Thông qua Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật: Nhận diện hành vi bị cấm

Thứ ba, 23/06/2015 08:53

(Cadn.com.vn) - Ngày 22-6, với 88,87% đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật gồm 17 Chương, 175 Điều, quy định rõ nguyên tắc, thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật;  trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Trong đó, về văn bản quy phạm pháp luật, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ là: Văn bản có chứa quy phạm pháp luật, được ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật này. Văn bản có chứa quy phạm pháp luật nhưng được ban hành không đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục được quy định của Luật này thì không phải là văn bản quy phạm pháp luật.

Đối với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, Luật quy định gồm: Hiến pháp; Bộ luật, luật (sau đây gọi chung là luật), nghị quyết của Quốc hội; Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; Nghị định của Chính phủ; nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; quyết định của Tổng Kiểm toán Nhà nước; Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh); Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương (sau đây gọi chung là cấp huyện); Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện; Nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã); Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã.

Luật cũng quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm là: Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái Hiến pháp, trái văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan Nhà nước cấp trên. Ban hành văn bản không thuộc hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định tại Điều 4 của Luật này nhưng chứa quy phạm pháp luật. Ban hành văn bản quy phạm pháp luật không đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định tại Luật này.

Quy định thủ tục hành chính trong Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Quyết định của Tổng Kiểm toán Nhà nước, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp huyện; Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp xã, Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã, trừ trường hợp được giao trong luật.

Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2016.