Thông điệp từ chuyến thăm Đông Nam Á của Ngoại trưởng Mỹ

Thứ ba, 14/12/2021 17:10

Ngày 13-12, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến Indonesia, chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du Đông Nam Á gồm Malaysia, Thái Lan, nhằm thực hiện mục tiêu nâng quan hệ với ASEAN lên mức "chưa từng có".

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: AP

Đây là chuyến công du đầu tiên đến Đông Nam Á của Ngoại trưởng Blinken kể từ khi Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền đầu năm nay. Theo kế hoạch, sau Indonesia, điểm đến tiếp theo của ông Blinken trong tuần này sẽ là Malaysia và Thái Lan. Tại Indonesia, ngoại trưởng Blinken sẽ hội kiến Tổng thống nước chủ nhà Joko Widodo và có bài phát biểu về chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương vào ngày 14-12.

Hiện nay, Đông Nam Á được xem là nơi cạnh tranh chiến lược giữa hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc. Trước thềm chuyến thăm, trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Đông Á, ông Daniel nói rằng ông Blinken sẽ theo đuổi mục tiêu của Tổng thống Joe Biden là đưa cam kết với ASEAN lên mức "chưa từng có".  Washington sẽ tập trung vào củng cố hạ tầng an ninh khu vực để đối phó với Trung Quốc cũng như tầm nhìn về một khuôn khổ kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương, nhằm tăng cường hợp tác với ASEAN về các lĩnh vực như kinh tế số, chuỗi cung ứng, thương mại, năng lượng sạch.

Nước Mỹ dưới thời Tổng thống Biden coi Đông Nam Á là khu vực quan trọng trong nỗ lực đối phó với Trung Quốc. Tuy nhiên, Washington dường như đang thiếu một cơ chế chính thức để tăng cường ảnh hưởng tại khu vực nhất là sau khi cựu Tổng thống Donald Trump rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào năm 2017. "Chính quyền Mỹ đang chịu áp lực phải đưa ra một chiến lược kinh tế để cho các đồng minh và đối tác thấy sự cam kết tham gia kinh tế lâu dài trong khu vực", chuyên gia kinh tế Matthew Goodman, thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế tại Washington, nhận định.

Nhiệm vụ giải quyết vấn đề này được đặt lên vai ông Blinken. Các nhà phân tích và ngoại giao cho biết, ông Blinken có thể sẽ tìm cách lôi kéo các nước bằng triển vọng đưa các công ty Mỹ rời Trung Quốc về khu vực này.  Theo ông Kritenbrink, hiện Mỹ vẫn chưa xác định những yêu cầu cụ thể của khung hợp tác kinh tế dự kiến, tuy nhiên Mỹ sẽ tập trung vào việc tạo thuận lợi thương mại, kinh tế kỹ thuật số, khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng, năng lượng sạch và các tiêu chuẩn lao động.

Giới phân tích và các nhà ngoại giao cho rằng Ngoại trưởng Blinken có thể sẽ thu hút các quốc gia Đông Nam Á bằng nỗ lực đảm bảo chuỗi cung ứng và sự phát triển tài chính trong khu vực, một trong số đó là việc các công ty Mỹ đang dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc.

Hãng tin Reuters dẫn lời một nhà ngoại giao châu Á cho biết chính quyền Biden đã thể hiện cam kết tăng cường hợp tác với khu vực Đông Nam Á thông qua một loạt chuyến thăm cấp cao trong năm nay, sự tham gia của ông Biden tại các hội nghị thượng đỉnh khu vực và hợp tác an ninh lâu dài. Tuy nhiên, theo một nhà ngoại giao giấu tên cho rằng, Mỹ vẫn chưa hành động đủ mạnh.

"Nhưng họ không có phản ứng với Trung Quốc về kinh tế. Trung Quốc đã dẫn trước cuộc chơi 20 năm. Mỹ cần phải làm gì đó để giúp các nước Đông Nam Á kém phát triển hơn, vì tàu sân bay đến thăm thôi là chưa đủ", nhà ngoại giao này nói.

KHẢ ANH