đình Phong