"Thời đại của sự xao lãng"- suy nghiệm về cuộc sống
(Cadn.com.vn) - Tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Truyền thông tại Mỹ theo học bổng Fulbright, Dương Trọng Huế rời Quảng Trị vào TPHCM làm giảng viên khoa Truyền thông của Đại học RMIT Việt Nam. Từ đây, những vấn đề thuộc về con người trong thời đại truyền thông thu hút sự quan tâm của Dương Trọng Huế được thể hiện qua những bài viết làm nên cuốn tạp văn Thời đại của sự xao lãng(*) do Nhà Xuất bản Văn hóa-văn nghệ ấn hành trong quý III-2016.
Với 39 bài viết trong ba phần nội dung của cuốn sách, Thời đại của sự xao lãng mang tới trong sự lĩnh hội của độc giả những cảm nhận và lý giải nghiêm túc, cụ thể về đời sống về những tác động của Internet thông qua việc sử dụng công cụ tìm kiếm toàn cầu Google, mạng xã hội đưa nhiều người đến xu hướng sống cuộc đời thứ hai trong thế giới ảo, khó phân biệt ranh giới giữa thực và ảo khi mà các phương tiện truyền thông làm cho sự nổi tiếng trở nên dễ dãi...
Đặc biệt, phần thứ ba-Tiếng hạc cầm bao chứa những ký ức tuổi thơ, thời hoa niên gắn với quê nhà của chính tác giả bằng "Những mùi hương xưa" hay "Ký ức cây hoa gạo", "Nhớ đỉa" có sức lôi cuốn bằng những suy nghiệm về cuộc sống thực đầy ắp kỷ niệm và thấm đẫm tình người giúp tác giả khi đã trưởng thành cảm nhận thêm nhiều giá trị nhân văn khi đọc câu chuyện của người chơi đàn hạc và hát bài ca giã biệt cho người đang trải qua giây phút vĩnh biệt cuộc sống, khi nhìn thấy bông ly ly bên cửa kính của phòng hồi sức cấp cứu ở bệnh viện cũng như chia sẻ những hiểu biết về ý nghĩa của lễ hội của lòng nhân ái hoặc của một không gian cuối tuần và cách sống tử tế vì nhau.
...Lý giải thấu đáo những hiện tượng xã hội của thời đại mà truyền thông thống lĩnh và tác động vào con người mọi lúc mọi nơi, phân tích của tác giả qua từng bài viết một lần nữa cho thấy cuộc sống trên mạng "ảo" mà rất thật bởi nó làm bộc lộ một phần, thậm chí nhiều phần của con người, từ sâu thẳm tâm tư đến cá tính hay thói quen, từ nghề nghiệp đến "trường quan hệ xã hội", từ quan điểm về những vấn đề trong cuộc sống đến giây phút xao động thoáng qua nào đó... Sự xao lãng ở đây chính là thái độ hời hợt (và tệ hơn là vô trách nhiệm) trong việc tìm hiểu và tiếp nhận tất cả những gì đang diễn ra quanh ta, từ các vấn đề xã hội có vẻ như không liên quan trực tiếp đến bản thân, đến cuộc sống và tâm trạng của người thân ngay bên cạnh.
Chúng ta bị cuốn hút bởi lượng thông tin ào ạt như thác đổ nên bị choáng ngợp, "tìm" nhiều mà "hiểu" thì ít vì sợ trở nên "lạc hậu" rồi từ đó lại góp thêm vào dòng thác đó bằng cách dẫn link về Facebook của mình hay bằng những bình luận khi chưa tiếp nhận đầy đủ thông tin cũng như không quan tâm đến ảnh hưởng của thông tin. Cứ thế, sự "xao lãng" thực chất các hiện tượng xã hội làm chúng ta ngày càng ít hiểu biết hơn với đúng nghĩa của từ này. Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu nhận định, là một người nghiên cứu khoa học nên nhiều bài viết của Dương Trọng Huế thể hiện văn phong khoa học, tuy nhiên dễ hiểu và có duyên bởi sự hóm hỉnh, nhẹ nhàng và bên cạnh một Dương Trọng Huế tỉnh táo trong phân tích thực trạng xã hội còn có một "Huế" khác khá lãng mạn, nhẹ nhàng trong những hồi ức về quê hương.
Nguyễn Bội Nhiên